Theo Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh Hải Dương nêu việc theo quy định của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, nhóm sĩ quan từ trung tá trở xuống có từ đủ 20 năm công tác đối với nữ và 25 năm công tác đối với nam được nghỉ hưu.
Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội quy định phải có từ đủ 30 năm công tác (đối với nữ), 35 năm công tác (đối với nam) mới được hưởng 75% lương hưu nên nhóm đối tượng này không đủ điều kiện được hưởng mức lương hưu với tỉ lệ tối đa.
Do đó, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét có chế độ hưu trí đặc thù đối với sĩ quan quân đội.
Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng nêu rõ:
Cần thống nhất về nhận thức, hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan không phải là tuổi để nghỉ hưu.
Theo Bộ Quốc phòng, sĩ quan khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ, phục vụ quân đội theo quy định của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, nếu quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng thì được thôi phục vụ tại ngũ theo một trong bốn hình thức gồm nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, nghỉ theo chế độ bệnh binh.
Mỗi hình thức thôi phục vụ tại ngũ có điều kiện cụ thể khác nhau, sĩ quan đủ điều kiện theo hình thức nào được thực hiện thôi phục vụ tại ngũ theo hình thức đó và không phải cứ hết tuổi phục vụ tại ngũ đều được nghỉ hưu.
Bộ Quốc phòng dẫn quy định về bảo hiểm xã hội nên từ năm 2018 trở đi với nữ và từ năm 2022 trở đi với nam, để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu, bắt buộc thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải đủ 35 năm trở lên với nam, đủ 30 năm trở lên với nữ.
Quy định này là nguyên tắc đóng - hưởng của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được áp dụng đối với tất cả đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội của sĩ quan thông thường được tính từ khi nhập ngũ, tuyển dụng đến khi thôi phục vụ tại ngũ, do vậy thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội của sĩ quan liên quan trực tiếp đến hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan.
Tuy nhiên hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo từng cấp bậc quân hàm của sĩ quan do Luật sĩ quan quy định, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ, tổ chức biên chế và nhu cầu bố trí, sử dụng của quân đội.
Ngoài các quy định chung về chính sách đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành có những quy định ưu đãi đối với quân nhân (trong đó có sĩ quan), như:
Về điều kiện liên quan đến tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với cán bộ, công chức nhà nước có cùng điều kiện lao động hoặc nghỉ hưu theo điều kiện quy định của Luật sĩ quan, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau căn cứ vào thời gian thực tế điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền (kể cả nội trú và ngoại trú). Mức hưởng chế độ ốm đau bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm…
Hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đang tiếp tục được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo giao cơ quan chức năng tiến hành rà soát những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quân đội để phối hợp tham gia nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Cũng trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nhà, đất vào tiền lương cho cán bộ, sĩ quan, Bộ Quốc phòng cho hay thời gian qua đã tích cực, chủ động đầu tư xây dựng và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức triển khai các dự án nhà ở chính sách, nhà ở công vụ.
Việc này để hỗ trợ nhà ở, đất ở cho các đối tượng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng.
Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp về nhà, đất ở cho các đối tượng trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận