Các câu hỏi, thắc mắc của cử tri 5 tỉnh, thành gửi về đều xoay quanh kiến nghị nâng mức phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng dân quân tự vệ.
Còn một số bất cập
Cụ thể, cử tri của TP.HCM cho biết phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; phụ cấp chức vụ; phụ cấp đặc thù quốc phòng quân sự; phụ cấp thâm niên.
Tổng mức hưởng khoảng gần 3.000.000 đồng/tháng là còn thấp, không bảo đảm cuộc sống, dẫn đến tình trạng nhiều người đã xin thôi công tác.
Thực tế thời gian qua dân quân tự vệ đã thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng.
Đây là những nhiệm vụ có yêu cầu cao, tính chất phức tạp, phải huy động kịp thời, hoạt động không kể ngày, đêm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng dân quân tự vệ.
Trong khi đó mức hưởng chế độ, chính sách của dân quân khi thực hiện những nhiệm vụ này cũng bằng mức hưởng khi làm nhiệm vụ bình thường, tính chất, điều kiện, môi trường bình thường là không phù hợp.
Cử tri TP.HCM đề nghị nghiên cứu nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ.
Cử tri tỉnh Bình Định cũng kiến nghị tăng mức phụ cấp và trợ cấp cho lực lượng Ban chỉ huy quân sự xã và dân quân tự vệ, bảo đảm tương xứng mức lương cơ sở mới.
Điều này được quy định theo nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ; nghị quyết số 69/2023/QH15 của Quốc hội về điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2024.
Việc tăng mức phụ cấp và trợ cấp này sẽ đảm bảo tương xứng với công việc và trách nhiệm của lực lượng Ban chỉ huy quân sự xã và dân quân tự vệ.
Nghiên cứu điều chỉnh tăng
Về các kiến nghị trên, Bộ Quốc phòng đã có câu trả lời cụ thể.
Theo đó, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ.
Trong đó có điều chỉnh tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ theo mức lương cơ sở hiện hành (tờ trình số 3037/TTr-BQP ngày 22-8-2023 của Bộ Quốc phòng).
Ngày 8-2, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo số 523/BC-BQP giải trình tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2020/NĐ-CP.
Phạm vi điều chỉnh theo hướng nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của dân quân tự vệ, mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần dân quân tự vệ; cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định "từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng" và ngày 27-11-2024 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tại điểm đ, khoản 3 điều 12 quy định: "Dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm".
Do vậy Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo ban soạn thảo điều chỉnh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ theo mức lương cơ sở mới 2.340.000 đồng/tháng và đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế (dân quân tự vệ - PV) để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, báo cáo và trình Chính phủ.
Hiện nay Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định trong tháng 12-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận