22/02/2011 07:55 GMT+7

Bỏ quên những món quà lưu niệm

THÙY TRANG (Huế)
THÙY TRANG (Huế)

TT - Nếu ai từng đi du lịch nước ngoài sẽ thấy việc bán các sản phẩm lưu niệm mang tính gắn kết cao với các địa điểm du lịch này sẽ mang lại lợi nhuận không hề nhỏ, đồng thời góp phần lưu dấu ấn sâu đậm đến mỗi du khách.

Đến Paris, mọi góc đường du lịch đều có hình ảnh của tháp Eiffel trên các móc khóa, áo thun, nón, cốc trà...

Đến Marseille, chúng ta như thấy hơi thở của thành phố cảng nổi tiếng lâu đời này trong hình hài các con tàu buồm tinh xảo nhỏ xíu đặt trong chiếc chai thủy tinh nút kín, các chú thủy thủ bằng sứ với chiếc tẩu trên môi, những mỏ neo, bật lửa kiểu cổ... được trưng bày bắt mắt trên mọi kệ hàng lưu niệm, đến kẹo bánh cũng mang hình tàu và mỏ neo.

Sang Vatican, sẽ rất ấn tượng với cảnh du khách xếp hàng rồng rắn đợi đi qua ba lần cửa kiểm tra để được vào thăm tòa thánh uy nghiêm và lộng lẫy, nhưng càng ấn tượng hơn nữa khi bắt gặp tại lối ra của tòa thánh là một thế giới quà lưu niệm do các xơ phụ trách.

Từ bưu thiếp, tranh tượng, ảnh các đức giáo hoàng, các loại chuỗi hạt, sách bút đến cả những cây bút chì, bong bóng cho trẻ em mang hình ảnh của tòa thánh... và tất nhiên các máy tính tiền chạy không ngơi nghỉ.

Một điều đáng lưu ý là tại mỗi điểm tham quan, lối đi dẫn dắt du khách ở châu Âu được tính toán để nơi kết thúc là nơi bán các sản phẩm lưu niệm phong phú đủ loại mang nét đặc trưng của điểm tham quan đó, và tất nhiên du khách thường hoan hỉ rút ví chi cho các món quà nhỏ nhưng ý nghĩa này để làm kỷ niệm chuyến đi hoặc làm quà cho người thân. Một số người nhẩm tính số tiền trung bình mỗi du khách chi cho các món hàng lưu niệm này có thể tương đương số tiền cho nhiều ngày lưu trú.

Không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến các mặt hàng lưu niệm của ngành du lịch chúng ta. Một vài món hàng thuần Việt như lồng đèn lụa, túi xách thổ cẩm, áo quần lụa tơ (nhưng thường được may theo kiểu Trung Quốc), các tượng gỗ hình thiếu nữ áo dài nón lá, áo thun in chữ có thể hấp dẫn du khách chút ít, nhưng ngay cả các món hàng này đều nhan nhản khắp nơi.

Phố cổ Hà Nội cũng bán đèn lồng, phố cổ Hội An, cố đô Huế cũng đèn cùng chủng loại. Hầu như chưa có nơi nào chú ý phát triển các mặt hàng thủ công mang tính địa phương để thu hút khách và tăng thêm nguồn thu nhập.

Du khách đến Huế muốn mua các sản phẩm mang nét Huế cũng chỉ gặp đôi ba mẫu kinh thành lăng tẩm đúc bằng đồng đơn điệu nghèo nàn và hầu như không thay đổi từ chục năm nay. Tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội) bày bán rất nhiều dây cột tóc, kẹp nơ xanh đỏ, các con thú nhỏ bằng nhựa “made in China”.

Tại Đại nội Huế bày bán các ngôi tháp kiểu Trung Quốc bằng nhựa trong suốt có đèn xanh đỏ, những chiếc quạt vải yếu ớt lòe loẹt. Đến miền Tây cũng bắt gặp những món hàng y hệt như vậy. Đó là chưa nói đến độ bền hay giá trị sử dụng các món hàng lưu niệm của chúng ta, hầu hết được làm tạm bợ, nhòe nhoẹt thiếu thẩm mỹ và chóng hỏng, đôi khi làm du khách bật cười vì vừa chạm vào đã rơi rụng chứ chưa nói đến việc nhét vào vali mang về.

Đã đến lúc cần tăng thêm tính chuyên nghiệp cho du lịch VN từ cách làm, cách nghĩ có chiều sâu văn hóa hơn là mãi chạy theo những tư duy phát triển mới nghe có vẻ to tát nhưng hời hợt và kém hiệu quả.

THÙY TRANG (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên