Các đại biểu chia sẻ tại buổi họp báo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - Ảnh: T.ĐIỂU
Bộ phim do Công ty TNHH Điện ảnh và Truyền thông Khánh An - một hãng phim ở Huế, quê hương của đạo diễn - sản xuất. Đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim này từ chính kịch bản của mình. Diễn viên chính là Đức Minsu.
Chiều 20-10, tại buổi họp báo thông tin về Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8 đến 12-11 tại Hà Nội, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết bộ phim được làm bằng nguồn cảm hứng từ câu ca dao: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Theo ban tổ chức, bộ phim là những lát cắt của cuộc sống người Hà Nội dung dị, tinh tế, nhuần nhị, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội nhân nghĩa, tử tế, nhân văn.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh không có mặt tại buổi họp báo. Đoàn phim sẽ ra mắt vào buổi chiếu bộ phim này tại khai mạc liên hoan phim.
Trong một bài trả lời phỏng vấn hồi đầu năm, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết ông làm phim này bởi thấy báo chí, phim ảnh phản ánh nhiều về những mặt tiêu cực của người Hà Nội, "chất hoa nhài" của người Hà Nội dường như không còn.
Ông muốn làm bộ phim cuối cùng này của mình, với kinh phí rất hạn hẹp, để chứng minh dù bây giờ người tứ xứ đổ về khiến người Hà Nội không còn như xưa thì chất hoa nhài vẫn ẩn sâu trong những người Hà Nội bình dị.
Hoa nhài là câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ giữa con người với nhau trong vòng xoáy của cuộc sống đô thị hiện nay: một em bé đánh giày từ nông thôn ra, một ông thợ cắt tóc với vợ là người từ làng bánh cuốn Thanh Trì, một ông giáo già người Hà Nội gốc dạy hát cho các em trong dàn đồng ca khiếm thị… Họ vẫn giữ được cái cốt cách của "người Tràng An".
Là người rất hâm mộ điện ảnh Iran với những bộ phim kinh phí thấp nhưng rất cảm động và giành nhiều giải thưởng lớn, đạo diễn Đặng Nhật Minh cố học theo họ trong bộ phim này trước hết về phương diện kinh phí thấp và câu chuyện đơn giản.
10 phim nước ngoài dự thi cùng Hoa nhài là các bộ phim đến từ Tây Ban Nha, Iran, Sri Lanka, Myanmar, Kazakhstan, Ba Lan/Thụy Điển, Philippines, Pháp, Brazil, Ấn Độ.
Ngoài 11 phim dài dự thi, còn có 20 phim ngắn dự thi (Việt Nam có 8 phim), 63 phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama), 22 phim trong chương trình Phim Việt Nam đương đại, 7 phim trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc.
800 đại biểu sẽ tham dự, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế, nhưng những ngôi sao quốc tế tham gia liên hoan phim chưa được tiết lộ.
Năm nay, ngoài các giải thưởng truyền thống của liên hoan phim này thì có thêm giải đạo diễn triển vọng. Ngoài ra UBND TP Hà Nội có thêm giải thưởng cho bộ phim hoặc đạo diễn bộ phim xuất sắc về đề tài Hà Nội.
Liên hoan phim là cơ hội để người yêu điện ảnh được thưởng thức miễn phí hơn 100 bộ phim mới đến từ 50 nước trên thế giới và những bộ phim Việt Nam đương đại như 1990, Bố già, Cơn giông, Em và Trịnh, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Memento Mori - Đất, Những đứa trẻ trong sương…
Các bộ phim được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, quận Đống Đa), CGV Vincom Center (54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa), BHD Star Cinema, tầng 8, Trung tâm thương mại Vincom, số 2 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa.
Chương trình chiếu phim và vé mời xem phim được in và gửi tới khán giả tại các địa điểm chiếu phim.
Giảm sang trọng, hoành tráng vì khó khăn kinh tế
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo, ông Vi Kiến Thành cho biết liên hoan năm nay sau một kỳ phải tạm hoãn năm 2020 vì COVID-19 thì quy mô về số lượng phim và các quốc gia tham gia vẫn tương đương với các kỳ liên hoan lần thứ IV, V.
Tuy nhiên, liên hoan năm nay sẽ không hoành tráng như các kỳ liên hoan trước, bởi khó khăn về kinh phí của cả nước chủ nhà và các nước tham dự sau COVID-19.
Năm nay, ngoài kinh phí từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kinh phí kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp giảm nhiều, chỉ đạt 40-50% so với các kỳ trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận