Ảnh: H.T.K.
Song hành cùng lịch sử của quá khứ, còn có một lịch sử của hiện tại nhưng hai vùng hiện thực tiếp nối, hòa trộn vào nhau.
Có thể thấy mối dây liên kết này trong tập truyện mới nhất của Uông Triều, Bò hoang phố cổ - một tuyển tập với những mảnh đời sống của con người đương thời quyện vào với phần lịch sử hào hùng của tiên tổ.
Phần đầu là những truyện ngắn với không gian hiện đại, với những nỗi lo toan của thế kỷ 21, những mối quan hệ nhì nhằng, đầy toan tính của lớp thị dân mới. Ở đó có những băn khoăn về tồn tại, cái thế bấp bênh bước vào đời sống dường như có vẻ bất trắc hơn.
Và từ đấy nảy sinh một nhu cầu đối thoại với quá khứ, tìm lời giải đáp từ tiền nhân như trong truyện Nước mắt rồng thiêng: nhân vật chính dằn vặt với câu hỏi: nếu là ta thì nhân vật lịch sử ấy sẽ hành xử như thế nào?
Câu hỏi này là khúc dạo đầu để nhà văn dấn sâu hơn vào phần thứ hai: địa hạt của lịch sử, với những truyện ngắn như Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, Kiếm sắc hoa đào, Nước mắt sông Cầm... Nhà văn nhìn lại lịch sử với đôi mắt của nhà ký họa, ta có thể đọc thấy những câu văn ngắn như một nét khắc, tưởng nhẹ mà hằn rất sâu.
Tưởng như đôi lúc nhà văn chếnh choáng trong cái đại cảnh hào hùng của lịch sử và cũng đang sôi sục lên trước tinh thần vệ quốc của tổ tiên.
Cả hai phần này tạo ra sự đầy đặn của một hiện thực có gắn kết, trao truyền. Dẫu rằng, nhiều lúc ta thấy lịch sử lại hiện diện mạnh mẽ hơn, thế giới của quá khứ, của người đã khuất thì sống động, còn thế giới của người sống thì nhờ nhờ những bóng ma.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận