04/09/2019 16:41 GMT+7

87 tuổi, dịch giả Dương Tường soi kính lúp dịch Kiều sang tiếng Anh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 2 năm trước, thương tiếng Việt bị tàn phá quá, dịch giả Dương Tường với đôi mắt đã gần như bị lòa, ngày ngày cặm cụi soi kính lúp dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh mà như ông bảo là để trả nghĩa cho tiếng Việt.

87 tuổi, dịch giả Dương Tường soi kính lúp dịch Kiều sang tiếng Anh - Ảnh 1.

Ở tuổi 87, với đôi mắt hầu như đã lòa, dịch giả Dương Tường vừa vượt qua được 'ngọn núi' cao nhất trong nghiệp dịch thuật của ông - dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tối qua, 3-9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, trong buổi giao lưu với bạn đọc về cuốn sách dịch mới nhất của ông có tên Chết chịu của Céline, dịch giả Dương Tường lần đầu chia sẻ về 2 năm quyết vượt lên đôi mắt đã gần như lòa để dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh - việc mà ông thích nhưng đã không dám làm suốt hơn nửa thế kỷ làm dịch giả của mình, không dám làm ngay cả khi mắt ông còn sáng.

Khoảng 3 năm trước, sau khi dịch Céline (Chết chịu) và Proust (Bên phía nhà Swan Dưới bóng những cô gái đương hoa), đôi mắt dịch giả hơn 80 tuổi bắt đầu mờ dần. Dịch giả Dương Tường nghĩ mình không thể tiếp tục cặm cụi trước màn hình máy tính mà dịch nữa.

Tuy vậy, dịch giả vẫn quyết định "học lại Kiều để học thêm về tiếng Việt và để gìn giữ tiếng Việt". Mắt ông không thể đọc chữ, một cháu gái nhỏ yêu văn chương mỗi tuần một buổi đến đọc Kiều cùng ông, còn ông giảng Kiều cho cháu nghe.

Qua mấy tuần như vậy thì hai ông cháu đều rất vui thích. Từ đó, ông mới nghĩ: "Hay mình dịch Kiều sang tiếng Anh". Dịch Kiều sang tiếng Anh là việc mà cả đời dịch, Dương Tường "không dám động đến".

"Động vào ngọn núi ấy thì gay lắm. Nhưng tôi thích quá. Tôi khấn cụ Nguyễn Du, xin cụ cho tôi dịch Kiều. Vậy là hai năm trời tôi mò từng phím một để học Kiều và dịch", nhà thơ Dương Tường chia sẻ.

87 tuổi, dịch giả Dương Tường soi kính lúp dịch Kiều sang tiếng Anh - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam phát hành năm 2015 - Ảnh: NHÃ NAM

Đôi mắt không cho ông viết được nữa, ông tập viết thật to trên giấy A4 để dịch. Nhưng cách này cũng không ổn. Một bạn trẻ tình nguyện gõ phím cho ông, được vài chục trang thì cũng… oải. Nhóm bạn trẻ khác giúp ông một màn hình máy tính thật lớn, cộng với chiếc kính lúp để ông có thể phóng chữ thật to.

"Tiếng Việt của chúng ta, tôi cho là một trong những ngôn ngữ đẹp nhất. Có ngôn ngữ nào mà lại nhiều nhạc tính như tiếng Việt của ta, có tới 5-6 thanh? Có ngôn ngữ nào đẹp như vậy không?", dịch giả Dương Tường nói về cái đẹp của tiếng Việt và tình yêu với tiếng Việt khiến ông quyết tâm vượt qua ngọn núi cao nhất trong nghiệp dịch thuật của mình.

Cuối cùng, ông đã hoàn thành hành trình vượt ngọn núi cao nhất ấy cách đây vài hôm. Ông coi như mình đã trả hết nợ cho đời, cho tiếng Việt khi đưa tác phẩm đẹp nhất của nước Việt ra thế giới.

Từ đây, ông có thể thanh thản ra đi gặp bạn bè của mình ở thế giới bên kia, coi như mình đã sòng phẳng trả hết nợ và không cần phải "chết chịu". Ông hi vọng bản dịch sẽ sớm được xuất bản và sẽ giúp các cháu nhỏ học lại Kiều để biết yêu tiếng mẹ đẻ hơn.

Về việc dịch Kiều ra tiếng nước ngoài, một nhà phê bình cho biết Truyện Kiều đã được dịch ra tiếng nước ngoài từ rất sớm. Bản sớm nhất là bản dịch sang tiếng Pháp vào năm 1884.

Từ đó đến nay có nhiều người dịch Kiều ra tiếng nước ngoài, nhưng bản dịch của Dương Tường chắc chắn là một bản dịch rất đáng mong đợi và là bản dịch mới nhất cho tới nay.

Nếu ai không đau khổ thì đừng đọc Céline

Tại buổi ra mắt sách tối 3-9, chia sẻ về cuốn sách mới nhất của dịch giả Dương Tường - Chết chịu của nhà văn Pháp Céline - tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học) cho biết bỏ qua những tranh cãi về cuộc đời và con người của tác giả thì văn chương của Céline không dễ đọc.

"Văn chương của ông, và đặc biệt là cuốn Chết chịu nhuốm màu hư vô chủ nghĩa. Đó là thứ văn chương mà ta chỉ có thể đóng cửa lại và đọc một mình. Nó không phải là thứ văn chương dành cho số đông.

Đó là những tác phẩm ta có thể mua về nhưng cứ để đó, một hôm mưa gió lôi ra đọc. Nếu ai không cảm thấy đau khổ thì không nên đọc. Nó còn tạo sự dấm dứt khó chịu cho người đọc với thứ văn cộc lốc", tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên chia sẻ chân thành với bạn đọc ngay trong buổi ra mắt cuốn sách này.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Chết chịu cũng như các cuốn sách khác của Céline đều không phải là những cuốn sách u ám.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào

TTO - Tối nay (3-9), tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có một cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên