Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Vũ Luận đã dành thời gian cuối phiên họp buổi sáng để trình bày đề án từng “ầm ĩ” dư luận với chi phí dự kiến lên đến 34.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận phản ứng của dư luận, tại kỳ họp này, chi phí của đề án đã giảm đáng kể, chỉ còn… 778,8 tỷ đồng.
Một trong những điểm quan trọng của đề án được ông Phạm Vũ Luận nhắc đến là sách giáo khoa (SGK) mới sẽ được biên soạn theo phương án, nhiều tổ chức cá nhân cùng tham gia biên soạn trên cơ sở chương trình phổ thông thống nhất. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Ông Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc này có thể sẽ làm xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đây không phải là sự “lấn sân” của Bộ GD-ĐT mà chỉ nhằm giúp bộ chủ động triển khai chương trình phổ thông mới.
Theo ông Luận, tâm lý e ngại này sẽ được khắc phục bằng cách “tăng cường giải thích”, nhằm giúp dư luận hiểu là việc Bộ GD-ĐT cũng tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa không ảnh hưởng đến sách giáo khoa do các cá nhân tổ chức khác biên soạn và đã thẩm định, sử dung trong nhà trường.
Việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cho cùng một chương trình phổ thông, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng điều này sẽ huy động được năng lực của tổ chức cá nhân biên soạn, có sách giáo khoa phù hợp với các vùng miền địa phương, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Về kinh phí tổ chức thực hiện đề án 778,8 tỷ đồng, ông Phạm Vũ Luận thông tin ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 504 tỷ, 274,8 tỷ còn lại là ngân sách các địa phương.
Dự kiến năm học 2018 - 2019, sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào sử dụng trong nhà trường và tiếp tục chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện. Đến tháng 12-2021, việc thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ được hoàn chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận