Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021
Bộ GD-ĐT nói 'không quên biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số'
TTO - Tới thời điểm hiện tại, các môn học lớp 1 theo chương trình GD phổ thông mới đều đã có đủ sách giáo khoa. Nhưng riêng chương trình tiếng dân tộc thiểu số, là môn học tự chọn, thì chưa có sách.

Tác giả sách giáo khoa tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới tại Trường tiểu học số 2 Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cao - Ảnh: CHU HÀ LINH
Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã "quên" đôn đốc xây dựng chương trình môn học này, cùng với đó là việc chậm biên soạn sách giáo khoa, khiến cho các trường tự chọn học tiếng dân tộc phải chờ đến học kỳ 2 của năm học 2020-2021 mới triển khai dạy môn này.
Ngày 7-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng vụ GD trung học, nguyên giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (dự án RGEP) đoạn 2018-2020 - phủ nhận việc "quên" môn học trên.
"Do thực tế khách quan có nhiều khó khăn về nguồn nhân lực biên soạn chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, nên việc triển khai xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số chưa kịp so với tiến độ chung", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Trước đó, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành, môn học tiếng dân tộc thiểu số được xây dựng là môn học tự chọn với thời lượng 70 tiết/năm ở cấp tiểu học, 105 tiết/năm ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
Tiếng dân tộc thiểu số bao gồm tiếng dân tộc Khmer, Chăm, Ê Đê, M’Nông, Mông, Thái, Jrai, Ba Na. Thời lượng môn học này là 70 tiết/năm học.
Năm 2018, sau khi chương trình tổng thể được phê duyệt, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (dự án RGEP) tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả xây dựng 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số nhưng không có ứng viên tham gia. Vì thế, các chương trình tiếng dân tộc thiểu số chưa xây dựng được do không tuyển được tác giả.
Năm 2019, dự án RGEP tiếp tục tổ chức đấu thầu và đã tuyển chọn được đủ tác giả xây dựng 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, việc thực nghiệm chương trình được tổ chức vào học kỳ 2 năm học 2019-2020 để hoàn thiện, đăng mạng xin ý kiến rộng rãi, ban hành chương trình và triển khai biên soạn sách giáo khoa theo lộ trình áp dụng.
"Do dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học ở trường dài ngày nên việc thực nghiệm chương trình đã không tiến hành được theo đúng kế hoạch đề ra. Tháng 5-2020, dự thảo chương trình 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được đăng trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến rộng rãi và sẽ được ban hành trong tháng 7-2020.
Song song với việc trên, Bộ GD-ĐT đã giao cho NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn sách giáo khoa lớp 1 theo dự thảo 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số đã đăng mạng. Đến nay, NXB Giáo dục VN đã tập hợp được tác giả của 8 môn học, đang trong quá trình biên soạn sách giáo khoa và sẽ hoàn thành trong năm 2020. Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số đối với các lớp tiếp theo sẽ được tiến hành theo lộ trình, đáp ứng yêu cầu tự chọn của học sinh và các nhà trường" - ông Thành khẳng định.
Về thông tin học sinh không có sách mới học khi năm học bắt đầu, ông Thành cho biết không có chuyện học sinh lớp 1 năm học tới phải học sách cũ ở học kỳ 1, chờ sang học kỳ 2 tiếp tục học sách mới.
"Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các nhà trường có học sinh lớp 1 đăng ký học môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số và bắt đầu tổ chức dạy học từ học kỳ 2 năm học 2020-2021".
Theo ông Thành thì với thời lượng cho môn tự chọn là 70 tiết/năm nhưng không nhất thiết phải bố trí học rải ra cả năm học. Học sinh lớp 1 sau khi học hết chương trình tiếng Việt học kỳ 1, sang học kỳ 2 học môn tự chọn một tiếng dân tộc thiểu số cũng phù hợp.
-
TTO - Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy nhân viên quên hạ gác chắn khiến tàu hỏa tông vào ôtô chạy qua đường sắt dân sinh làm cháu bé chết thảm, cả bố mẹ đều bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
-
TTO - Trong ngày Việt Nam chính thức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đồng loạt tại Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM, các nữ nhân viên y tế được ưu tiên tiêm trước trong Ngày quốc tế phụ nữ 8-3.
-
TTO - Lời kêu gọi ASEAN hợp tác hơn nữa với Trung Quốc được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra trong cuộc họp báo ngày 7-3, dù lúc này Trung Quốc đang tiến hành tập trận dài 1 tháng trên Biển Đông.
-
TTO - Công an các địa phương đang đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên, có nhiều tiện ích mới sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân.
-
TTO - Bản tin 18h chiều 7-3 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 3 ca mắc mới COVID-19, gồm 1 ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương, 2 ca là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận