18/03/2022 09:29 GMT+7

Bộ điều chỉnh kỹ thuật tuyển sinh ĐH, CĐ: Các trường nói sẽ ảnh hưởng thí sinh

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định quy chế tuyển sinh năm 2022 cơ bản giữ ổn định như các năm qua, chỉ "điều chỉnh kỹ thuật". Đại diện các trường cho hay tuy chỉ là "điều chỉnh kỹ thuật" nhưng sẽ tác động lớn đến thí sinh và cả các trường.

Bộ điều chỉnh kỹ thuật tuyển sinh ĐH, CĐ: Các trường nói sẽ ảnh hưởng thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: VĂN VŨ

Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều trường đã bổ sung các phương thức xét tuyển mới và giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với chỉ đạo mới nhất của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ phải điều chỉnh lại đề án tuyển sinh.

Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, các trường đã xây dựng đề án tuyển sinh khá ổn định. Việc các trường đưa ra phương thức tuyển sinh mới để có thể lựa chọn đúng thí sinh, phù hợp với ngành đào tạo nên cần được Bộ GD-ĐT tạo điều kiện.

PGS.TS Trần Thiên Phúc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nhiều điều chỉnh về kỹ thuật

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm 2022, bộ yêu cầu các trường đại học rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh và cập nhật lên hệ thống. Các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021. 

Việc tuyển sinh phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định, đối với các phương thức xét tuyển đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh…

Đối với trường có sử dụng các phương thức xét tuyển khác phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu chỉ xét tuyển dựa trên điểm học tập THPT (học bạ) đơn thuần thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển, tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Nếu phương thức xét tuyển bằng phương thức khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD-ĐT để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Ảnh hưởng quyền tự chủ tuyển sinh

Chuyên gia tuyển sinh nhiều trường đại học cho rằng dù chỉ là điều chỉnh kỹ thuật nhưng sẽ tác động lớn đến thí sinh và cả các trường. Đặc biệt, các trường dự kiến có phương thức xét tuyển mới năm nay sẽ bị động.

"Các phương thức xét tuyển khác nhau thường tỉ lệ nhập học khác nhau và phụ thuộc cả vào loại trường THPT. Ví dụ học sinh trường chuyên chúng tôi gọi đúng chỉ tiêu thì các em chỉ vào được 30%. Do vậy, khi cập nhật lên phần mềm xét tuyển chung bộ cần phải tính toán để đảm bảo duy trì được quyền tự chủ của các trường và quyền lựa chọn của thí sinh" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói.

PGS.TS Trần Tiến Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc tuyển sinh nên làm theo tinh thần tự chủ. Bộ chỉ cần có giải pháp kỹ thuật để giám sát việc các trường thực hiện quy chế tuyển sinh, ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, không công bằng với thí sinh khác.

"Các trường đều đã cân nhắc kỹ phương thức tuyển sinh của mình trước khi công bố. Mỗi phương thức hướng tới các nhóm khác nhau nên cùng ngành có nhiều phương thức là vậy. Có ngành chọn hai phương thức là hai kỳ thi (thi đánh giá năng lực và thi THPT). Mục tiêu hai kỳ thi cũng khác nhau, mà cho dù đồng nhất thì khi thí sinh có hai kỳ thi cũng rộng đường hơn" - ông Khoa nhận định.

Theo TS Trần Ái Cầm, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đề án tuyển sinh của trường ổn định như năm trước. Trước đây trường đã chủ động xây dựng với đầy đủ các công cụ hỗ trợ trực tuyến cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học.

"Với cách triển khai như dự kiến năm nay của bộ, các trường phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đặc biệt với các phương thức xét không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với xét tuyển bằng học bạ, tôi nghĩ các trường phải thêm động tác liên hệ thí sinh đã nộp hồ sơ ở các đợt sớm cần cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển lên cổng tuyển sinh chung của bộ khi được triển khai. Cái khó là thời gian các đợt nhận hồ sơ xét tuyển của các trường khác nhau, nay phải điều chỉnh cho phù hợp với một kế hoạch chung của bộ" - bà Cầm nói.

TS Võ Văn Tuấn, phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang, cho hay dù trường năm nay vẫn giữ 5 phương thức xét tuyển như năm ngoái nhưng với chỉ đạo mới của Bộ GD-ĐT, điều khiến ông lo lắng nhất là phương thức xét học bạ. 

"Do năm nay bộ không thông tin sớm nên trường nhận hồ sơ xét học bạ đợt 1 từ ngày 1-3 đến 30-4. Nay bộ yêu cầu phải chạy lọc ảo chung tất cả phương thức, trong đó có xét học bạ thì phải thực hiện ra sao? Đối với xét học bạ các trường xét rất đa đạng (xét điểm 3 năm THPT, xét điểm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, xét điểm lớp 12…), bộ có cho phép không và sẽ lọc ảo thế nào? Kết thúc xét học bạ đợt 1 trường có được công bố kết quả xét tuyển không?…" - ông Tuấn băn khoăn.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng những yêu cầu của Bộ GD-ĐT sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường vì hiện trường vẫn có nhiều phương thức và có dự kiến các mốc thời gian công bố trúng tuyển nhiều lần.

"Tuy vậy, do năm nay trường chúng tôi chủ động đề xuất phương thức tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học tập (học THPT, thi đánh giá năng lực, thi THPT và các chứng chỉ, thành tích học tập khác) và các thành tích văn-thể-mỹ và hoạt động đóng góp cộng đồng, nên việc thay đổi này của bộ sẽ là lý tưởng trong việc thu thập dữ liệu thí sinh của nhà trường, đảm bảo minh bạch và chính xác trong tuyển sinh" - ông Thắng nói.

Loại khỏi hệ thống lọc ảo thí sinh đã xác nhận nhập học

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, kiến nghị nếu mỗi thí sinh có một mã định danh, khi thí sinh trúng tuyển bằng phương thức nào đó và đã xác nhận nhập học thì xóa khỏi hệ thống lọc ảo. Kỳ thi THPT chủ yếu mục đích xét tốt nghiệp nhưng trong bối cảnh hiện nay chưa phù hợp cho các trường ĐH tổ chức thêm các đánh giá khác để tuyển sinh, nên đề thi cần có tính phân hóa cao hơn để phân loại thí sinh.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Trên 20 phương thức xét tuyển Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Trên 20 phương thức xét tuyển

TTO - Nhiều nội dung điều chỉnh đã được Bộ GD-ĐT đặt ra để thảo luận tại Hội nghị tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, tổ chức chiều 16-3.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên