29/10/2017 12:48 GMT+7

Bộ Công thương: Uber, Grab đang cạnh tranh không bình đẳng

N.AN
N.AN

TTO - Bộ Công thương nêu quan điểm trên trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo quyết định 21/BGTVT.

Bộ Công thương: Uber, Grab đang cạnh tranh không bình đẳng - Ảnh 1.

Theo Bộ Công thương, cần sửa đổi quy định để xác định các doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng với loại hình vận tải truyền thống.

Việc sửa đổi quy định như trên là cần thiết, bởi quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hàng khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp chỉ giải thích được họ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm, dẫn đến việc khó quản lý và không công bằng với các loại hình khác.

Do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề đảm bảo an toàn cho hành khách và người trên đường, trong khi chính họ thu tiền của khách hàng.

Thêm nữa, do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này cũng không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống như taxi, xe ôm.

Cuộc đại chiến giữ Uber, Grab với taxi truyền thống đã lên đến hồi đỉnh điểm trong thời gian qua khi một số hãng taxi truyền thống dán biểu ngữ yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng như đặt ra phải làm rõ mô hình hoạt động nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, các hãng cung cấp ứng dụng phần mềm phục vụ cho hoạt động vận chuyển này cho rằng họ hoạt động đúng luật.

Mới đây, cơ quan thuế cho biết đã hoàn thành kết luận thanh tra hoạt động chấp hành nghĩa vụ thuế và yêu cầu Uber, Grab nộp hàng chục tỉ đồng tiền thuế.

Bộ Công thương cũng cho rằng trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này là doanh nghiệp nước ngoài, thì việc cho doanh nghiệp hoạt động là không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. 

Nguyên do, Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo quy định hiện nay, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng Uber, Grab cũng phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Bởi ngoài hoạt động vận tải, việc sử dụng phần mềm ứng dụng này liên quan trực tiếp đến thông tin người sử dụng, việc thanh toán dịch vụ và các giao dịch khác. Do vậy, Bộ Công thương cho rằng cần phải được nâng cao quản lý về khía cạnh thương mại điện tử.

Ngoài các vấn đề trên, Bộ Công thương cũng kiến nghị cần đánh giá chi tiết và hoàn thiện hơn về hiệu quả, ưu nhược điểm của từng ứng dụng, phương thức triển khai của các đơn vị, mức độ và nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Việc cung cấp các dịch vụ qua ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin cần khuyến khích. Tuy nhiên, cần đánh giá để tính đến việc dỡ bỏ, giảm thiểu các rào cản tới các loại hình dịch vụ truyền thống như cấm đường, nếu không sẽ tạo sự bất bình đẳng giữ các doanh nghiệp.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên