Ông Lê Việt Long cho biết hoạt động thanh tra là bình thường - Ảnh: N.AN
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-1, ông Lê Việt Long, chánh Thanh tra Bộ Công thương, cho biết kế hoạch thanh tra được xây dựng trên ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về quản lý nhà nước. Bộ cảm thấy lĩnh vực nào cần quan tâm thì sẽ tập trung thanh tra vào lĩnh vực đó.
Hơn nữa Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ là tập trung vào những lĩnh vực nào nhạy cảm. Trên cơ sở mục tiêu như vậy, Bộ xây dựng các lĩnh vực thanh tra dựa trên công tác quản lý của Bộ.
Thời điểm thanh tra là theo đúng danh mục công bố và phối hợp các bên liên quan. Lịch sẽ triển khai theo kế hoạch thanh tra đặt ra nhưng cũng có thể thay đổi căn cứ trên tình hình thực tế như công tác thanh quyết toán của đơn vị với cơ quan cấp trên. Trong từng trường hợp có thể có điều chỉnh và có thông báo thay đổi kế hoạch thanh tra về thời gian.
Số lượng thanh tra các doanh nghiệp khá nhiều, nếu so với các năm thì như thế nào, thưa ông?
Có hai diện thanh tra. Thanh tra về hành chính nhà nước là khác với thanh tra chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực xăng, hiện 6 tập đoàn tổng công ty nhà nước đã chuyển sang Ủy ban quản lý vốn và Bộ Công thương chỉ thanh tra mang tính chất chuyên ngành, chấp hành lĩnh vực xăng dầu, trong lĩnh vực hóa chất, dầu khí, nên cũng không có gì là nhiều.
So với các năm thì Bộ tập trung cũng tương đối rộng. Do nhu cầu công tác quản lý của Bộ thấy lĩnh vực đó cần thì đưa ra để quản lý.
Năm vừa qua Chính phủ ban hành 1 năm chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần, tránh hoạt động chồng chéo, vậy Bộ phối hợp các bên liên quan như thế nào?
Vấn đề này Thanh tra Chính phủ chủ trì. Trước đó Bộ Công thương phối hợp với bộ ngành như Bộ Tài chính, Thanh Tra Chính phủ sang làm việc với Kiểm toán Nhà nước để xây dựng chương trình.
Bộ Công thương cũng phối hợp với các đơn vị như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ để giải quyết, đảm bảo các doanh nghiệp là không có hai lần bị thanh tra, kiểm tra trong một năm.
Trong danh sách có những lĩnh vực như bất động sản, viễn thông, ngân hàng. Tại sao lại bị đưa vào kế hoạch thanh tra?
Bộ Công thương có cơ quan quản lý là Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, những hoạt động này liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Vì vậy những hoạt động của ngân hàng, có ảnh hưởng tác động gì, có chấp hành đúng chính sách hay không? Đó là hành vi thương mại nhưng Bộ Công thương quản lý về bảo vệ người tiêu dùng nên buộc phải có quản lý những hoạt động đó.
Danh mục như vậy có quá nhiều đối với Bộ Công thương không khi Bộ vừa cơ cấu lại bộ máy, cắt giảm nhân sự?
Công tác quản lý là phải làm, tăng cường về thẩm quyền của Bộ. Về quản lý biết rằng lực lượng còn thiếu nhưng trước thực trạng thì phải tăng cường để làm.
Doanh nghiệp luôn lo lắng bị thanh tra, kiểm tra, Bộ khẳng định phối hợp nhưng làm sao đảm bảo công khai, minh bạch và không ảnh hưởng tới doanh nghiệp?
Đây là công tác thanh tra thông thường. hoạt động thanh tra thường kiểm tra hoạt động trong quá khứ, ví dụ như hoạt động 2017 – 2018, các đơn vị chỉ cung cấp hồ sơ tài liệu cho đoàn thanh tra. Công tác lưu trữ đảm bảo thường xuyên rồi nên không có gì khó.
Các thành viên đoàn thanh tra sẽ thực hiện việc đó chứ không can thiệp những việc đang diễn ra tại doanh nghiệp. Nói không ảnh hưởng cũng không hoàn toàn đúng, đơn vị cũng phải có người cung cấp hồ sơ tài liệu. Nhưng việc thanh tra này không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, ví dụ như không ảnh hưởng đến ký kết hợp đồng. Các đơn vị vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi làm đúng quy trình. Trên cơ sở hồ sơ của họ cung cấp, họ sẽ tiếp cận để làm thôi. Chứ không lo là vì có hoạt động thanh tra mà không triển khai được dự án, vì có hoạt động mà không ký kết hợp đồng.
Mọi hoạt động thanh tra cũng công khai minh bạch, có quy chế người giám sát riêng. Hoạt động đoàn thanh tra và hoạt động đoàn giám sát độc lập nhau. Khi làm nội dung không phải đơn phương thanh tra kết luận mà phải có giải trình, chứ không quy chụp "ông sai, tôi sai" mà phải trên cơ sở hồ sơ tài liệu. Chúng tôi làm từ trước đến nay không có đơn vị nào phản ánh là không đúng.
Thanh tra nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực
Trước đó ngày 23 – 11 - 2018, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2019 đối với 272 đơn vị, đa phần là các doanh nghiệp.
Theo đó, các hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính, thanh tra phòng, chống tham nhũng, thanh tra chuyên ngành.
Các lĩnh vực thanh tra tập trung bao gồm xăng dầu, giáo dục, điện, quản lý thị trường, thương mại điện tử, chế biến khoáng sản, đa cấp, ngân hàng, viễn thông, tài chính, dược phẩm…
Trong danh sách các đơn vị bị thanh tra đa phần là các doanh nghiệp. Điển hình như với việc thanh tra phòng, chống tham nhũng của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco); thanh tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực điện có Tổng công ty Phát điện 2, CT CP tư vấn đầu tư xây dựng Hưng Phát, Lưới điện cao thế miền Bắc…
Đặc biệt, liên quan đến thanh tra chuyên ngành do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chủ trì, những đơn vị thuộc lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, đa cấp cũng nằm trong danh sách.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Công ty TNHH Thiên Sư, Công ty TNHH World VN…
Lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nhiều nhất do Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường chủ trì. Theo đó, có tới 202 doanh nghiệp nằm trong danh sách bị thanh tra trên cả nước, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực thương mại, sản xuất, dược phẩm…
Trong đó có những cái tên như Công ty CP Masan Hải Dương, Công Ty TNHH Kuroda Kagaky VN, Công ty CP Sâm Ngọc Linh, Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu, Công ty CP Sữa Ba Vì, Công ty CP Tập đoàn Phát triển Empire, Công ty TNHH Hoa Mai…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận