20/10/2019 23:06 GMT+7

Bộ Công an: Kiên quyết chặn hành vi giả mạo hàng Việt Nam

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã đề xuất 9 giải pháp, trong đó tập trung trấn áp tội phạm kinh tế, kiên quyết ngăn chặn các hành vi giả mạo hàng Việt Nam.

Bộ Công an: Kiên quyết chặn hành vi giả mạo hàng Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ Công an cho biết sẽ tập trung trấn áp các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong ảnh, các loại nhãn mác của những hãng thời trang lớn bày bán tràn lan tại một chợ ở P.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 (từ ngày 1-10- 2018 đến 30-9-2019) do Bộ Công an gửi Quốc hội, tội phạm có tổ chức thời gian qua vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, "tín dụng đen", cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

Cụ thể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Công an đã khởi tố 436 vụ, khởi tố 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, đã khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đối với lĩnh vực thuế, hải quan, lực lượng chức năng đã phát hiện 14.795 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực hải quan, trong đó có 13.885 vụ vi phạm hành chính, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 2.120 tỉ đồng, tăng đến gần 50% so với cùng kỳ. Còn đối với các vi phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan chủ yếu rơi vào hành vi mua bán hóa đơn và trốn thuế. 

Ngoài ra, Bộ Công an đánh giá tình trạng thất thu thuế qua hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử còn lỏng lẻo, gây thất thu thuế rất lớn, làm phát sinh hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài...

Đối với lĩnh vực công thương, Bộ Công an nhận định các vi phạm về vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm liên quan đến bán hàng kinh doanh đa cấp diễn ra phức tạp. 

Đáng lưu ý, Bộ Công an cho rằng lợi dụng tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số đối tượng trong nước đã nhập khẩu, đặt gia công nhiều loại hàng hóa như hàng may mặc, đồ điện tử, hàng tiêu dùng... có xuất xứ từ nước ngoài giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Dự đoán tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng vào 2020, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ 9 giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc lực lượng Công an tiếp tục trấn áp mạnh các loại tội phạm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng tập trung tấn công trấn áp tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản.

Đồng thời, lực lượng Công an sẽ tập trung trấn áp tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và kiên quyết ngăn chặn các hành vi giả mạo hàng Việt Nam (made in Vietnam) để xuất khẩu đi nước thứ ba.

Sẽ không ghi Sẽ không ghi 'xuất xứ Việt Nam'

TTO - Việc lợi dụng nhãn mác, cách ghi xuất xứ sản xuất tại Việt Nam để trục lợi đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng, mất uy tín đối với hàng Việt và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên