13/07/2013 08:06 GMT+7

Bỏ chạy khỏi trung tâm thương mại

ĐÌNH DÂN - DŨNG TUẤN
ĐÌNH DÂN - DŨNG TUẤN

TT - Nếu như vài năm trước doanh nghiệp, chủ cửa hàng phải chạy đua với nhau để thuê được mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại lớn, nay nhiều người tìm cách sang mặt bằng hoặc trả sạp ra ngoài tìm chỗ có giá thuê thấp hơn nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

thSRkkcc.jpgPhóng to

Nhiều gian hàng tại một trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM đóng cửa (ảnh chụp chiều 12-7) - Ảnh: THUẬN THẮNG
HPBOmoP8.jpgPhóng to
Nhiều diện tích tại một trung tâm thương mại ở Q.1 (TP.HCM) bị bỏ trống - Ảnh: THUẬN THẮNG

Đầu tháng 7-2013, khảo sát một vòng tại tòa nhà Lotte (Q.11, tp.hcm), chúng tôi thấy gần chục gian hàng đang bỏ trống. Tại khu vực kinh doanh đồ chơi trẻ em, một mặt bằng rộng khoảng 30m2 đang bỏ trống. Tương tự, tại khu vực kinh doanh các mặt hàng ăn uống, ẩm thực (lầu 3), một nhà hàng món ăn Nhật Bản rộng với vị trí đẹp đã đóng cửa. “Trước còn buôn bán được, giờ ít người lên đây ăn nên họ dẹp tiệm vì không kham nổi chi phí” - một nhân viên bảo vệ tại đây cho hay.

Sang sạp, trả mặt bằng

Theo chị Ngọc Thu - nhân viên kinh doanh mặt hàng kim khí điện máy, tại hệ thống Lotte hiện có hai hình thức thuê mặt bằng theo diện tích hoặc kinh doanh theo chiết khấu. Nếu thuê theo diện tích, mỗi gian hàng nhỏ cũng khoảng 20 triệu đồng/tháng. Còn kinh doanh theo hình thức ăn chia tỉ lệ với siêu thị thì với mỗi sản phẩm được bán ra, siêu thị sẽ hưởng chiết khấu 20%. Chưa kể chủ kinh doanh phải thuê các vị trí tương tự ở nhiều hệ thống khác nhau của Lotte mới được chấp nhận. “Kiểu nào cũng chết vì buôn bán không được, mỗi tháng chỉ bán được 1-2 thiết bị, cứ thế này thì chấm dứt kinh doanh sớm mất” - chị Thu nói.

Tại trung tâm mua sắm Saigon Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1), chúng tôi thấy khá nhiều chủ sạp treo biển “sang lại mặt bằng”. Bà Trang, chủ một sạp bán thời trang, cho hay: “Khách chủ yếu vào tránh nắng và xem hàng, số người mua ít hẳn trong hai năm nay khiến nhiều chủ sạp lao đao. Sau nhiều năm buôn bán ở đây, việc sang lại sạp cũng xót lắm nhưng không sang thì mệt mỏi vì chuyện lỗ lãi”. Dẫn chúng tôi đi xem các sạp hàng, bà Lạc - chủ ba sạp hàng kinh doanh thời trang tại trung tâm này - cho biết đang kêu sang lại hai sạp do không thể tiếp tục kham nổi tiền thuê mặt bằng trong tình hình kinh doanh ế ẩm.

Tương tự, tại khu vực kinh doanh mặt hàng thời trang (lầu 2) tòa nhà Pico Plaza (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình), đập vào mắt chúng tôi là khá nhiều gian hàng bị bỏ trống, trong đó có ít nhất ba gian hàng (hơn 20m2/gian) vẫn còn ngổn ngang quầy kệ từ chủ cũ đã bỏ đi. Chị Hương Thủy, chủ một gian hàng quần áo nhỏ ở đây, cho biết lượng người đi mua sắm rất ít, chỉ có cuối tuần thì nhỉnh hơn bình thường. “Trong khi tiền thuê mặt bằng lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chưa kể nhiều chi phí khác, nhưng mỗi ngày doanh số bán ra chỉ vài trăm ngàn đồng. Nếu cứ kéo dài như vậy chắc tôi sẽ trả lại mặt bằng chứ trụ sao nổi” - chị Thủy nói.

Trung tâm thương mại chuyển thành nhà hàng

Trong vai người đang có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, chúng tôi được một nhân viên tại trung tâm thương mại Crescent Mall (Q.7) giới thiệu khá nhiều lựa chọn, trong đó có những mặt bằng rộng mà khách thuê trả cách đó không lâu. Đặc biệt, mức giá cho thuê tại đây giảm khoảng 7% so với năm ngoái, hiện chỉ 25-45 USD/m2/tháng. Đại diện điều hành một trung tâm thương mại tại khu Tân Bình (TP.HCM) thừa nhận từ năm 2012 đến nay đã ba lần hạ giá cho thuê để kéo khách, nguyên nhân chủ yếu do buôn bán ế ẩm nên nhiều khách trả mặt bằng.

“Chúng tôi đã giảm giá cho thuê 5-7%, thậm chí có vị trí giảm 10% nhưng vẫn không giữ được khách thuê chứ chưa nói đến chuyện kéo khách mới. Nhiều khách cho biết trả mặt bằng để tìm những điểm bán lẻ ở các khu ngoài trung tâm nhằm giảm áp lực chi phí, nhất là trong tình cảnh buôn bán ế ẩm hiện nay” - vị này nói. Theo thông tin chúng tôi có được, thời gian qua có đến ba trung tâm thương mại là TS Plaza (Q.7), CMC Plaza (Q.Tân Bình) và UPO (Q.Tân Bình) đã chuyển qua kinh doanh tiệc cưới hoặc... bán vật liệu xây dựng do không kéo được khách thuê.

Theo báo cáo “Toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM quý 2-2013” của CBRE, chỉ trong quý 2 hàng loạt đại gia bán lẻ lớn đã rời bỏ khiến các trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm và ngoài trung tâm trống chỗ rất nhiều. Cụ thể theo khảo sát, chỉ trong thời gian ngắn tại khu vực trung tâm TP.HCM, các thương hiệu lớn đã trả lại mặt bằng bán lẻ như Home One trả 1.200m2, Gloria Jean’s trả 100m2, Nike trả 150m2, Banana Leaf trả 100m2... Theo đánh giá của CBRE, giá thuê cao cùng với lượng khách mua sắm hạn chế là hai trở ngại lớn nhất hiện nay trong ngành bán lẻ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty Savill, doanh thu bán lẻ của TP.HCM trong sáu tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng cùng thời điểm các năm trước (năm 2012 là 8,9% và 2011 là 8,8%) do sức mua của người tiêu dùng giảm. Nhiều trung tâm bán lẻ đưa ra các chương trình hỗ trợ để giúp nhà bán lẻ khắc phục khó khăn và thu hút thêm khách thuê. Tuy nhiên, các chương trình này không hiệu quả như mong đợi và tình hình hoạt động không được cải thiện nhiều.

Hà Nội cũng trống vắng

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội hiện đang bị bỏ trống khá nhiều diện tích, một phần do khách thuê trả mặt bằng nhưng phần lớn là không tìm được khách thuê. Tại trung tâm thương mại Hàng Da thưa thớt vài chục gian hàng còn hoạt động. Nhiều gian hàng treo biển chuyển nhượng lại chỉ bằng 50% giá thuê theo hợp đồng nhằm cắt lỗ. Sau hơn hai năm đưa vào hoạt động, trung tâm thương mại Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng) với toàn bộ diện tích 15.000m2 phải đóng cửa nhiều tháng nay. Ngay cả một số trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động như Mipec, Parkson tại Keangnam Landmark, Melinh Plaza Hà Đông... tình hình kinh doanh cũng trong cảnh ế ẩm. Tầng hai và ba của Melinh Plaza Hà Đông vẫn còn trống tới 50% diện tích.

Chị Hiền, tiểu thương kinh doanh hàng quần áo thời trang tại trung tâm thương mại Hàng Da, cho biết có ngày không có khách đến xem hàng chứ chưa nói đến chuyện có doanh thu, trong khi tiền thuê gian hàng 20 triệu đồng/tháng. “Ế ẩm nhưng vì đã đóng tiền thuê gian hàng nên định cố cầm cự đến hết hợp đồng” - chị Hiền nói. Theo chị Hiền, sau sáu tháng kinh doanh, chị đã lỗ gần 100 triệu đồng, chưa kể các khoản tiền thuế, dịch vụ, an ninh... Bà Huyền, quản lý một gian hàng điện tử ở trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông, cho hay khách đến mua rất ít dù các cửa hàng đều có các chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn như tặng quà, giảm giá hay miễn phí vận chuyển hàng trong bán kính 70km...

L.THANH

ĐÌNH DÂN - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên