* Bài viết do bạn đọc Kha Nhiên gửi về mục Blog Quanh ta của Nhịp Sống Số chia sẻ suy nghĩ về những tranh cãi xung quanh việc treo ảnh đại diện (avatar) có cờ Pháp trên mạng xã hội Facebook. Các bài viết tham gia thảo luận có thể gửi về nss@tuoitre.com.vn.
Một người dùng Facebook dùng tính năng phủ cờ Pháp trên ảnh đại diện (avatar) do Facebook cung cấp, và đưa ảnh lên ảnh nền (cover) trang cá nhân của mình - Ảnh chụp màn hình |
Đừng "đạo đức" quá, kẻo mệt!
Ngày cuối tuần, khi những cuộc thảm sát và xả súng ở Paris làm nhiều người đổ máu, bên cạnh tính năng thông báo độ an toàn của mình (Safety Check), Facebook thêm vào một tính năng phủ cờ pháp lên ảnh đại diện (avatar) của người dùng nếu họ đồng ý, như một hành động ủng hộ nước Pháp.
Rất nhiều người đã "đổi màu" ảnh cá nhân của mình trên Facebook. Và xuất hiện rất nhiều người khác... chê trách, tóm tắt một loạt lý do chung quy gồm:
* Mỗi ngày ở Việt Nam có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông, sao không ai treo cờ?
* Treo cờ thì nhớ để hình nào buồn buồn một chút, cười nhăn nhở vậy treo làm gì?
* Sao bao nhiêu người bị IS giết ở nhiều chỗ khác mà đợi ở Pháp thì mới treo cờ?
v..v.. và v.v...
* Xem: Cư dân mạng nổ ra tranh luận việc treo cờ Pháp
Hầu hết những chê trách nhắm vào số lượng người chết, quy mô của cái chết và biểu hiện của chủ nhân cái avatar. Cái chết được lấy ra làm chuẩn của một hành vi. Coi bộ chết càng nhiều thì càng có giá trị lên án và cái hình đại diện càng có vẻ vớ vẩn.
Nhìn anh có vẻ không đạo đức vì anh tưởng niệm một nhóm người chết có số lượng ít hơn một nhóm khác. "Các nhà đạo đức" đã quên rằng một sinh mạng cũng là con người. Vì thế không thể so sánh một người chết thì không nên chú ý, càng nhiều người mới càng phải làm to.
Bản thân sự chia sẻ, tưởng niệm là một tình cảm hết sức riêng tư, hoàn toàn không thể áp đặt một ai nên khóc vì người này chết hay cười chế giễu sự mất mát của người khác. Cần lưu ý, phủ cờ pháp trên avatar không phải để “tôn vinh” quy mô của số người chết cũng không để tưởng niệm ai chết cả. Facebook đã nói rất rõ, đây là một biểu thị rằng bạn “ủng hộ/chia sẻ với người dân Paris và nước Pháp”.
Bạn có để ý giữa đám đông hàng ngàn vạn người ngoài sân vận động, khi bạn cầm một lá cờ và vẫy ủng hộ ai đó, thực ra người đó không được bạn giúp đỡ mà họ cảm nhận tinh thần khi bạn dành một thái độ tích cực cho họ. Có thể vì thái độ tốt đẹp đó họ sẽ mạnh mẽ hơn. Cũng như thế, đừng phán xét việc người khác thay avatar là một cái gì đó kém đạo đức hoặc rởm đời, a dua, khi chủ nhân của cái Facebook đó đang đứng trong dòng người họ muốn cổ động.
Kiểu “đá xoáy” và “kết án” người đổi avatar cờ Pháp cho thấy lời phán xét dường như thù ghét mạng xã hội. Họ đã quên rằng bản chất của mạng xã hội là hành vi tương tác chỉ có hai chiều qua thông tin bằng chữ và hình ảnh. Giới hạn đó đã sản sinh ra trong thế giới của mạng xã hội những hành động tín hiệu khi người ta cần biểu thị thái độ, cảm xúc.
Người dùng Facebook thay cờ màu sắc cầu vồng để biểu thị ủng hộ hôn nhân đồng tính, thay màu cờ Việt Nam khi Quốc Khánh, đổi avatar thành màu đen khi có chuyện tang gia hay chuyện rất buồn. Để ủng hộ một chiến dịch cứu Sơn Đoòng, họ thay avatar Sơn Đoòng. Trên mạng xã hội, người dùng không thể đứng giữa sân vận động vẫy cờ ủng hộ hay hét lên cho hàng ngàn người nghe thấy một bức xúc của mình. Họ đổi hình ảnh đại diện vì vậy. |
Ngay cả người Paris sau thảm hoạ, chính họ cũng đã thể hiện rất nhiều hình ảnh biểu thị thể hiện tinh thần cơ mà. Họ thắp nến với dòng chữ “We are not afraid”(Chúng tôi không sợ), họ cầm những tờ giấy thể hiện thông điệp của mình về Paris, họ gửi lên Twitter những dòng #hashtag thể hiện tình cảm và tinh thần Pháp. Sao không ai kết án những hành động đó là chả hữu ích gì? Sao không ai bảo đó là những hành vi râu ria, thừa thãi, "văn nghệ"? - Bởi vì khi kết thúc một cuộc biến đầy nước mắt, con người cần lạc quan để bước ra khỏi chuyện đau lòng. Lúc ấy, không ai thừa sức để nguyền rủa nhau nữa.
* Avatar quốc kỳ Pháp phủ sóng mạng xã hội Facebook
Chỉ có mỗi một việc ủng hộ nho nhỏ, đã bị đem ra bình phẩm giữa một bàn tròn đạo đức to lớn thế này thì không biết ai còn đủ can đảm thể hiện thái độ và cảm xúc của mình trước những nhà phê bình bạo tàn ấy nữa.
"Đạo đức" quá coi vậy mà mệt lắm!
Mark Zuckerberg nói gì? Riêng câu hỏi, vì sao không có chế độ “Đánh dấu an toàn” (Safety Check) cho người dân Beirut, Syria, đây là câu hỏi bạn nên gửi cho anh Mark Zukerberg chứ không phải hỏi những người ủng hộ Paris. Không hiểu vì lý do gì, chế độ này chỉ xuất hiện ở những thảm hoạ có độ lan toả cực kỳ khủng khiếp và rộng lớn cỡ như động đất ở Nepal, động đất ở Afghanistan và giờ là thảm hoạ khủng bố tại Paris. Và chính vì bị dân mạng tra hỏi nhiều quá, đêm qua anh Markzukerberg đã viết thế này: "Mãi đến hôm qua, chính sách của chúng tôi chỉ là sẽ khởi động chế độ đánh dấu an toàn cho thảm hoạ tự nhiên. Chúng tôi mới thay đổi và giờ sẽ lên kế hoạch kích hoạt việc đánh dấu an toàn cho nhiều thảm hoạ do con người gây ra hơn." Cũng như tiền lệ trước đây, mọi hành vi thiện nguyện vì xã hội của Facebook trước giờ trong giới internet luôn được gọi là “có tính toán” và gây tranh cãi – giống như việc Google thì tặng 10 triệu Euro cho cứu nạn dân tỵ nạn Syria trên biển, còn Facebook tặng dân tỵ nạn... Internet để vô được mạng xã hội vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận