Nông nghiệp xanh - nông nghiệp bền vững
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay có rất nhiều hộ nông dân, chủ nông trại, hợp tác xã nông nghiệp đang hướng đến phát triển nông nghiệp xanh. Trong đó có phương pháp băm cắt cỏ tự trải đều trên mặt đất, cỏ tự hủy làm phân hữu cơ của trang trại Phúc Gia Huy. Phương pháp từ phân động vật như gà, bò, cá… kết hợp với các phụ gia sử dụng nhiều nhất tại địa phương.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại Thiên Nông - chia sẻ: "Việc ủ phân hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa bổ sung một nguồn dinh dưỡng hợp lý cho đất. Tránh tình trạng chai đất và thiếu một số vi chất. Công thức ủ phân của nông trại mình đã được kiểm nghiệm và đăng ký sáng chế. Tuy nhiên, bản thân mình vẫn thường xuyên chia sẻ công thức cũng như kinh nghiệm làm nông nghiệp đến bà con nông dân và các hợp tác xã khác".
Ngoài ra, một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng theo phương pháp chăm sóc cây hữu cơ: không xịt thuốc cỏ - sử dụng phân hữu cơ - tự ủ phân thực vật. Những phương pháp này giúp tăng độ mùn cho đất, nuôi lại vi sinh vật trong đất và giúp cây trồng có sức đề kháng tốt hơn, năng suất cao hơn.
Cũng chung mục đích giúp môi trường xanh hơn, một số nông trường cao su trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện theo chiến lược "Tăng trưởng xanh - phát triển bền vững" của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Theo đó, công nhân khi đi cạo sẽ được phân một diện tích vườn cây nhất định, đảm bảo giữ gìn vệ sinh vườn cây, gom rác tại lô về điểm tập kết của nhà đội để công ty xử lý. Cây cỏ giữa đường băng cao su cũng không bị tận diệt bằng thuốc diệt cỏ mà sử dụng máy băm cỏ tự nhiên.
Tạo chuỗi liên kết sản xuất
Việc một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sẽ giúp các công ty bổ trợ cho nhau và giảm thiểu tác động đến môi trường. Do đó nông trường cao su - nhà máy chế biến mủ cao su - nhà máy sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su tại Đồng Phú đã tạo thành một chuỗi liên kết để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu. Đồng thời, tận dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và cập nhật những công nghệ mới để giảm thiểu chất thải cũng như không gây ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh nhà máy, khu công nghiệp.
Ông Đàm Duy Thảo - tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú - cho biết: "Điện mặt trời thì hiện tổng công suất của mình là 2M Kw. Hằng năm thu hồi năng lượng đáp ứng được khoảng 60% điện năng tiêu thụ của công ty. Về thu hồi sau sản xuất thì trước khi công ty chưa xử lý được nhưng hiện tại đã xử lý được gần như 100%".
Đối với các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến, việc giảm thiểu khí thải, rác thải tác động đến môi trường là hoạt động được ưu tiên. Tại Công ty Cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú, nguyên liệu cung cấp nhiệt và phế phẩm chế biến là hai sản phẩm được xử lý để bảo vệ môi trường.
Theo đó, công ty tận dụng vỏ, rễ và phụ phẩm của ngành công nghiệp gỗ cao su để làm nguyên liệu đốt cho lò hơi. Việc này góp phần giảm thiểu lượng gỗ, củi tiêu thụ.
Song song đó, các phế phẩm mủ cao su thải ra sau quá trình sản xuất nệm sẽ được công ty sấy và xay nhỏ, là nguyên liệu cung cấp cho các công ty sản xuất lốp xe, thảm lót cho thú cưng, tấm chống trượt…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận