12/12/2023 15:00 GMT+7

Bình Phước: Chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Người đồng bào dân tộc thiểu số được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí - Ảnh: CTTĐT BP

Người đồng bào dân tộc thiểu số được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí - Ảnh: CTTĐT BP

Quan tâm chăm sóc sức khỏe đồng bào

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước phần lớn sinh sống tập trung ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn… Đây là khu vực phát sinh nhiều loại dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy...

Đặc biệt, đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng di cư tự phát; trong các buôn làng còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Một trong những vấn đề khó khăn trong chăm sóc y tế cho đồng bào là bảo đảm các thiết chế y tế từ cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hệ thống trạm y tế cấp xã còn yếu về năng lực, thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. 

Từ nhiều năm nay, tỉnh Bình Phước đã xác định nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế cho nhân dân là chương trình ưu tiên, đột phá trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư y tế cho khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Chương trình đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống trạm y tế cấp xã là bước chuyển biến quan trọng giúp địa phương kéo giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. 

Đến nay, Bình Phước đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng củng cố và phát triển: Tỉ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 85,6%; tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 58,5%; tỉ lệ trạm xá có hộ sinh hoặc y sĩ sinh sản đạt 100%...

Công tác khám, chữa bệnh vùng dân tộc thiểu số được đảm bảo, đã có những bước tiến quan trọng, nhiều danh mục kỹ thuật không ngừng được chuyển giao, áp dụng điều trị hiệu quả cho người bệnh; các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng được thực hiện tốt; công tác tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe trẻ em được triển khai đầy đủ.

Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở toàn diện

Không chỉ được hưởng các quyền lợi, dịch vụ tốt nhất khi tham gia bảo hiểm y tế, mà khi đi khám, chữa bệnh, người dân được sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế bằng ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động do ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập. 

Đây là một trong những khâu cải cách thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm thời gian đăng ký khám, chữa bệnh, không sợ quên mang thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân hay nỗi lo mất thẻ, bị hỏng thẻ…

Trong thời đại điện thoại di động thông minh trở nên phổ biến và mạng Internet - WiFi phủ rộng khắp, quy định này được nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình bởi những tiện ích của ứng dụng mang lại là vô cùng lớn.

Các y, bác sĩ chăm lo sức khỏe cho phụ nữ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa - Ảnh: BBP

Các y, bác sĩ chăm lo sức khỏe cho phụ nữ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa - Ảnh: BBP

Để hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế toàn dân, theo ông Quách Ái Đức - giám đốc Sở Y tế, thời gian tới ngành y tế tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, phát triển y tế ngoài công lập, bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường hợp tác khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn với các bệnh viện tuyến trung ương, chú trọng phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu.

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại bệnh viện tuyến tỉnh, khắc phục dần tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến xã. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng triển khai thực hiện, ứng dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe cá nhân, hồ sơ, bệnh án điện tử...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên