20/11/2014 10:40 GMT+7

Bình Nhưỡng phản ứng dữ dội vụ vi phạm nhân quyền

ANH THƯ - N.QUÂN
ANH THƯ - N.QUÂN

TT - Nghị quyết liên quan việc kết tội Bình Nhưỡng sẽ được đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tháng sau. Nhưng việc thông qua nghị quyết này ở cấp ủy ban đã gây nhiều sửng sốt.

Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un trong lần đi xem xét việc xây dựng hoàn tất nhà trẻ và viện mồ côi ở Bình Nhưỡng. Ảnh công bố ngày 26-10. CHDCND Triều Tiên có nghị quyết của riêng mình cho rằng nơi này là “đất nước tươi đẹp nhất thế giới” - Ảnh: Reuters

Dựa trên một báo cáo dày 400 trang - kết quả của cuộc điều tra kéo dài một năm - thể hiện “những chuyện tàn bạo xấu xa” có thể coi như là tội ác chống nhân loại, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật đã khởi xướng nghị quyết lên án CHDCND Triều Tiên vi phạm nhân quyền có hệ thống và kéo dài.

Nghị quyết đã được thông qua tại Ủy ban nhân quyền thuộc Đại hội đồng LHQ ngày 18-11 với 111 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 55 phiếu trắng. Nghị quyết này được xem như tiền đề để yêu cầu LHQ điều tra nhằm đưa các lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên ra Tòa án Hình sự quốc tế vì “tội ác chống nhân loại”.

AFP cho biết Trung Quốc, Nga cùng với Cuba, Iran, Syria, Belarus, Venezuela, Uzbekistan và Sudan bỏ phiếu chống vì cho rằng nghị quyết là một phương pháp bất công nhắm vào CHDCND Triều Tiên.

Bình Nhưỡng tiến hành phản công ngoại giao

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Sin So Ho, đại sứ của CHDCND Triều Tiên tại LHQ, lập tức cảnh báo về những hậu quả khó lường của cuộc bỏ phiếu và tuyên bố Bình Nhưỡng giờ đây không loại trừ khả năng thực hiện các vụ thử hạt nhân mới “để bảo vệ các quyền của nhân dân mình”.

Người đại diện Bình Nhưỡng cũng nhắn nhủ các quốc gia đã ủng hộ nghị quyết “phải nhận lấy trách nhiệm về mọi hậu quả có thể xảy ra bởi chính họ đã phá hủy khả năng và các điều kiện cho sự hợp tác về nhân quyền”.

Thật sự những lời kết án trong bản báo cáo điều tra của một ủy ban thuộc LHQ - từng được công bố hồi tháng 2-2014 - khá nặng nề khi cho rằng những vi phạm nhân quyền tại CHDCND Triều Tiên “là chưa từng có trong lịch sử đương đại”.

Vì lẽ đó, ngay khi nghe phong thanh về nghị quyết của EU và Nhật, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc phản công ngoại giao mạnh mẽ.

Báo Le Monde của Pháp dẫn một nguồn thạo tin khẳng định: “Chúng tôi vốn quen với chuyện các nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên rất kín tiếng, thế nhưng họ đột nhiên xuất hiện vận động trên mọi mặt trận bên các hành lang của LHQ. Đó là điều chưa từng thấy”.

Thậm chí Bình Nhưỡng còn vận động cho một nghị quyết của riêng mình, trong đó đảm bảo “mọi thứ diễn ra tốt đẹp ở đất nước tốt đẹp nhất thế giới”.

Cũng trong tháng 10-2014, lần đầu tiên trong 10 năm qua các lãnh đạo của Bình Nhưỡng đã gặp gỡ đặc phái viên của LHQ về tình hình nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên để đặt yêu cầu mời ông này đến Bình Nhưỡng, với điều kiện yêu cầu đưa ra tòa hình sự được bãi bỏ.

Sẽ khó thông qua?

Theo Le Monde, bản nghị quyết vừa được thông qua ở Ủy ban nhân quyền sẽ phải được Đại hội đồng LHQ thông qua trong kỳ nhóm họp vào tháng tới. Một nhà ngoại giao bình luận việc nghị quyết được thông qua ở cấp ủy ban của LHQ cũng đã là “một mối đe dọa lớn cho Bình Nhưỡng”.

Nhưng dĩ nhiên Hội đồng Bảo an LHQ còn phải có tiếng nói cuối cùng của mình. Theo AFP, cho đến nay 15 thành viên của Hội đồng Bảo an chỉ thường xem xét hồ sơ liên quan vấn đề không phổ biến hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Nếu một trong các thành viên này muốn đưa vấn đề nhân quyền của CHDCND Triều Tiên ra xử lý tại Hội đồng Bảo an thì phải thực hiện một cuộc bỏ phiếu thủ tục để đưa vấn đề này vào nghị trình.

Một nguồn tin từ Hội đồng Bảo an khẳng định: “Cho đến giờ, chưa có thành viên nào trong chúng tôi nhận được bản dự thảo nghị quyết”.

Các nguồn tin ngoại giao đều cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục bỏ phiếu chống ở Hội đồng Bảo an. Trong thời gian gần đây, cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva vẫn lập luận rằng đối đầu không phải là giải pháp giúp cải thiện nhân quyền và kêu gọi các nước nên thảo luận trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Trong ý định mở rộng ngoại giao và cũng được cho là nhằm lấy được sự ủng hộ của Matxcơva, CHDCND Triều Tiên đã cử nhân vật được xem là quyền lực thứ hai của nước này là ông Choe Ryong Hae - bí thư Đảng Lao động Triều Tiên - đến Matxcơva trong thời gian này để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, bởi Nga là quốc gia đang nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Tòa chưa hiệu quả

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thành lập năm 1998, dưới sự thúc đẩy của LHQ, là một tòa án độc lập. Tòa đi vào hoạt động ngày 1-7-2002 tại The Hague (Hà Lan) sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn quy chế Roma.

Cho đến nay, ICC đang thụ lý 21 vụ việc (xảy ra sau thời điểm tháng 7-2002) liên quan 29 cá nhân. Đó là chưa kể những cáo buộc liên quan đến ba cá nhân, trong đó có Muammar Gaddafi, bị hủy do những người này đã qua đời.

Các vụ việc có liên quan ở chín quốc gia, chỉ ở châu Phi, gồm CHDC Congo (6 vụ), CH Trung Phi (2), Uganda (1), Sudan (5), Kenya (3), Libya (1) và Bờ Biển Ngà (3).

Cho đến nay ICC chỉ tuyên được hai án tù 12 và 14 năm, đang tiến hành tố tụng bốn vụ khác.

 

ANH THƯ - N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên