31/10/2017 13:37 GMT+7

Bim bim bị đốt cháy 'biến thành nhựa', thực hư ra sao?

TƯỜNG HÂN ghi
TƯỜNG HÂN ghi

TTO - Một phụ huynh vừa đăng clip lên mạng xã hội ghi lại quá trình đốt cháy gói bim bim (còn gọi là snack) và cho rằng bim bim không thể cháy lửa lớn như vậy.

Clip bim bim bị đốt cháy được chia sẻ trên mạng xã hội - Nguồn: FB

Theo đó sau khi đốt, gói bim bim có mùi khét, chất sau đốt dính lại, vón cục như đốt nhựa. 

Nhiều người bình luận phản pháo thử nghiệm này, nhưng cũng không ít người hoang mang lo trong bánh snack có nhựa. Thực hư như thế nào?

GS.TS Đống Thị Anh Đào - bộ môn hóa thực phẩm Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - giải thích: "Thực phẩm có thành phần carbohydrate, cháy thành ngọn lửa là đúng rồi, rất bình thường". 

"Cháy hết cacbon thì thành than đỏ, lửa cháy âm ỉ rồi thành tro ở dạng muối kim loại. Dầu ăn khi đốt cũng tạo ngọn lửa, ngửi thấy khét nhưng không phải khét mùi nhựa khó chịu". 

"Bỏ nhựa vào khoai tây ư? Không ai làm vậy, nó còn đắt hơn khoai tây, đòi hỏi công nghệ ghê gớm, phức tạp, trong khi chỉ cần lát khoai rồi chiên, hoặc nghiền rồi ép thành dạng lát, đơn giản hơn nhiều".

Trong khi đó TS. Hoàng Minh Nam - trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG-HCM Công nghệ hóa học và dầu khí, cho biết: "Không phải cái gì cháy cũng thành tro bụi. Tùy loại hữu cơ mà quá trình đốt sẽ tạo ra những chất khác nhau. 

Chẳng hạn đốt củi (xenlulozo) thành tro, nhưng cơm cháy trong nồi không thành tro được, những chất hữu cơ từ protein (như snack làm từ bột mì và tinh bột sắn) khi đốt không thể thành tro mịn. 

Bản thân tinh bột bắt cháy kém nên các sản phẩm có hàm lượng protein như vậy hơi khó cháy, không thể tạo ra tro bụi mịn, trừ khi có dầu mỡ nhiều (thành phần snack có dầu ăn)".

Về việc phụ huynh trong clip chứng minh độ an toàn của thực phẩm qua thí nghiệm đốt, TS Nam cho rằng: "Không nên tự đốt rồi quy ra trong thực phẩm có nhựa, như vậy không đúng, cơ bản vẫn phải kiểm tra thành phần chất ban đầu".

TS Nam cũng chia sẻ: "Hàm lượng chất béo, tinh bột khi gặp nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa thành một số chất không tốt cho sức khỏe. Có lý do khoa học để người ta vẫn khuyến cáo không nên ăn món chiên nhiều, vì đó là những tác nhân có thể kích thích quá trình sinh ra tế bào lạ gây ung thư. 

Mùi khét chúng ta ngửi trong quá trình cháy tương tự vậy. Chúng ta biết để hạn chế nhưng không nên quá lo lắng. Các cháu nhỏ không nên ăn nhiều snack vì hàm lượng chất béo cao, không cân bằng về mặt dinh dưỡng".

TƯỜNG HÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên