Cuộc tranh luận thứ ba giữa ông Trump và bà Clinton tại Đại học Nevada ngày 20-10 (giờ VN) - Ảnh: Reuters |
Cuộc tranh luận thứ ba và cuối cùng giữa ông Trump và bà Clinton tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas bắt đầu lúc 8g sáng nay (21g tối 19-10, giờ Mỹ) vẫn quyết liệt với những đáp trả của hai bên nhưng không quá sôi động bởi cả hai phải phát biểu từ bục dành cho mình.
Ứng viên Trump buộc phải thể hiện hết tài năng khi mà khoảng cách giữa họ là 8 điểm nghiêng về phía bà Clinton, theo số liệu thăm dò mới nhất của đài CNN (Mỹ).
Ứng viên đảng Dân chủ hiện đang được 47% số người thăm dò ủng hộ, trong khi con số này của ông Trump là 39%.
Đây là tình hình khiến ban tổ chức chiến dịch tranh cử của tỉ phú Mỹ lo sốt vó. Cách đây bốn năm, cũng vào kỳ tranh luận trực tiếp thứ ba và cuối cùng này ông Barack Obama chỉ hơn đối thủ bên Cộng hòa là ông Mitt Romney có 0,4%.
Người ủng hộ của hai bên tụ tập chờ vào giờ tranh luận dự báo là khốc liệt chiều 19-10 ở Las Vegas - Ảnh: Reuters |
Trong kỳ tranh luận mặt đối mặt trực tiếp truyền hình làn thứ ba và cũng là lần cuối này, hai ứng viên cũng có 90 phút so tài. Lần này hai người sẽ phải đứng ở bục chứ không ngồi như ở lần thứ hai.
Ủy ban tranh luận tổng thống cũng đã cho biết 6 vấn đề nổi trội sẽ được đặt ra cho hai ứng viên trong phiên tranh luận sáng nay, đó là: nợ và phúc lợi, nhập cư, kinh tế, Tòa án Tối cao, đối ngoại, và tư cách tổng thống.
Hai đối thủ đấu khẩu quyết liệt với những mà thể hiện thái độ biểu cảm khi nghe bên kia phát biểu - Ảnh: Reuters |
Cuộc tranh luận đã bắt đầu đúng giờ.
Hai ứng viên đã không bắt tay nhau, đi vào bục diễn giả dành cho mình. Điều này đúng như thông tin đưa ra trước đó rằng bà Clinton không muốn có màn chào hỏi như ở lần tranh luận thứ hai. Ở lần đầu tiên hai người có bắt tay nhau.
Bà Clinton tỏ ra thoải mái, vẫy tay cười tươi với cử tọa, còn ông Trump thì tỏ ra nghiêm túc hơn.
Cựu tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea đến ủng hộ bà Hillary - Ảnh: Reuters |
Câu hỏi đầu tiên nêu ra về Tòa án Tối cao của Mỹ vốn đang còn trống một ghế thẩm phán. "Liệu Hiến pháp Mỹ nên được xem là bất biến hay nên được diễn giải linh hoạt?", câu hỏi nêu ra.
Bà Clinton có ngay câu trả lời thể hiện kinh nghiệm chính trường: "Tôi nghĩ Tòa án Tối cao nên đứng về phía người dân chứ không đứng về phía các thế lực. Quá trình tuyển chọn thẩm phán tối cao cần tuân thủ đúng Hiến pháp, và Quốc hội phải tuân thủ đúng qui trình, cho dù họ đồng ý hay phản đối đề cử của Tổng thống".
Ông Trump khởi đầu có vẻ khá chậm chạp, với giọng nói nghe rề rà.
Tu chính án thứ 2 về quyền mang vũ khí của người dân cũng được nêu ra. Bà Clinton khẳng định ủng hộ quyền này, nhưng cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhân thân người mua súng. "Việc này không vi hiến", bà Clinton nêu rõ. Đây cũng là quan điểm của Tổng thống Barack Obama thường nêu ra trong thời gian qua.
"Hằng năm có 33.000 trường hợp thiệt mạng vì súng đạn ở Mỹ", bà Clinton phản ánh số liệu để bảo vệ cho luận điểm của mình.
Ứng viên Donald Trump trong khi đó phản đối bất kỳ sự kiểm soát súng đạn nào. Ông cho biết mình rất tự hào vì được các nhà sản xuất súng đạn ủng hộ trong cuộc tranh cử này.
Bà Clinton tự tin trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng của mùa bầu cử - Ảnh: Reuters |
Câu hỏi tiếp theo đề cập đến vấn đề nạo phá thai.
Ông Trump phản đối việc hợp pháp hóa nạo phá thai, theo chủ trương bảo thủ. Trong phần trả lời về Tòa án Tối cao, ông cũng đã nêu ngay rõ quan điểm bằng tuyên bố: "Tôi sẽ không chọn thẩm phán ủng hộ cho việc nạo phá thai".
Trong khi đó, bà Clinton thì cho rằng có những trường hợp phụ nữ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn cho họ bằng việc nạo phá thai. Bà ủng hộ kế hoạch hóa gia đình, ủng hộ phụ nữ có quyền lựa chọn.
Ông ấy muốn trừng phạt những phụ nữ nạo phá thai" |
Bà Clinton chỉ trích đối thủ, một cách lấy điểm với cử tri nữ |
Tuy vậy, khi bị nhà báo Chris Wallace - người điều phối buổi tranh luận - chất vấn về việc từng phản đối phá thai với 1 trường hợp thai kỳ đã lớn, bà Clinton cho rằng khi thai đã lớn thì phá thai sẽ nguy hiểm cho cả hai mẹ con sản phụ.
Ông Trump càng tranh luận càng hăng, giọng nói hùng hồn hơn lúc đầu. Có điều khác biệt so với lần tranh luận thứ hai là hai đối thủ không công kích cá nhân với nhau.
Ứng viên Trump càng tranh luận càng hăng - Ảnh: Reuters |
Một vấn đề nóng hừng hực khác là chuyện nhập cư được đưa ra.
Ứng viên Donald Trump cho rằng các chính sách ân xá người nhập cư của bà Clinton là một "thảm họa" cho nước Mỹ. "Tôi muốn xây một bức tường. Chúng ta cần một bức tường", ông Trump lặp lại giải pháp ông từng nhiều lần nêu trước đây về việc ngăn chặn người nhập cư tràn qua biên giới Mỹ từ phía Mexico.
Bà Clinton đã "đập lại" ngay phát ngôn của ông Trump bằng cách nhắc lại việc khi gặp nguyên thủ Mexico cách đây không lâu ông Trump đã không dám nêu ra vấn đề bức tường của mình.
"Tôi không muốn chia cách bố mẹ và những đứa con của họ" - bà Clinton trình bày luận điểm của mình về nhập cư qua việc không muốn thấy những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ nhưng bố mẹ không có quốc tịch.
Bà cũng tố cáo quan điểm bất nhất của ông Trump trong vấn đề nhập cư vì chính ông đã khai thác nguồn nhân công nhập cư Mexico rẻ tiền để xây dựng tổ hợp khách sạn Trump Tower.
Bà Clinton dùng giấy và bút để ghi chú những thông tin cần cho cuộc tranh luận - Ảnh: Reuters |
Nhân tố Putin
Khi bị người điều phối trích dẫn một câu phát biểu trong số các email bị Wikileaks phát tán thời gian qua, bà Clinton chỉ rõ chính phủ Nga đứng sau những vụ tấn công mạng này để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.
Nhân đó, bà chất vấn ngược lại ông Trump vì quá thân thiết với tổng thống Nga Vladimir Putin. "Ông đã khuyến khích người Nga dọ thám chúng ta. Ông đã muốn thổi tung cả tổ chức NATO", bà Clinton cáo buộc đối thủ.
"Bà mới là con rối (của Putin)" - ông Trump phản pháo khi bị bà Clinton cáo buộc là ông Putin chỉ muốn có một con rối như ông (Trump) ở chiếc ghế tổng thống Mỹ.
Bà Clinton có vẻ rất gay gắt về vấn đề này, sẵn sàng ngắt lời ông Trump.
Ứng viên Trump chẳng vừa đốp chát lại giọng mỉa mai: "Ta chẳng biết liệu có phải Nga hay Trung Quốc đã tấn công mạng (bầu cử)". Rồi thì ông châm chọc: "Bà ấy không thích Putin vì ông ta giỏi hơn hẳn bà ấy".
"Tôi chẳng biết Putin là ai. Tôi chưa từng gặp ông ta. Ông ta chẳng bạn bè gì với tôi cả", ông Trump phân bua.
Sau hơn nửa giờ, ông Trump lại bắt đầu ngắt lời bà Clinton như vẫn thường làm ở hai cuộc tranh luận trước.
Vấn đề tiếp theo được nêu ra là kinh tế, chính sách giúp tăng số công ăn việc làm. Đây có vẻ là điểm mạnh của ông Trump vì dễ lấy lòng người dân Mỹ.
"Tôi sẽ tái đám phán NAFTA (Hiệp định mậu dịchTự do Bắc Mỹ)", ông Trump khẳng định sau khi khơi lại vấn đề NAFTA (do Tổng thống Bill Clinton ký kết) là hiệp ước thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ.
Tại sao chúng ta bảo vệ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Saudi Arabia trong khi họ chẳng trả cho chúng ta đồng nào?" |
Ông Donald Trump đặt câu hỏi về các quan hệ đối tác quân sự khi bị bà Clinton tố "muốn thổi tung NATO" |
Theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp từ Mỹ tại một điểm nhà hàng trong khu thương mại ở trung tâm thành phố Sydney (Úc) - Ảnh: Reuters |
Ông Trump tỏ vẻ thích thú, thậm chí còn cảm ơn nhà báo Chris Wallace khi ông này đặt câu hỏi cho bà Clinton về việc chính sách kinh tế tương tự chính sách của ông Obama đã khiến GDP của Mỹ tăng trưởng chậm chạp.
"Donald Trump thực ra đã đề xuất kế hoạch hủy hoại việc làm thì đúng hơn. Ông ấy muốn giảm thuế cho những người giàu nhất, làm tăng thêm 20 triệu USD vào khoản nợ quốc gia. Kế hoạch của tôi trong khi đó sẽ tạo ra các cơ hội", bà Clinton nêu luận điểm bảo vệ đồng thời cho kế hoạch kinh tế của Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump nhân đó phản pháo, tấn công vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà tổng thống Obama xây dựng và bảo vệ suốt thời gian nắm quyền: "TPP rồi cũng sẽ tồi tệ như NAFTA mà thôi".
"Sao bà không thực hiện quách những điều bà nói trong 30 năm qua đi?", ứng viên Trump tấn công nặng lời hơn khi lập luận bà Clinton "chỉ biết nói mà không biết làm".
"Tôi không xin lỗi vợ tôi về chuyện liên quan phụ nữ"
Vấn đề tiếp theo là tư cách tổng thống Mỹ và đương nhiên không thể thoát được câu chuyện nóng hừng hực những ngày qua: những tố cáo của nhiều phụ nữ đối với ứng viên Trump về việc bị sờ soạng, lợi dụng tình dục.
Nhà báo Chris Wallace đặt vấn đề về các cáo buộc sờ soạng phụ nữ của ông Trump: "Tại sao ông nghĩ là họ bịa chuyện?"
Ông Trump cáo buộc ban tổ chức chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã dựng nên màn kịch này để hạ uy tín ông.
"Tôi không xin lỗi vợ tôi, đang ngồi ngay trong khán phòng này, vì tôi đã không làm gì sai cả", ông Trump khẳng định.
Không ai tôn trọng phụ nữ hơn tôi cả" |
Ứng viên Donald Trump nhắc lại điều ông đã khẳng định ở lần tranh luận thứ hai |
Bà Clinton không buông tha: "Donald Trump chửi rủa phụ nữ vì ông ấy nghĩ rằng như thế sẽ giúp ông ấy trưởng thành. Chúng ta phải có trách nhiệm trình bày những giá trị mà chúng ta đang bảo vệ. Chúng ta không muốn sống trong đất nước mà có những kẻ chỉ muốn trèo đầu cưỡi cổ người khác".
Thục nữ Ivanka Trump, con gái của ứng viên Trump cũng có mặt để ủng hộ cha - Ảnh: Reuters |
Ông cũng cáo buộc bà Clinton đã trả tiền cho những người biểu tình bạo động chống ông.
Những công kích bê bối của nhau bắt đầu trở lại trong cuộc tranh luận theo cách sử dụng điểm yếu của đối phương.
Ông Trump tìm cách lái trở lại về chủ đề bê bối email của bà Clinton, nhưng bà này khôn khéo "đưa đoàn tàu trở lại đường ray" là chủ đề chính đang tranh luận khi nói rằng ông Trump có thói quen tránh né những chủ đề làm ông thấy không thoải mái.
"Bà biết. Họ biết. Ai cũng biết", ông Trump nói về những hoạt động mà ông cho là "xấu xí" của Quỹ Clinton ở Haiti.
"Ông Trump là ứng viên tổng thống duy nhất trong vòng 40 năm trở lại đây không đồng ý công bố số tiền nộp thuế của mình", bà Clinton xoáy vào điểm yếu của ông Trump.
Tỉ phú Mỹ cũng không vừa khi đáp trả: "Bà biết gì không? Đáng lẽ bà nên thay đổi luật pháp khi bà còn tại vị. Nhưng bà đã không làm điều đó", ông Trump một mặt cho thấy bà Clinton "chỉ dám nói mà không dám làm", mặt khác nhân đó chỉ trích việc bà Clinton đi đêm với giới tài phiệt Phố Wall qua những tiết lộ từ các email mang nội dung ủng hộ giới tài chính của bà Clinton.
"Giới truyền thông không đàng hoàng, họ đầu độc tư tưởng của cử tri", ứng viên Trump nêu lại quan điểm ông nhắc mấy ngày qua trong các kỳ vận động tranh cử. "Cuộc bầu cử này đã bị gian lận vì Hillary Clinton lẽ ra không được ra ứng cử. Bà ta đã phạm những tội khủng khiếp".
Ông Trump quyết liệt nhắc lại bê bối email của bà Hillary Clinton thời làm Ngoại trưởng. Ông cho rằng với tội đó lẽ ra người ta phải bị "bỏ tù".
Bà Clinton trong khi đó xoáy mạnh vào tư cách của đối thủ: "Donald Trump đã bôi nhọ nền dân chủ của chúng ta. Ông ấy không đủ trưởng thành để làm Tổng thống".
Vấn đề nóng Syria hiện nay cũng trở lại trong cuộc tranh luận nhưng với một câu hỏi khác. "Liệu hai người có muốn gửi quân Mỹ đến bảo vệ các vùng đã chiếm được ở Syria không?", nhà báo Wallace nêu ra.
Bà Clinton vận dụng ngay kinh nghiệm đối ngoại của mình: "Tôi muốn thúc đẩy lập ra vùng cấm bay và những khu vực không chiến sự để có thể ngồi lại với Nga trong vấn đề này".
"Cảm ơn bà rất nhiều vì đã làm một việc tuyệt vời", ông Trump mỉa mai bà Clinton vì đã góp phần để cho những phần tử mà ông cho là "ủng hộ IS (lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo)" vào đất Mỹ. Ông gọi đó là "con ngựa Trojan" bởi những thành phần người nhập cư từ khu vực Trung Đông được cho phép vào nước Mỹ có thể một ngày nào đó quay lại tấn công nước Mỹ.
Không nêu đối sách, ông Trump chỉ tập trung chỉ trích những sai lầm của chính phủ thời Dân chủ. "Syria trong tình trạng tệ hại như ngày hôm nay là lỗi của Hillary Clinton. Chúng ta cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy trong khi không biết chúng là ai. Nếu bà ấy đừng làm gì cả thì có khi tình hình bây giờ còn tốt hơn. Và chính vì thế mà giờ những người tị nạn lại vào đất Mỹ. Cám ơn Hillary Clinton nhe!", ông Trump mỉa mai.
Khu vực làm việc dành cho giới truyền thông theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận tối 19-10 ở Las Vegas - Ảnh: Reuters |
Chủ đề cuối cùng là nợ quốc gia được nêu ra. Chính sách của bà Clinton được tính toán là sẽ tằng nợ lên 86% GDP, trong khi chính sách của ông Trump sẽ làm tăng nợ lên 105% GDP, điều phối viên Chris Wallace đặt vấn đề.
"Chúng ta sẽ rút lại và thay thế thứ thảm họa có tên gọi Obamacare", ông Trump trả lời câu hỏi về phúc lợi xã hội đóng vai trò lớn trong việc gia tăng nợ quốc gia, tranh thủ chỉ trích đạo luật cải tổ chính sách bảo hiểm y tế của Mỹ đang được Tổng thống Obama quyết liệt bảo vệ.
Mỗi ứng viên có 1 phút cuối để phát biểu thuyết phục cử tri.
"Tôi chỉ muốn nói rằng tôi cần tất cả các bạn, Dân chủ hay Cộng hòa, và tài năng, nhiệt huyết của các bạn để phát triển đất nước này", bà Clinton đưa ra thông điệp hàn gắn và đoàn kết đất nước.
Trong khi đó, ông Trump dùng 1 phút của mình để tiếp tục chỉ trích bà Clinton và khẳng định ông sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại như thông điệp xuyên suốt của chương trình tranh cử của ông. "Chúng ta không thể có thêm 4 năm nhiệm kỳ Obama nữa. Và nếu bà Clinton đắc cử thì đó chính là điều sẽ xảy ra", ông Trump khai thác nhắm vào sự bất bình của một bộ phận người Mỹ không hài lòng với những chính sách điều hành của tổng thống Obama trong những năm qua.
Cuộc tranh luận đã kết thúc và đầy dấu hiệu căng thẳng. Hai ứng viên không bắt tay nhau như ở lần tranh luận đối mặt thứ hai, thậm chí còn không nhìn mặt nhau mà chỉ đến bắt tay điều phối viên - nhà báo Chris Wallace rồi tiến về phía người thân trong gia đình mình ngồi dưới khán phòng.
Bà Melania Trump bước lên sân khấu để gặp chồng sau khi cuộc tranh luận kết thúc - Ảnh: Reuters |
Bà Hillary Clinton tự tin với tư thế của người chiến thắng khi kết thúc cuộc tranh luận - Ảnh: Reuters |
Lượng khán giả kỷ lục Dự kiến sẽ có hàng chục triệu khán giả truyền hình theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận được cho là khốc liệt lần này. Trong cuộc tranh luận đầu tiên hôm 26-9 có 84 triệu khán giả ngồi trước màn hình. Đó là một con số kỷ lục. Ở cuộc tranh luận lần hai hôm 9-10 cũng có đến 66,5 triệu người ngồi xem truyền hình. Các nhà phân tích cũng cho rằng những con số trên là chưa phản ánh số người theo dõi qua các mạng xã hội nay cũng phát huy khả năng truyền tải thông tin trực tiếp của mình. Hồi năm 2012, có 41 triệu khán giả theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp giữa ứng viên Barack Obama và ứng viên Mitt Romney. Ở cuộc tranh luận thứ hai trước đó có 45 triệu khán giả và ở cuộc thứ nhất có 46 triệu khán giả. |
Công tác tổ chức được chuẩn bị tỉ mỉ. Trong ảnh là kỹ thuật viên đo chiều cao của micro sao cho vừa tầm của ông Trump - Ảnh: Reuters |
Tờ Wall Street Journal cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để ông Trump "chuyển đi thông điệp đến hàng triệu khán giả truyền hình". Chính vì điều đó mà ông Michael Cohen, người từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ viết trên tờ Boston Globe, đề nghị hủy truyền hình trực tiếp vì chẳng khác nào mở diễn đàn cho ứng viên Donald Trump truyền bá những thông tin mang tính "thuyết âm mưu" như cho rằng cuộc bầu cử này bị gian lận, rằng báo chí thiên lệch...
Đòn dằn mặt trước giờ tranh luận Hai ứng viên đã thể hiện quyết tâm hạ bệ đối thủ bằng các đòn có thể làm được ở trận chiến cuối cùng. Ứng viên bên Cộng hòa mời ông Malik Obama, người em họ của Tổng thống Barack Obama, đến dự buổi tối này. Đây không phải là điều bất ngờ gì nhưng là điều khá thú vị vì từ tháng 7 vừa qua, Malik Obama đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Donald Trump. Ông Trump cũng mời được cả mẹ của một kỹ thuật viên tin học từng thiệt mạng trong vụ cơ quan ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Libya) bị khủng bố tấn công năm 2012. Bà Patricia Smith, đã kết tội bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ trong giai đoạn đó, đã che giấu sự thật về vụ tấn công. Bên phía Dân chủ, họ cũng đã mời bà Ofelia Diaz Cardenas, một phụ nữ nhập cư lậu người Mexico làm việc phục vụ phòng trong khách sạn của tập đoàn Trump. |
Sôi động ngay trước giờ G
Chỉ vài giờ trước khi bắt đầu tranh luận, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ngay tại thành phố Las Vegas.
Nhiều phụ nữ Mỹ xuống đường ở Las Vegas biểu thị sự giận dữ đối với Donald Trump ngay trước giờ tranh luận của hai ứng viên Tổng thống - Ảnh: Reuters |
Các nhân viên nhà hàng bên trong Khách sạn Trump ngay gần địa điểm diễn ra tranh luận đã lên kế hoạch sử dụng những chiếc xe thùng bán bánh taco (đại diện văn hóa ẩm thực của người Mexico) để dựng nên một “bức tường” ngay bên ngoài khách sạn nhằm đưa ra thông điệp phản đối chính sách xây bức tường ngăn chặn người nhập cư của tỉ phú đảng Cộng hòa, đài NBC (Mỹ) đưa tin.
Nhóm biểu tình dự tính huy động 5 xe thùng bánh taco và khoảng 400 người tham gia, mỗi người đều được phát bánh taco miễn phí.
Cũng theo đài NBC, một phong trào với tên gọi “Cộng hòa vì bà Clinton” do các cử tri đảng Cộng hòa “không còn ưa” ông Trump lập nên sẽ cho chạy những biểu ngữ “Đừng sờ soạng. Hãy bỏ phiếu.” (DON’T GROPE. VOTE.) kèm với hình ảnh ông Trump trên những chiếc xe di chuyển khắp Las Vegas từ 10g sáng đến tận nửa đêm.
Một đám đông lớn nhiều thành phần từ nhà vận động, người biểu tình, các cử tri còn do dự, và sinh viên cũng đã tập hợp từ trưa tại ĐH Nevada - nơi diễn ra tranh luận - để bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề quan trọng với họ, đài NBC cho biết.
Thị trường cá cược nghiêng về bà Clinton
Tỉ lệ đặt cược dành cho bà Clinton cũng đang áp đảo, với trang cá cược Paddy Power tính toán cựu ngoại trưởng Mỹ có đến 85,7% khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới. Trang này thậm chí đã đồng ý chi trả hơn 1 triệu USD cho những người đặt cược cho bà Clinton để giảm thiệt hại, dù còn ba tuần nữa cuộc đua mới thật sự ngã ngũ, theo tờ Daily Mail (Anh).
Sáu vấn đề tranh luận Ủy ban tranh luận tổng thống cũng đã cho biết 6 vấn đề nổi trội sẽ được đặt ra cho hai ứng viên trong phiên tranh luận sáng nay, đó là: nợ và phúc lợi, nhập cư, kinh tế, Tòa án Tối cao, đối ngoại, và tư cách tổng thống. |
Những khác biệt trong chính sách giữa ông Trump và bà Clinton về vấn đề người nhập cư, thuế thu nhập, hay bất ổn ở Syria đều là những đề tài nóng bỏng có thể được bình luận viên kỳ cựu Chris Wallace của đài Fox (Mỹ) nêu ra cho hai ứng viên. Ông Wallace - người nắm vai trò điều phối trong phiên tranh luận lần cuối nà - được đánh giá là một người dẫn chương trình có phong cách quyết liệt.
Những lùm xùm gần đây về các cáo buộc tấn công tình dục và phát ngôn khiếm nhã của ông Trump, hay xì-căng-đan email tai tiếng của bà Clinton cũng rất có thể sẽ được đưa lên bàn tranh luận về tư cách tổng thống.
Tôi không biết chuyện gì xảy ra với bà ấy: khi bắt đầu cuộc tranh luận vừa rồi (cuộc thứ hai), bà ấy cứ như gồng người lên. Đến cuối buổi tranh luận thì bà ấy gần như không còn lết nổi ra xe hơi. Các vận động viên thường phải qua kiểm tra xét nghiệm dùng thuốc kích thích. Tôi nghĩ chúng tôi cần được cho xét nghiệm thuốc kích thích ngay trước giờ tranh luận. Tại sao không nhỉ? |
Ứng viên Donald Trump khiêu khích về chuyện sức khỏe yếu ớt của đối thủ |
Tranh luận có làm thay đổi lá phiếu?
Dù sao đi nữa, lịch sử đã cho thấy chưa hẳn màn thể hiện của hai ứng viên trong ba phiên tranh luận tổng thống sẽ có nhiều ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, nếu không muốn nói là chẳng ảnh hướng chút nào.
Hai nhà chính trị học người Mỹ Robert Erikson và Christopher Wlezien đã nghiên cứu số liệu từ gần 2.000 cuộc thăm dò ý kiến cử tri Mỹ trong các cuộc đua vào Nhà Trắng từ năm 1952 đến năm 2008 và đưa ra kết luận: muốn dự đoán kết quả bầu cử thì chỉ cần nhìn kết quả thăm dò cử tri trước khi diễn ra tranh luận là đủ.
Theo Erikson và Wlezien, ngoại trừ duy nhất một lần vào năm 1976, tình thế của các cuộc bầu cử những năm còn lại hầu như không hề có sự khác biệt giữa thời điểm trước và sau khi diễn ra các cuộc tranh luận tổng thống, và hiệu ứng mà các cuộc tranh luận này đem lại là rất “mong manh".
Điều này có thể là do thời điểm diễn ra tranh luận đã ở giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử, khi mà đại đa số cử tri Mỹ đã đưa ra quyết định của mình và rất khó để họ đổi ý, tạp chí chính trị Washington Monthly (Mỹ) lý giải.
Hơn nữa, những cử tri quan tâm đến cuộc tranh luận tổng thống thường là những người ưa thích chính trị và rất trung thành với đảng của mình. Thay vì bị tác động bởi kết quả tranh luận, chính lập trường chính trị vững vàng của họ mới là yếu tố tác động ngược lại đến kết quả thăm dò cử tri sau đó, vốn là số liệu mà truyền thông dùng để đánh giá kẻ thắng người thua trong một cuộc tranh luận, tờ này nhận xét.
Lấy ví dụ năm 2008, một cuộc thăm dò cử tri hậu tranh luận của đài CNN (Mỹ) cho thấy 85% người theo đảng Dân chủ cho rằng ông Obama, ứng viên đảng này, đã thắng, trong khi chỉ 16% đảng viên Cộng hòa đồng ý như vậy.
Tuy nhiên, các cuộc tranh luận giữa ứng viên là nhằm minh bạch khả năng của người có thể làm lãnh đạo đất nước. Khi số cử tri do dự còn nhiều thì những cuộc tranh luận như thế này cũng có tác dụng của chúng trong việc làm thay đổi cán cân tỉ lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận