20/02/2021 13:20 GMT+7

Biệt đội cửu vạn... trâu

THÁI LỘC - NHẬT LINH
THÁI LỘC - NHẬT LINH

TTO - 'Thân tao bay nghĩ lại đặng mà bay thương/Được một hàm răng cắm (gặm) cỏ, uống nước giếng mương/Sống thời làm mượn cho bay ăn/Tao có thác thời/Chân tay tao bay đem bay thui vàng'.

Biệt đội cửu vạn... trâu - Ảnh 1.

Nhiều người ở thế kỷ 21 vẫn mưu sinh nhờ chiếc xe trâu - Ảnh: THÁI LỘC

Người dân chuyên cầm "vôlăng dây" - cách gọi tếu của nghề lái xe trâu ở vùng cát ven biển Thừa Thiên Huế - hay ngâm nga những lời than thân trách phận thay trâu như thế. Họ nói giọng tình cảm, trìu mến pha chút tự mình trách cứ đày đọa thân trâu.

"Có ngày đi 5-6 chuyến được hơn ba trăm ngàn, bận chi cũng được 3-4 chuyến, ít cũng được 200 ngàn, nhờ rứa mà cũng đỡ. Không có xe trâu thì không biết mần chi ra tiền chú nờ.

Bà Nguyễn Thị Nghĩ

Hết cát mới hết xe trâu

Đến ngay điểm đầu "thành phố ma" cả ngàn lăng mộ đồ sộ của làng An Bằng (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), tôi gặp ngay bốn chiếc xe trâu tại điểm tập kết vật liệu xây dựng. Những chủ nhân, cả đàn ông lẫn phụ nữ, chất sắt thép, ximăng, gạch đá lên thùng xe. Những con trâu hiền từ, kiên nhẫn đứng yên, cõng cần cho đến khi xe đầy hàng.

Tôi đi theo xe trâu kéo từng bước chậm rãi trên con đường. Có đoạn xe băng qua lạch nước chia đôi trảng cát, người lội bộ rất khó trong cát lún nhưng trâu chỉ cần nhún mình rồi kéo xe băng qua khá nhẹ nhàng. Vào khu vực điệp trùng lăng mộ, trâu chậm rãi kéo xe qua những ngách hẹp toàn những bức tường, gờ bêtông hay tam cấp gạch đá thòi ra thụt vào. 

"Hò, hò", trâu dừng lại khi bánh xe gặp gờ cao. Chủ nhân tìm cách xoay bánh xe và tiếp tục "đi", "họ tắc" (rẽ trái), "họ rì" (rẽ phải), "hò" (đứng)... Nhiều đoạn phần bánh xe lún chìm trong cát mềm, tưởng chừng không đi nổi nhưng trâu có cách riêng của nó để kéo chiếc xe nặng cả nửa tấn.

Điểm tập kết vật liệu nằm trước khu lăng đang xây rất lớn. Đúng như quả quyết của một "bác tài" là bà Nguyễn Thị Nghĩ: "Mần chi có loại xe mô vô được đây ngoài xe trâu. Không thứ chi thay thế hắn được mô". Nói đoạn, bà "họ tắc, họ tắc", con trâu rẽ ngay phía trái. Những con sau cũng theo lời "họ tắc" mà theo đúng lối.

Bà Nghĩ ở xã Vinh Hưng cách đó chừng 6-7 cây số, nuôi chồng mù lòa và một con trai đang học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Một mẫu ruộng thu hoạch chẳng thấm tháp, mấy người con lớn có gia đình chẳng khá giả giúp đỡ gì, nên bà sắm trâu và xe để sang An Bằng kéo vật liệu thuê cho các khu lăng đang xây.

Bà Nghĩ nằm trong số gần 100 người lái "biệt đội" xe trâu chuyên chở vật liệu xây dựng ở các xã Vinh An, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Vinh Hưng và Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc)... Giá cả dao động từ 60.000 - 90.000 đồng/chuyến gần hay xa, nếu từ một cây số trở lên có thể hơn 100.000 đồng. Mỗi ngày người cầm "vôlăng dây trâu" kiếm được chí ít cũng vài trăm ngàn, số tiền không tệ ở quê nghèo.

Vùng cát này từ xa xưa người ta đã dùng xe trâu để chở phân bón hay thành quả vụ mùa trong địa hình cát lún. Khoảng đầu thập niên 1990, khi làng biển An Bằng nhận nhiều tiền của thân nhân từ nước ngoài gửi về, phong trào xây dựng phát triển rầm rộ. Người ta xây "tiểu phố" toàn nhà tầng đồ sộ trong làng. Đặc biệt là phong trào xây dựng "thành phố lăng" rất to lớn ngoài nghĩa địa. Nhu cầu vật liệu gần như vô tận ấy làm nghề xe trâu hình thành và phát triển rầm rộ ở các làng lân cận trong vùng.

Cho đến hiện nay, phong trào xây dựng có lắng xuống, cùng với đó là hệ thống đường bêtông thay cho ngõ ngách cát lún, ôtô vào được khiến số lượng xe trâu giảm nhiều. Nhưng đặc điểm địa hình lăng mộ khó đi trên cát, xe trâu cứ vẫn tồn tại. Hay nói như ông Nguyễn Minh, một chủ xe trâu: "Đố có loại xe chi, dù là xe tải chở hàng, đi được trên cát ni. Mà có đi được thì uống dầu phải biết. Chỉ có cầm "vôlăng dây" mới di chuyển được thôi, dù chậm mà chắc! Cho nên vùng ni có lẽ khi mô hết cát mới hết xe trâu".

Biệt đội cửu vạn... trâu - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Nghĩ nhờ chiếc xe trâu mới đủ tiền sống qua ngày - Ảnh: THÁI LỘC

Thương lắm thân trâu

Ông Hoàng Mười ở làng Hà Úc, một trong những người dùng trâu kéo xe chở vật liệu từ hơn 20 năm trước, cho rằng với nghề cầm "vôlăng dây" mà chọn cho được trâu ưng ý là việc khó bậc nhất. Ông thao thao: "Trong ba cái khó nhất của đời người đàn ông thì cưới vợ và làm nhà chưa chắc khó bằng... tậu trâu. Chọn cho được con trâu "rành" (mọi tướng đều tốt, làm giàu cho chủ-PV) là vô cùng khó. Trước tiên, đó phải là con "tiền song kiếm" với hai sừng vòng đều, hơi chĩa về phía trước, đuôi phải "treo" và chấm gót, chân cẳng mập mạp, dài tầm. 

Quan trọng bậc nhất chính là xoáy, chí ít phải có bốn xoáy "bàn cờ" - hai cái ở vai và hai cái trên đùi sau. Phía trước có thêm hay xoáy "bịt mỏ" nằm dưới khóe mắt nữa thì tuyệt... Những con như rứa rất vui vẻ, siêng năng, biết nghe lời và làm giàu cho chủ!".

Kinh nghiệm chọn trâu của người trong nghề được đúc kết truyền miệng có hệ thống rất bài bản. Ông Mười tiếp tục: "Nhất "treo", nhì "trệ"; "treo" là tốt nhất với đuôi dài gần chấm gót, trệ thì ngắn hơn một tí. Tiền song kiếm thì sang, hậu song kiếm tan hoang cửa nhà. Hậu song kiếm tức là trâu có hai xoáy phía sau sát gốc đuôi, còn gọi là trâu "lưỡi sầu", mặt mày thì buồn bã, mua về hắn phá nhà dữ lắm, kéo xe thì lắc qua lắc lại, có khi gây tai nạn đền cho sạt nghiệp. Tương tự là trâu "phạm nghênh" với hai sừng có hướng chĩa so le nhau, về nhà chưa kéo đã bệnh tật, làm chi cũng nhác nhớm, xấu tính!"...

Muốn lựa cho được trâu "rành", thân chủ có khi phải cơm đùm gạo bới lặn lội khắp nơi, ra tận ngoại tỉnh chưa chắc chọn được. Giá trâu thịt và trâu cày thông thường chỉ dưới 20 triệu đồng. Nhưng bắt gặp được con trâu "rành" ưng ý, khổ chủ có khi phải trả gấp rưỡi, thậm chí hơn gấp đôi...

Con trâu quan trọng với nông dân nước Việt từ hàng ngàn năm nay, song tính chất "đầu cơ nghiệp" đến nay có lẽ chưa chắc nơi nao cao như xứ cát này. Trâu ngã bệnh chẳng khác con cái ốm đau, chồng lo, vợ buồn, chăm sóc đủ kiểu. Khẩu phần của trâu không chỉ là cỏ mỗi bao cả trăm ngàn đồng mà còn có thêm đường, bột, tốn kém không thua tiền thức ăn gia đình. Các buổi chè chén, cánh đàn ông luôn kể chuyện hoặc nghêu ngao về con trâu.

Thế giới đang vươn đến vận tốc ánh sáng, vậy mà ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế người ta tin rằng xe trâu đi vài cây số mỗi giờ sẽ không có phương tiện gì thay thế được.

Thương trâu, người trong nghề cũng than thân trách phận thay lời giúp trâu. Có đoạn vè rằng: "Thân tao bay nghĩ lại đặng mà bay thương/Được một hàm răng cắm (gặm) cỏ, uống nước giếng mương/Sống thời làm mượn cho bay ăn/Tao có thác thời/Chân tay tao bay đem bay thui vàng/Thịt tao bay ram xáo uống rượu xềnh xàng/Xương tao bay cống nạp cho vua/Vua đòi thợ tiện tiện cái chén ngọc chén ngà/Đũa xương bịt bạc hay đà nước như rứa là... non".

Năm Sửu, đến chợ trâu Nghiên Loan - Phiên chợ thật thà Năm Sửu, đến chợ trâu Nghiên Loan - Phiên chợ thật thà

TTO - Chị mời chào: "Trâu cái 14 tháng tuổi, của nhà nuôi thả, mông to, làm giống tốt lắm." Ông khách đứng ngắm nghía một lúc rồi cầm thừng trâu kéo hếch mũi nó lên để xem răng có đều không, có bị mòn không, răng đều là trâu ăn tốt, khỏe...

THÁI LỘC - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên