14/08/2014 08:37 GMT+7

Biết cách phòng ngừa, khó lây bệnh

LÊ THANH HÀ - LAN ANH lược ghi
LÊ THANH HÀ - LAN ANH lược ghi

TT - Rất nhiều bạn đọc đã quan tâm và gửi câu hỏi đến buổi giao lưu trực tuyến “Nguy cơ từ Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp” do báo Tuổi Trẻ và Bộ Y tế phối hợp tổ chức chiều 13-8.

>> Bộ Y tế giải đáp về Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp

Bác sĩ khám cho một bệnh nhi viêm não điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ khám cho một bệnh nhi viêm não điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Câu trả lời từ các chuyên gia y tế là PGS.TS Nguyễn Văn Kính (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), ông Trần Như Dương (phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và TS.BS Lê Mạnh Hùng (phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) tại buổi giao lưu trực tuyến cho thấy nếu biết cách phòng ngừa các bệnh kể trên thì rất khó nhiễm bệnh.

Phải xem xét yếu tố dịch tễ

Theo ông Nguyễn Văn Kính, cho đến nay hệ thống giám sát vẫn chưa phát hiện bệnh nhân Ebola tại VN và nguy cơ bệnh lây lan sang VN là rất thấp, do VN ít có quan hệ giao thương, du lịch tại bốn nước Tây Phi đang có dịch. Điều lo ngại chỉ là người đi du lịch xuyên quốc gia, trước khi đến VN từng qua khu vực có dịch.

Báo động Ebola giả

Ngày 13-8, thông tin Bộ Y tế cho biết một cán bộ công an ở Hà Nội khi đang trực tại đồn ở khu vực Q.Ba Đình đã có tiếp xúc với một nam giới người da đen. Theo đó, nam giới kể trên vào đồn công an để hỏi đường và sau đó có dấu hiệu mệt, ốm, sốt... trong khi thông tin về bệnh Ebola từ châu Phi đang xâm nhập VN đã khiến cán bộ công an kể trên rất lo lắng, báo về cơ quan y tế.

Trong chiều 13-8, cơ quan giám sát dịch tễ đã tìm kiếm thông tin về nam giới kể trên và được biết nam giới này quốc tịch Nigeria, đã sống và làm việc tại VN bảy tháng gần đây, trước khi bị sốt, mệt, ông bị say rượu và vào đồn công an để hỏi đường, không có mối liên quan nào đến bệnh Ebola.

Về khả năng xét nghiệm virút Ebola tại VN, ông Trần Như Dương cho biết hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM đều có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3.

Về khả năng để xét nghiệm Ebola, ông Dương nói VN hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, nhưng về đảm bảo nghiêm ngặt an toàn mẫu và tránh lây lan thì cần bổ sung một số quy trình và hiện Tổ chức Y tế thế giới đang hỗ trợ.

“Ngày 13-8, Bộ Y tế đã tập huấn các quy trình lấy mẫu, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho 300 cán bộ y tế các địa phương từ Quảng Trị trở ra, ngày 14-8 sẽ tập huấn cho khu vực phía Nam. Việc chủ động chống dịch sẽ giảm thiểu nguy cơ Ebola xâm nhập” - ông Dương đánh giá.

Trả lời câu hỏi “Nghe nói triệu chứng của người nhiễm Ebola là sốt và tiêu chảy. Vậy làm thế nào để phân biệt một bệnh nhân bị tiêu chảy do nhiễm Ebola?” của bạn đọc Khắc Cường, bác sĩ Lê Mạnh Hùng nói các triệu chứng của người nhiễm Ebola có thể tương tự triệu chứng của những bệnh do nhiễm trùng khác (sốt xuất huyết Dengue, tiêu chảy nhiễm trùng, thương hàn...).

Tuy nhiên, để nghi ngờ một trường hợp nhiễm Ebola, ngoài các triệu chứng sốt, tiêu chảy, đau cơ, xuất huyết... thì phải xem xét yếu tố dịch tễ (người đó có đến vùng đang xảy ra dịch, có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người hoặc thú có nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Ebola). Yếu tố dịch tễ này rất quan trọng, nếu không có yếu tố dịch tễ thì khả năng nhiễm Ebola gần như không có.

Không uống thuốc cầm tiêu chảy

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi với TS.BS Lê Mạnh Hùng về bệnh viêm não cấp và tiêu chảy cấp ở trẻ em. Theo bác sĩ Hùng, viêm não cấp và tiêu chảy cấp ở trẻ em thường xảy ra vào những tháng mùa hè (tháng 5, 6, 7). Khoảng 90% trường hợp tiêu chảy cấp có nguyên nhân do nhiễm trùng.

Nếu tiêu chảy cấp nhẹ, không sốt, trẻ vẫn ăn uống được thì có thể chăm sóc tại nhà với chế độ ăn uống bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt cần uống dung dịch điện giải để bù dịch.

Nếu trẻ bị sốt cao, tiêu chảy nhiều lần hoặc phân có đàm, máu, nên đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị. Một số trường hợp tiêu chảy có thể nguy hiểm khi người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần, mất nước nặng, dẫn đến suy thận, sốc mất nước (bệnh tả) hoặc dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết) ở một số trường hợp như trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch.

Đặc biệt không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy vì có thể làm cho bệnh trầm trọng thêm do thuốc làm giảm nhu động ruột khiến phân tiêu chảy tích tụ trong lòng ruột, kéo theo những chất độc, vi khuẩn, chất thải cần thải ra ngoài bị ứ lại. Khi đó bụng trẻ bị căng trướng, ứ dịch, ứ hơi nên dễ bị nôn ói, không ăn uống được...

Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể tử vong do chữa trị không đúng cách (dùng thuốc cầm tiêu chảy, không bù nước điện giải đầy đủ, không chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh...).

Viêm não cấp, phải nhập viện

Về bệnh viêm não, bác sĩ Lê Mạnh Hùng cho biết viêm não thường do các loại virút gây ra, có thể chia làm hai nhóm: viêm não virút nguyên phát (virút tấn công trực tiếp vào não và gây bệnh, như bệnh viêm não Nhật Bản) và viêm não virút thứ phát (virút gây bệnh cho cơ thể, sau đó tấn công vào não như viêm não trong bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại...). Đối với bệnh viêm não cấp ở trẻ em bắt buộc phải vào bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Hùng cũng giải đáp thắc mắc “viêm não khác với viêm màng não thế nào, các triệu chứng khác nhau ra sao?” của bạn đọc tên Thủy như sau: viêm não là trường hợp não bị viêm, khác với viêm màng não là màng bao quanh não bộ bị tổn thương. Nguyên nhân gây viêm não thường do virút, nguyên nhân viêm màng não thường do vi khuẩn...

Những trường hợp viêm màng não nặng có thể gây tổn thương não bộ gọi là viêm não - màng não. Về triệu chứng, viêm màng não và viêm não có thể gây sốt, rối loạn tri giác. Các triệu chứng như nôn ói, cổ gượng có thể xảy ra trong viêm màng não, còn viêm não có thể gây yếu liệt (rối loạn cảm giác, vận động).

Cứu một bệnh nhân nhiễm cúm H1N1 thể nặng

Ngày 13-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã cho bệnh nhân Trịnh Xuân Tư (64 tuổi, ở Ninh Giang, Hải Dương) ra viện. Đây là một trong những bệnh nhân mắc cúm H1N1 đại dịch thể nặng nhất trong năm nay và được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể).

Theo ông Nguyễn Văn Kính - giám đốc bệnh viện, cách đây hơn hai tháng bệnh nhân Tư vào viện trong tình trạng viêm phổi nặng kèm nhiều bệnh phối hợp do nhiễm cúm H1N1. Bệnh viện đã quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO bằng cách rút máu của bệnh nhân ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải CO2, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân. Đây là kỹ thuật có thể cứu những bệnh nhân bị tổn thương phổi và tim nặng do nhiều bệnh lý phối hợp. Ông Kính cho biết có thể sử dụng kỹ thuật này để cứu bệnh nhân SARS, cúm H5N1, H1N1 đại dịch...

LÊ THANH HÀ - LAN ANH lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên