21/03/2014 00:01 GMT+7

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em mùa nắng, nóng

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Đối với trẻ em, tiêu chảy cấp vẫn được xem là một trong những bệnh lý phổ biến và có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ em dưới 2 tuổi.

Để giúp trẻ bệnh mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cấp, phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc điều trị sau đây:

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nếu trẻ còn bú mẹ cần cho bú nhiều và lâu hơn vì sữa mẹ cung cấp một lượng nước đáng kể giúp đề phòng tình trạng mất nước. Trẻ lớn hơn, từ 6 tháng – 5 tuổi, có thể bù nước cho trẻ bằng bất cứ loại nước uống nào mà trẻ thích như: nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước sôi để nguội. Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần có thể vừa bị mất nước vừa bị mất muối khoáng, phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống thêm dung dịch Oresol (còn gọi là ORS hay nước biển khô) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói với lượng từ 50ml – 100ml tùy theo độ tuổi của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ uống những loại nước không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nước giải khát chứa nhiều đường ngọt hoặc có nhiều bọt hơi như sô đa, 7-Up, sá xị, pepsi, coca cola…vì sẽ làm bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn.

Tiếp tục cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết: trẻ còn đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ (bú mẹ ít nhất 8 lần mỗi ngày). Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục duy trì bằng những loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng, sẽ giúp trẻ dễ tiêu mà mau lành bệnh như cháo dinh dưỡng, súp nóng, sữa bột các loại theo từng lứa tuổi của trẻ. Ở những trẻ khó khăn trong ăn uống như trẻ bị nôn ói, thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ hơn, giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn cần thiết. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ hồi phục lại sức khỏe sau khi bị bệnh.

Việc sử dụng kháng sinh phải có sự chỉ định của bác sĩ: phụ huynh nên tuân thủ đúng theo khuyến cáo của bác sĩ về loại kháng sinh sử dụng, liều lượng thuốc và thời gian sử dụng cho đủ một đợt điều trị. Cha mẹ không nên tự ý “tăng giảm liều thuốc kháng sinh” hoặc “tự ý mua kháng sinh” về điều trị cho trẻ, việc này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc hay còn gọi là “lờn thuốc”, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị bệnh cho trẻ sau này, nặng nề hơn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh tiêu chảy của trẻ (số lần đi tiêu chảy, tính chất phân, tình trạng sốt, việc ăn uống…). Cha mẹ cần đưa trẻ trở lại ngay cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có một trong các biểu hiện gợi ý sau:

+ Trẻ bú kém.

+ Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.

+ Trẻ bị sốt cao liên tục 39 độ C – 40 độ C.

+ Trẻ khát nước nhiều.

+ Trẻ đi phân có máu.

+ Trẻ lừ đừ, mệt mỏi.

+ Trẻ nôn ói quá nhiều.

GsLAZuHW.jpg

Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý những biện pháp sau đây:

- Thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ và làm giảm đáng kể tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

- Khi cho trẻ ăn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước sử dụng, không nên cho trẻ ăn rau sống hoặc ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín, không uống nước lã (nước chưa được đun sôi). Mùa nắng nóng làm trẻ rất dễ bị khát nước, vô tình trẻ có thể uống bất cứ những loại nước giải khát nào sẵn có, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ không nên ăn, uống các loại thức ăn và nước giải khát bán dạo, mất vệ sinh vì có thể làm trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

- Giữ sạch đôi tay cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi trẻ chơi đùa. Rửa sạch đôi bàn tay có thể làm giảm hơn 50% các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Phụ huynh cũng cần chú ý giữ sạch đôi tay của mình trước khi chế biến, nấu nướng thức ăn cho trẻ, nhất là trước khi đút cho trẻ ăn.

Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin sẵn có liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ sẽ giúp phòng ngừa chủ động hiệu quả các bệnh lý tiêu chảy nguy hiểm như vắc xin phòng bệnh tả, vắc xin phòng bệnh thương hàn hoặc vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rota vi rút (dạng uống).

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên