29/04/2012 21:22 GMT+7

Biến sợ hãi thành yêu thương

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài một ngày năm 2000, Chuck Palazzo có cảm giác như tìm mình bị bóp nghẹt bởi nỗi sợ hãi. Sợ phải bước chân ra khỏi máy bay. Sợ những gì đang chờ đợi mình ở mảnh đất đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

16wRRtpK.jpgPhóng to
Chuck Palazzo: Tôi quyết định ở lại VN để giúp nạn nhân chất da cam và nạn nhân bom mìn - Ảnh: Hương Giang

Sợ đến nỗi ông tưởng mỗi ánh mắt lướt qua mình đều là những ánh mắt kết tội dành cho một cựu lính thủy đánh bộ quân đội Mỹ đầu những năm 1970 trên chiến trường VN. Nhưng không, ông chỉ là một trong hàng vạn du khách nước ngoài được VN chào đón đến thăm.

Lòng bao dung và vị tha của con người VN đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trở lại đây đều đặn từ đó đến nay và cuối cùng, ông quyết định ở lại mảnh đất Đà Nẵng và trở thành thành viên của Hội cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), chi hội số 160, tại VN.

Gặp gỡ những cựu chiến binh thăm lại VN những ngày tháng 4-2012, Chuck tâm sự với các đồng đội cũ: “Cách đây hai năm, tôi gặp những người sống sót từ thảm họa Mỹ Lai. Một người đã mất bảy đứa con trong chiến tranh nói với tôi: Cậu cần phải tha thứ cho bản thân mình bởi vì chúng tôi đã tha thứ cho cậu từ lâu rồi".

Rồi cũng người phụ nữ đó, khi biết Chuck chưa đầy 18 tuổi khi bị điều động sang chiến trường VN, đã nói với ông: “Làm sao cậu biết được mình sẽ dính vào cái gì ở đây”, “Tôi đang cố gắng để chuyển những năng lượng và tình cảm đó thành một điều gì đó tích cực. Bởi vậy tôi quyết định ở lại VN để giúp nạn nhân chất da cam và nạn nhân bom mìn", ông chia sẻ.

Chất độc da cam không phải là chuyện mới với Chuck Palazzo. Ông đã chứng kiến máy bay Mỹ rải thảm dioxin lên đồng ruộng, rừng núi VN và nghe nhiều lời dối trá từ cấp trên của mình: “Đó là chất diệt muỗi. Chỉ là chất diệt cỏ dại thôi. Chất này an toàn đến nỗi uống được cơ mà!”.

Nhưng khi xâm nhập vào các khu rừng, cậu lính trẻ Palazzo thấy lá cây rơi rụng hàng loạt, cây chết khắp nơi và hiểu rằng không đời nào, thứ nước và đất nhiễm dioxin đó lại có thể an toàn.

“Tôi bắt đầu nghĩ rằng: nếu dioxin tác động đến cây cối ghê gớm như vậy, không hiểu với người thì còn làm sao! Ngày nay, hậu quả của dioxin vẫn kéo dài đến thế hệ thứ tư của các cựu binh Mỹ và không ai biết nó còn đe dọa cuộc sống của hậu duệ họ đến khi nào. Vậy còn người VN thì sao?”, ông nói.

Đó là một trong những động lực thúc đẩy Chuck Palazzo, giờ đây đã là một nhà phát triển phần mềm kỳ cựu, trở lại VN và tìm hiểu tác động đầy đủ của chất da cam. “Chắc chắn ảnh hưởng với VN vượt xa ảnh hưởng tới các cựu binh Mỹ xét về lượng dioxin bị rải ở đây. Hơn nữa, một trong các lý do chính của việc quân đội Mỹ dùng dioxin là để phá hủy nguồn lương thực của lính miền Bắc VN để Việt Cộng không sống sót được. Chúng tôi đã vi phạm các hiệp ước quốc tế về an ninh lương thực”.

Năm 2001, sau khi từ VN quay lại Mỹ, Chuck một lần nữa lại sống sót sau khi được giải phẫu thành công một khối u não. Đứng trước cơ hội được sống lần này, ông quyết định trở lại VN để ở lại thường xuyên hơn, thành lập một công ty phần mềm và đào tạo người khuyết tật về các kỹ năng máy tính, giúp họ có thể tự kiếm sống bằng cách nhập dữ liệu thuê.

Việc trở lại và làm việc ở VN còn có một ý nghĩa ẩn sâu đằng sau. Suốt nhiều thập kỷ, ông đối diện với hội chứng rối loạn tâm lý sau chiến tranh.

Chuck nhớ lại những ngày mới rời chiến trường VN về Mỹ: “Khi quay về, chính người dân của chúng tôi không muốn dính dáng gì đến chúng tôi nữa. Trong khi đó, cựu chiến binh VN trở lại quê hương họ và được cộng đồng hỗ trợ. Bao nhiêu năm tôi rất sợ khi nghĩ đến việc thăm lại VN. Tôi bị rối loạn tâm lý kéo dài. Nhưng cuối cùng, lấy hết can đảm, tôi quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi đó bằng cách đối diện với nó. Điều ấy không dễ dàng gì, nhưng tôi đã làm được”.

37 năm sau ngày 20-4-1975, những người như Chuck Palazzo và đồng đội của mình như Suel Jones, Deryle Perryman vẫn tiếp tục duyên nợ với VN. Điều khác là lần này, họ đứng về phía bên kia của cuộc chiến để sát cánh với các nạn nhân da cam VN và lần này, họ đang giành chiến thắng ở cuộc chiến vượt qua ám ảnh chiến tranh và sợ hãi tâm lý nhờ sự bao dung và vị tha của người VN.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên