06/11/2020 13:22 GMT+7

Biến rác thải thành đồ dùng dạy học

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Chai nhựa, giấy vụn, bìa cactông có tái sử dụng được không? Trăn trở trước câu hỏi đó, một thầy giáo trẻ ở Hà Nội đã đi xin, gom rác thải để tạo ra những mô hình giảng dạy, đồ dùng học tập khiến giờ học trở nên sinh động, hút hồn học trò.

Biến rác thải thành đồ dùng dạy học - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết hướng dẫn học trò làm sa bàn mô phỏng lại chiến dịch Điện Biên Phủ từ rác thải nhựa, giấy vụn - Ảnh: ANH TUẤN

Từ lúc ngồi trên ghế giảng đường đến nay đã là giáo viên đứng lớp, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết (24 tuổi, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) vẫn miệt mài đi... xin rác. Xin rác về, thầy Quyết làm sạch rồi lưu vào kho. Hễ môn học nào cần đến sa bàn hay đồ dùng học tập là thầy trò xắn tay vào làm ngay.

“Chúng em thường có một kho đổi nắp chai, vỏ chai, đến lúc có chương trình, các thầy cô, các bạn sẽ cùng nhau tái chế sản phẩm. Em thấy rất vui vì được cùng tham gia tái chế rác thải, góp phần cùng các bạn chung tay bảo vệ môi trường.

Em Trần Vũ Trà My (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) bày tỏ

"Người rác"

Mới đây, công trình "Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông" của thầy giáo Quyết vừa xuất sắc lọt vào top 15 công trình, sáng kiến sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020. Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Ngày còn là sinh viên, bạn bè gọi thầy giáo 9X với biệt danh "Người rác" bởi đi đâu cũng thấy thầy... xin rác. "Mình xin rất nhiều đến nỗi khi đó có một số người lời ra tiếng vào: "Hay là thiếu tiền, thầy thu gom rác để bán?". Nhưng đến lúc mình hoàn thiện sản phẩm, đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ, cảm thấy rất thú vị" - thầy Quyết bộc bạch về ý tưởng ban đầu.

Từ những mô hình đầu tiên về chủ quyền biển đảo, các bộ phận cấu thành của lãnh thổ Việt Nam, mô hình bản đồ Việt Nam đến sa bàn về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng hay đại thắng mùa xuân năm 1975, đến nay hầu hết các bộ môn khoa học xã hội ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều được thầy Quyết cùng học trò sáng tạo ra những mô hình học tập trực quan, sinh động. Điều lý thú là tất cả đều được làm từ rác.

"Điểm mới của mô hình là ứng dụng trực tiếp trong vấn đề giáo dục, sản phẩm do chính các em học sinh làm ra. Số lượng rác thải trong trường học rất nhiều đặt ra gánh nặng cho người lao công, gánh nặng cho môi trường khi chôn lấp hay đốt sẽ gây ô nhiễm. Chúng ta chỉ còn bài toán là tái chế rác thải thành đồ dùng học tập, ứng dụng trực tiếp trong các môn học được giảng dạy tại trường THPT" - thầy Quyết nói.

Có ý tưởng rồi, thầy và trò cùng bắt tay làm. Đầu tiên là thu gom rác, thầy Quyết cho biết hiện nay học sinh hình thành thói quen phân loại rác thải, chai nhựa, túi nilông để cuối góc lớp. Sau mỗi tiết học, thầy sẽ lấy rác về làm sạch, phơi khô và đem đi lưu trữ. 

Hễ môn học nào "đặt hàng" mô hình giảng dạy là thầy và trò lại tìm tòi, định hình xem cần tái chế từ loại rác nào. Lấy ví dụ về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng, để mô phỏng được những chiếc xe tăng, không thể thiếu được các nắp chai nhựa cũ dùng làm chân khẩu pháo, thân chai nhựa được cắt đôi để làm hầm Đờ Cát, làm ngọn đồi A1 từ chai nhựa, giấy...

Đến nay sau hai năm, đồ dùng dạy học được tái chế từ rác thải nhựa được áp dụng tại trường trong các môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Thầy Quyết cho biết sắp tới sẽ hướng đến áp dụng tái chế thành đồ dùng học tập trong các môn khoa học tự nhiên.

Bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất

Bắt đầu từ xung quanh nhà, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết luôn nhìn thấy "tài nguyên rác" từ quán ăn vặt, quán nước mía. Với những hộp nhựa, cốc nước mía, thầy thường đem về tái chế chúng thành chậu cây nhỏ, sau đó đem tặng cho các trường mầm non để giảng dạy cho học sinh.

Đến thực tiễn môi trường THPT, thầy nhận thấy học sinh sử dụng rất nhiều chai nhựa, uống xong vứt bỏ luôn vào thùng rác, từ đó thầy nảy ra ý tưởng giúp các con phân loại rác thải. Thầy Quyết thừa nhận lúc đầu chưa hoàn hảo lắm đâu, rác rất nhiều mà chỉ thầy giáo cùng một số ít học sinh tham gia phân loại. Sau đó thầy giáo trẻ tham vấn với ban giám hiệu, nhờ vậy ý tưởng tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học được ứng dụng ngay vào các môn học trong trường.

Tham gia Tri thức trẻ vì giáo dục năm nay, thầy giáo trẻ khiêm tốn nói đề tài của bản thân chỉ rất nhỏ so với những đề tài của các trí thức trẻ khác mang tầm vĩ mô. 

"Nhưng tôi vẫn đăng ký tham gia dự thi, bởi mỗi lần tham gia là một lần học hỏi kinh nghiệm, được trao đổi kiến thức. Mình muốn đóng góp sản phẩm tri thức cho hệ thống giáo dục, không chỉ ở trường mà còn rất nhiều trường khác trong phạm vi cả nước. Quan trọng hơn là giáo dục ý thức của học sinh trong vấn đề bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, các em biết sử dụng, tái chế rác thải vào môn học" - thầy Nguyễn Hữu Quyết bày tỏ.

Học rất hào hứng

Đến những giờ học của thầy Quyết, em cảm thấy rất vui, nhộn nhịp, chuẩn bị vào tiết học lớp em đều có tinh thần hào hứng. Những sản phẩm của thầy thiết thực trong mỗi tiết học, ứng dụng vào thực tiễn. Thầy Quyết rất năng nổ, trẻ trung, hoạt bát, tận tình chỉ cho chúng em cách làm mô hình nhỏ nhất.

Em Phạm Việt Anh (lớp 12A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội)

Biến rác biển thành... học bổng Biến rác biển thành... học bổng

TTO - Ngoài những tấn cá mực sau các chuyến đi biển dài ngày, con tàu cá hơn 1.000CV của anh Trần Văn Cường còn đem về đất liền hàng chục ký rác thải là vỏ chai nhựa, vỏ lon được vớt trên biển.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên