Khu vực các nhà khoa học chôn khí thải CO2 xuống lòng đất ở Iceland - Ảnh: Science |
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Science ngày 9-6, các nhà khoa học cho biết họ đã bơm khí CO2 xuống độ sâu khoảng 400 đến 500 m bên dưới lớp đá núi lửa ở Iceland, nơi các khoáng chất bazan phản ứng với khí thải tạo thành các khoáng sản carbonate.
Điều đáng ngạc nhiên là quá trình này chỉ cần hai năm để hóa rắn 95% khí thải thay vì hàng trăm năm như dự đoán trước đó.
“Chúng ta cần đối phó với tình trạng thải khí carbon ngày càng tăng và đây là nơi lưu trữ chúng vĩnh viễn, biến chúng thành đá”, The Guardian dẫn lời khoa học gia Juerg Matter thuộc Đại học Southampton của Anh, người dẫn đầu báo cáo.
Các kho lưu trữ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng cách thức lưu trữ CO2 ở dạng gas hiện tại gây nhiều lo ngại về tình trạng rò rỉ và chi phí đắt đỏ. Nhưng kỹ thuật hóa rắn khí CO2 dưới lòng đất sẽ ít tốn kém và an toàn hơn.
Theo Guardian, các dự án mới ở Iceland có thể chôn đến 10.000 tấn mỗi năm và các loại đá bazan được sử dụng cũng rất dễ tìm trên khắp thế giới.
“Trong tương lai chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật này cho những nhà máy năng lượng ở những nơi có nhiều bazan và có rất nhiều nơi như vậy”, thành viên của nhóm nghiên cứu, khoa học gia Martin Stute của Đại học Columbia (Mỹ) nhận định.
Ngoài Iceland, việc thử ngiệm cũng đang được tiến hành ở Mỹ như Washington và Oregon.
Hạn chế về kỹ thuật của cách thức mới là nó đòi hỏi phải sử dụng rất nhiều nước để hòa tan và ngăn CO2 thất thoát. Cần đến 25 tấn nước cho mỗi tấn CO2 được chôn xuống lòng đất. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu nói rằng có thể thay thế bằng nước biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận