29/10/2016 13:45 GMT+7

Biến đổi khí hậu, vùng Địa Trung Hải sẽ thành sa mạc?

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Các nhà khoa học mới đây cảnh báo biến đổi khí hậu cộng với tình trạng nóng lên toàn cầu nếu tiếp diễn sẽ khiến nhiều khu vực ở vùng Địa Trung Hải trở thành sa mạc vào cuối thế kỷ này.

Trời nắng nóng, người dân đổ xô đến các bãi biển ở vùng Địa Trung Hải - Ảnh: Getty Images
Trời nắng nóng, người dân đổ xô đến các bãi biển ở vùng Địa Trung Hải - Ảnh: Getty Images

Theo nhóm nghiên cứu do Đại học Aix-Marseille (Pháp) dẫn đầu, trừ khi vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch được giải quyết và các biện pháp khác được đưa ra để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng, miền nam châu Âu có thể đối mặt với một sự thay đổi cực lớn chỉ trong 84 năm.

Theo đó, miền nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, miền bắc Morocco, Algeria và Tunisia cũng như các khu vực khác như đảo Sicily (Ý), miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khu vực ở Syria... sẽ biến thành sa mạc.

Nhóm nghiên cứu cho biết trong vòng 130 năm qua, nhiệt độ trung bình tại khu vực Địa Trung Hải tăng 1,3°C, trong khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,85°C. 

Lý do là vùng Địa Trung Hải khá nhạy cảm với sự nóng lên toàn cầu, mà điều này là bởi các cơn bão từ Đại Tây Dương có xu hướng tiến lên phía bắc, khiến khu vực này nắng nhiều, mưa ít. 

Ngoài đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa, nhiệt độ nóng tại Địa Trung Hải còn dẫn tới sự biến đổi nghiêm trọng thảm thực vật và động vật ở khu vực này. 

Nhóm nghiên cứu khẳng định chỉ có đảm bảo nhiệt độ toàn cầu tăng trong phạm vi 1,5 độ C, hệ sinh thái Địa Trung Hải mới có thể được giữ như 10.000 năm qua.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Joel Guiot thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho rằng để "cứu" Địa Trung Hải cũng như những khu vực nhạy cảm khác, cần có những cuộc tranh luận khẩn cấp và cởi mở về việc cắt giảm khí thải cho những nơi này.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học chỉ một tháng trước khi chính phủ các nước nhóm họp tại Morocco để đánh giá lại nội dung Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm ngoái.

Khi đó chính phủ của gần 200 nước đã đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên