18/10/2012 07:31 GMT+7

Biên cương ghi khắc tên anh

L.HOÀI - Đ.BÌNH - M.QUANG
L.HOÀI - Đ.BÌNH - M.QUANG

TT - 3g sáng 16-10, sau khi vượt quãng đường dài từ Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thi hài của thượng úy Lương Minh Năm được đưa về quê nhà ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy (Nam Định).

Chiến sĩ biên phòng hi sinh khi truy bắt tội phạmAnh nằm lại giữa đồng lúa mênh mông

gnfrnrf4.jpgPhóng to
Bé Lương Ngọc Phương - con gái mới 7 tháng tuổi của thượng úy Lương Minh Năm - chưa biết gì về nỗi đau - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thượng úy Lương Minh Năm hi sinh khi truy bắt nhóm tội phạm nguy hiểm ở vùng biên giới Việt - Trung trên địa phận huyện Mường Nhé.

Nỗi đau lớn

Ông Lương Minh Phúc, bố anh Năm, đổ gục nghẹn ngào khi đón thi hài người con trai từ đầu ngõ. Ông nói trong ràn rụa: “Hôm xảy ra vụ việc, tôi ra đồng nhưng lòng dạ tự nhiên cứ thấp thỏm như lửa đốt. Vừa kịp leo lên bờ ruộng định quay về nhà thì nhận được điện thoại của người thân báo Năm bị thương nặng, phải cử gấp người lên đơn vị. Đang chạy ngược xuôi lo chuyện tàu xe để lên với con thì 9g đồn biên phòng báo tin về Năm đã ra đi...”. Trong khi đó bà Đặng Thị Mậy, mẹ anh Năm, từ khi nhận hung tin đã ngã gục trên giường bệnh.

Khi hay tin thi thể chồng được đưa về trước cổng nhà, chị Nguyễn Thị Hương dứt đứa con đang khát sữa khỏi tay, ngã nhào kêu gào thảm thiết. Nỗi đau quá lớn giáng xuống cuộc đời người vợ trẻ khi anh Năm ra đi bỏ lại hai đứa con thơ: bé Lương Ngọc Anh mới học lớp 1, còn bé Lương Ngọc Phương chưa đầy 7 tháng tuổi.

Hai ngày trước khi anh Năm hi sinh, chị Hương vừa sang Thái Bình lấy bằng đại học cho chồng rồi gửi kèm chiếc vợt bóng bàn lên cho anh chơi thể thao. Nhưng quà chưa kịp lên thì người đã ngã xuống. Trước đó, anh Năm và vợ cùng đi học tại Trường đại học Y Thái Bình.

Máu đổ ở đường biên

Sáng 17-10, Tuổi Trẻ có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, nơi ba chiến sĩ công an bị thương trong trận tập kích toán phỉ ở xã Sen Thượng sáng 15-10.

Dù còn rất yếu nhưng hạ sĩ Thào A Sấu (20 tuổi, quê xã Nà Hì, huyện Mường Nhé) vẫn cố nén đau cho biết sáng 10-10, anh nhận lệnh đơn vị điều động tăng cường cùng tổ công tác lên biên giới để truy bắt nhóm phỉ ở xã Sen Thượng. Tổ công tác liên ngành (công an, biên phòng) gồm sáu người được phân công phụ trách khu vực cột mốc số 10. Đêm 14, rạng sáng 15-10, sau khi toàn tổ đi tuần quanh khu vực thì về lán nghỉ. Trời lúc này mưa lâm thâm, mây mù giăng dày đặc, vắng lặng. Khi cả tổ vừa vào trong lán, bỗng một loạt đạn vang lên đanh giòn... “Ta bị tập kích rồi!” - một người thét lớn. Sáu người đạp lán lao ra. Loạt đạn thứ hai quất tiếp. Sấu thấy đau nhói bên chân trái.

Khi đó trung úy Lò Văn Thành cũng trúng đạn vào cánh tay trái ngay loạt đạn đầu tiên. Cố chạy từ lán xuống mé đường cách đó khoảng 4-5m để tránh đạn, anh Thành cố quan sát xem đồng đội thế nào nhưng tất cả im phăng phắc. “Tôi lả đi cho đến khi đồng chí Tính gọi khẽ, rồi Tính xé áo mình để băng bó, garô vết thương. Sau đó Tính lấy xe máy lao về đồn biên phòng Sen Thượng để báo và gọi người tiếp ứng...”.

Ở phòng bên cạnh, thiếu tá Nguyễn Văn Tính cũng đang điều trị do lúc lao ra khỏi lán anh đập người vào một cây gỗ. Bác sĩ bảo bị giập phổi. Trong thời điểm đó, thiếu tá Tính sau khi lao ra khỏi lán đã quay lại chỗ đồng đội đang ẩn nấp để xử lý tình hình. Anh nghe tiếng kêu rên của thượng úy Lương Minh Năm, máu ở khắp người tuôn xối xả nhưng vẫn cắn răng bảo đồng đội: “Kêu khẽ thôi, bọn chúng vẫn quanh đây”. Thiếu tá Tính là người xé áo băng bó, garô cho anh Năm. Băng bó cho Năm và Thành xong, anh lao về đồn gọi cứu viện.

Từ lán về đồn biên phòng Sen Thượng khoảng 5km, nhưng trong đêm tối mịt mù nên phải mất hơn một giờ sau Tính mới dẫn được đội quân tiếp ứng trở lại hiện trường để đưa đồng đội bị thương đi cấp cứu. Lúc này, các đồng đội khác như Sấu, Chầu bị thương từ chỗ ẩn nấp được tìm thấy, sơ cứu rồi đưa về trung tâm huyện Mường Nhé cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương trên đùi thượng úy Lương Minh Năm đúng chỗ động mạch mất nhiều máu, không thể cấp cứu kịp thời nên anh đã ra đi trong vòng tay đồng đội sau đó gần bốn giờ.

Chỉ ít phút sau khi tổ công tác bị phục kích, một tổ công tác khác tại mốc 15 đã bao vây bắt sống được một đối tượng. Hiện cơ quan chức năng đang đấu tranh khai thác về mối liên hệ của đối tượng này với nhóm tội phạm đang truy bắt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Lâm Thị Ngọc Hoa, trưởng phòng công tác chính trị Công an tỉnh Điện Biên, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, tỉnh đã điều động tăng cường lực lượng vào Sen Thượng để tiếp tục truy bắt nhóm đối tượng, sớm ổn định tình hình và tư tưởng người dân. Công an tỉnh cũng ngay lập tức có điện phát động lực lượng công an toàn tỉnh phong trào thi đua đặc biệt học tập tấm gương anh dũng tấn công, trấn áp tội phạm của thượng úy Lương Minh Năm, trung úy Lò Văn Thành, hạ sĩ Thào A Sấu, hạ sĩ Sùng A Chấu...

Một người lính đẹp

Gia đình thượng úy Lương Minh Năm có sáu anh chị em thì bốn người phải bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo. Bố anh Năm là thương binh, mẹ bị bệnh tiểu đường, quanh năm đau yếu... “Năm đi biền biệt, có khi hai năm mới ghé thăm nhà một lần, mới đây Năm phải mổ thận hai lần, lần đầu ở Bệnh viện Đại học Y Thái Bình nhưng bị nhiễm trùng phải tiếp tục chuyển lên Hà Nội điều trị, lần hai ở Bệnh viện Việt - Đức” - ông Lương Minh Phúc kể.

Nói về cấp dưới của mình, trung tá Bùi Văn Hồng, chính trị viên đồn biên phòng Sen Thượng, cho biết: “Nhận thấy Năm có đạo đức tốt, trình độ chuyên môn rất vững, đơn vị đang dự định cử đồng chí đi học lớp cảm tình để kết nạp vào Đảng thế mà...”.

L.HOÀI - Đ.BÌNH - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên