Phóng to |
Một góc khu bãi biển Cần Giờ đoạn thuộc khu du lịch 30 tháng 4 - nơi dự kiến triển khai dự án trung tâm điện gió - Ảnh: Q.KHẢI |
Dự án có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng, công suất đạt 200MW sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn điện cung cấp, nguồn điện dự phòng đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, phù hợp xu hướng khai thác sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cũng còn nhiều băn khoăn xung quanh dự án.
Phù hợp với quy hoạch năng lượng của TP
Theo Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) - chủ đầu tư dự án, khi dự án triển khai sẽ có 125 tuôcbin (mỗi tuôcbin cách nhau khoảng 300m, công suất 1,6MW với chiều cao 60-80m theo công nghệ Mỹ) được lắp đặt dọc đoạn bờ biển dài khoảng 10km, lấn ra biển 1,5km. Như vậy, gần như toàn bộ khu vực bờ biển từ khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam (xã Long Hòa) chạy đến khu bãi biển của thị trấn Cần Thạnh sẽ được trưng dụng lắp đặt các tuôcbin điện gió.
Theo tính toán, tổng diện tích đất phục vụ dự án lên đến 2.000ha, dự án chính thức phát điện sau bốn năm thực hiện.
Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý chính thức hoạt động từ năm 2000. Trụ sở chính đặt tại P.8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Công ty Công Lý hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cầu đường, kinh doanh du lịch, xử lý rác thải, điện gió. Riêng lĩnh vực điện gió, thông qua nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, đã cho Công ty Công Lý vay 1 tỉ USD. |
Theo ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), quy hoạch phát triển lưới điện TP đến năm 2015 sẽ sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 4-5%, tương đương tổng công suất khoảng 200MW.
Tuy nhiên, hiện mới có nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ bãi rác Gò Cát với công suất chỉ 2MW, công nghệ sử dụng pin năng lượng mặt trời ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An 0,1MW. Dự kiến sắp tới xây dựng thêm nhà máy phát điện từ rác ở Đa Phước (H.Bình Chánh) với công suất khoảng 12MW, bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn) khoảng 7MW. Tổng cộng tất cả các dự án đã và sẽ triển khai thì việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho phát triển điện chưa đáp ứng 1/4 so với quy hoạch. Vì vậy, mục tiêu mà Công ty Công Lý đặt ra đến năm 2014 là xây dựng xong trung tâm điện gió 200MW phù hợp với quy hoạch.
Nhiều khả năng chồng dự án lấn biển
Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP, lưu ý chủ đầu tư cần phải khảo sát lại tác động về môi trường, du lịch cũng như các dự án đang triển khai tại Cần Giờ. “Trước đây, UBND TP đã phê duyệt dự án lấn biển Cần Giờ (quy mô rộng hơn 600ha - PV) và giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện. Vì vậy, dự án xây dựng trung tâm điện gió nhiều khả năng sẽ chồng lên dự án lấn biển” - ông Tân nhìn nhận.
Ngoài ra, Cần Giờ không chỉ được biết đến là khu rừng ngập mặn, rừng phòng hộ quan trọng của TP mà còn là nơi cung cấp nhiều loại thủy hải sản, trong đó có nghêu. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Cần Giờ, các bãi nghêu tập trung chủ yếu dọc bờ biển nơi sẽ triển khai dự án điện gió. Hiện diện tích nuôi nghêu trên địa bàn huyện đã lên tới 757ha thuộc 39 tổ hợp tác, tương lai sẽ tăng lên 1.421ha. Vì vậy theo ông Tân, việc xây dựng trụ điện gió dọc các bãi biển ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi nghêu của người dân ở đây.
Theo ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP, dự án điện gió mà Công ty Công Lý đề xuất nghe rất hấp dẫn, phù hợp với chủ trương và quy hoạch. Tuy nhiên, công ty cần khảo sát đánh giá thêm các tác động của dự án đến môi trường, hệ sinh thái, rừng phòng hộ Cần Giờ và mối liên hệ giữa dự án điện gió này với dự án phát triển lấn biển... để hoàn chỉnh trước khi trình UBND TP xem xét phê duyệt.
Ông Hà cũng giao Sở Công thương TP chủ trì làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư làm các thủ tục liên quan đến dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận