Bé gái bị người lạ bỏ rơi tại một cánh đồng huyện Củ Chi - Ảnh cắt từ video |
Việc Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định được người tung tin trẻ em bị bắt cóc lên mạng xã hội đồng thời bác bỏ thông tin về những vụ bắt cóc học sinh gây xôn xao trên địa bàn tỉnh từ tháng 2 đến nay làm nhiều người sửng sốt.
Khủng khiếp hơn, thông tin về những vụ bắt cóc này lan truyền mạnh đến mức các phòng giáo dục và đào tạo huyện Đạ Tẻh và TP Đà Lạt phải ra văn bản cảnh báo về tình trạng bắt cóc trẻ em.
Nhiều bạn đọc phẫn nộ: "Vì sao hàng ngàn người dùng mạng xã hội cứ chia sẻ thông tin vô tội vạ? Cứ có tin đăng là share (chia sẻ thông tin trên Facebook) mà không biết đúng sai. Nào là tin bắt cóc, tin hãng xe hơi tặng xe cho người like và chia sẻ nhiều nhất, tin thương tâm... Nhiều người không biết thông tin mình nhận được đúng hay sai, cứ thế chia sẻ về trang của mình và lan truyền khắp.
Thấy người ta “share” thì mình cũng “share”
Chị Phương Loan (TP.HCM) cho biết: “Những thông tin sốc, giật gân đang được cộng đồng mạng share rất nhiệt tình mà không biết thật sự tin ấy có đúng sự thật không. Điển hình là các vụ bắt cóc, các mảnh đời bất hạnh…”.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng mọi người luôn muốn trang cá nhân của mình nhận được sự quan tâm của bạn bè nên thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh để được “like”. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó thiếu chính kiến, không chịu đọc kỹ và phân tích, không đặt ra các câu hỏi… khi tiếp nhận thông tin nào đó.
Bà Huệ nhấn mạnh nhiều người chỉ nghĩ đơn giản thông tin nào đang được quan tâm thì chia sẻ để người khác biết chứ không nghĩ nếu thông tin không chính xác sẽ tạo nên làn sóng hoang mang, lo sợ trong cả cộng đồng xã hội.
Tràn lan thông tin bắt cóc được người dùng chia sẻ rào rào trên mạng xã hội đã tạo thành làn sóng lo sợ trong nhân dân |
Mạng xã hội không phải nơi muốn nói gì thì nói
Một chuyên gia xã hội học về dư luận xã hội khẳng định: “Người tham gia mạng xã hội phải có tư cách. Mạng xã hội không phải nơi muốn nói gì thì nói. Bản thân mạng xã hội là không gian công cộng, có yếu tố đại chúng và một khi đã là đại chúng thì trách nhiệm của người dùng rất quan trọng”.
Một trong những điều cần thiết cho người dùng mạng xã hội là khi thấy một thông tin nào đó hay, hấp dẫn thì đầu tiên cần phải kiểm chứng xem thông tin đó xuất phát từ đâu, có phải từ những trang tin chính thống hay không. Nếu xuất phát từ những trang web cá nhân, blog thì nên cân nhắc tính xác thực của thông tin. |
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà (khoa báo chí và truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng một thông tin được đưa lên mạng xã hội dù là của cá nhân nhưng cộng đồng có chia sẻ, nên khi đưa thông tin lên mạng xã hội phải hiểu rõ việc phát tán thông tin có thể tác động đến rất nhiều người.
ThS Hà phân tích: “Người đăng tin phải có trách nhiệm thông tin chính xác và phải nghĩ đến chuyện thông tin đó mang lại một giá trị hữu ích cho cộng đồng. Thông tin không có cơ sở sẽ tạo tác động không tốt cho người nhận.
Mặt khác, người dùng phải là người đọc thông minh, tức ít nhất phải phân biệt được đâu là tin tức của báo chí, đâu là tin bài PR của các doanh nghiệp và đâu là thông tin của cá nhân, chưa kiểm chứng”.
Theo ThS Hà, trong nghiên cứu truyền thông, thông tin trên mạng xã hội được phân biệt là thông tin thô, không có nguồn gốc rõ ràng, không được xác minh và chịu trách nhiệm, được lan tỏa theo cấp số nhân. Vì vậy người dùng phải biết chọn lọc, nghi vấn, phản biện để biết cái nào đáng tin.
Cơ quan chức năng không theo kịp? |
Sao cơ quan chức năng không sớm phản hồi?
ThS Nguyễn Văn Hà cho rằng bên cạnh trách nhiệm của người phát tán thông tin và người dùng, cơ quan quản lý cũng nên có những khuyến cáo kịp thời hoặc những biện pháp chế tài phù hợp đối với các trường hợp phát tán thông tin không xác minh.
Cách thức sử dụng mạng xã hội của mọi người khác nhau: dùng mạng xã hội, lướt mạng xã hội hay chơi mạng xã hội…tương ứng với trách nhiệm của họ khi đăng tải một thông tin nhất định lên đó. Khi biết thông tin mình đưa lên không chính xác thì người dùng cũng nên sử dụng chính mạng xã hội để nói lời xin lỗi nhằm thông báo cho mọi người và giảm bớt phần nào hậu quả gây ra. |
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ |
Ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA - cho biết: “Nhiều lúc thông tin bịa đặt lại là thông tin lan truyền mạnh nhất trên mạng xã hội nên nhiều người dù không muốn tin nhưng khi thấy ai ai cũng chia sẻ thì họ phải tin.
Đa số tin này đánh vào tâm lý lo sợ của người dân. Vì vậy, bên cạnh việc khuyên nhủ người dùng thì các cơ quan, tổ chức nên nhắc nhở nhân viên mình trong việc tiếp cận thông tin.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần học hỏi cách làm của một số nước khi họ có những tổ chức chuyên thực hiện nhiệm vụ cảnh báo các thông tin không chính thống, bịa đặt để trấn an dư luận. Vai trò phản hồi thông tin của các cơ quan là rất quan trọng để người dân có cơ sở an tâm”.
Ông Thắng dẫn chứng trường hợp sau khi Công an TP.HCM phát ngôn cho rằng tin bắt cóc là bịa đặt thì trên mạng xã hội “lắng dịu” hẳn các thông tin về việc này..
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với trường hợp người phát tán thông tin nhằm mục đích gây thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác hoặc xuyên tạc, hạ thấp lòng tin của người dân vào cơ quan, tổ chức nào đó thì sẽ phạm tội vu khống và bị xử phạt theo điều 226 Bộ luật hình sự sửa đổi.
Với trường hợp người dùng không biết thông tin đó sai sự thật mà chỉ chia sẻ để cảnh báo cho mọi người thì việc làm này không vi phạm pháp luật nhưng hành vi này đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
“Đề xử lý hành vi này phải tìm được người tung tin đầu tiên. Việc này rất khó nhưng không phải không làm được. Thời gian qua chúng ta đã truy tìm được nhiều đối tượng có hành vi này”, ông Hiệp cho hay.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Chị Phương Loan
>> ThS Nguyễn Văn Hà
>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
>> Ông Võ Đỗ Thắng
>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận