Bị xua đuổi trên vỉa hè, hãy trình báo

TỐ OANH
và 1 tác giả khác

Xung quanh vụ xử phạt người bán trà đá đuổi cô gái khỏi vỉa hè vì 'đứng vào chỗ bán hàng', nhiều bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm hơn để chấm dứt tình trạng cát cứ vỉa hè làm của riêng.

vỉa hè - Ảnh 1.

Shop quần áo bán giày dép lấn chiếm lề đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) để buôn bán - Ảnh: THANH HIỆP

Theo bạn đọc Sao Xẹt, xử phạt cần đi kèm cấm không được tái lấn chiếm vỉa hè buôn bán. "Hàng quán chiếm hết vỉa hè, nếu xử lý nghiêm hết thì quá tốt", bạn đọc voba****@gmail.com tiếp lời.

Một số bạn đọc chia sẻ cũng từng bị người bán hàng đuổi đi khi đứng trước hàng quán. Bạn đọc Lá cho biết vừa xuống bến xe Miền Đông cũ (TP.HCM), chờ người nhà đến đón cũng bị người bán nước giải khát đuổi ra chỗ khác đứng. 

"Vì không khiêng được thùng trái cây đi nên tôi phải đứng chịu trận khi nghe bà ấy đi ra đi vào chửi mắng. Tôi chưa từng thấy bao giờ!", bạn đọc này bức xúc.

Bạn đọc Út Trọng cũng cho biết từng bị đuổi đi khi đứng trước một công ty để đón xe buýt. "Đến mức tôi đứng dưới lòng đường còn bị đuổi nữa. Có lần dừng xe lại sát lề đường Lê Văn Thọ, tôi xuống xe và nghe cuộc gọi gấp, một chị bán quán nước ngay đó ra đuổi. Mặc dù tôi chỉ vài phút nói chuyện điện thoại thôi nhưng họ lại dùng những từ ngữ tục tĩu để đuổi tôi đi", bạn đọc Trường kể.

Bạn đọc lap***@gmail.com góp lời: "Không ít người kinh doanh ở vỉa hè, lòng lề đường đều coi khu vực trước mặt là của họ và nhiều người ngầm hiểu nên tránh xa kẻo gặp rắc rối". 

Một số bạn đọc khác nêu thực tế không chỉ những người buôn bán vỉa hè mới "cát cứ" khu vực mình bán, ngay cả các nhà buôn bán mặt tiền cũng mặc nhiên xem vỉa hè, lòng đường phía trước là của họ. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường...

Bạn đọc Ngày Mới dẫn chứng thực tế: Vỉa hè dù rộng bao nhiêu cũng sẽ bị lấn để xe, chưng bán hàng, trồng kiểng... Dù có vẽ vạch thì cũng lấn hết vạch phía trong và phía ngoài thì để xe. Thậm chí phải kê được cái bảng hiệu thò ra lòng đường họ mới chịu. "Biết khi nào lề đường và vỉa hè mới thông thoáng?", bạn đọc này đặt câu hỏi.

Nhiều bạn đọc đề nghị phải mạnh tay xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè. "Cơ quan chức năng quản lý địa bàn qua camera giám sát thay vì lâu lâu đi tuần tra. Cứ theo dõi camera thấy vi phạm là xuống xử lý ngay", bạn đọc Trần Đăng Hiến đề xuất. Cùng quan điểm, bạn đọc pha***@gmail.com cũng đề nghị lắp camera phạt nguội hoặc đi quay phim phạt nguội.

"Thiết nghĩ nên dẹp những quán chiếm hết vỉa hè. Chúng tôi, những người buôn bán đúng nơi quy định, đóng tiền mặt bằng, đóng tiền thuế đàng hoàng nhưng thất thế cạnh tranh so với kiểu hàng quán vỉa hè. Mình làm đúng nhưng không khỏi chạnh lòng khi đứng nhìn hàng quán vỉa hè", bạn đọc Summer bày tỏ.

Mong chờ xã phường mới siết quản lý vỉa hè

Một người bạn tôi có lần chở con đi khám bệnh, đứng ở vỉa hè trước cổng bệnh viện để chờ taxi, những người bán hàng tã, sữa... ở khu đó "mời" đứng qua chỗ khác. Anh đã chọn cách báo cáo trực tiếp với chính quyền địa phương.

Vài ngày sau, anh đi ngang qua khu đó thì không còn thấy cảnh lấn chiếm và xua đuổi khách chờ xe nữa. Anh là một công chức, có quen biết và không ngại trình báo sự việc. Những người khác thường nuốt cục ức, né chỗ khác rồi... thôi.

Ở nhiều điểm du lịch cũng phổ biến tình trạng người ta chiếm vỉa hè ở một số vị trí đẹp nhất để làm chỗ bán nước giải khát, ai gửi xe hoặc mua nước thì mới được dừng ở đó. Một kiểu thu tiền chỗ, ai không đồng ý đưa tiền thì bị chửi lớn tiếng. Ai không lời qua tiếng lại thì bỏ đi.

Tôi đã có hai lần bị đuổi khi đứng chờ xe ở trước cổng bến xe Miền Đông cũ, TP.HCM (đường Đinh Bộ Lĩnh). 5h sáng, người bán nước trước bãi giữ xe máy bày hàng ra với hai cái bàn nhựa và 4-5 cái ghế. Dù tôi đã đứng đó trước khi chị bày hàng, chị vẫn chặt mặt ngầu lớn tiếng: "Không mua gì thì đứng chỗ khác, mới sáng sớm mà không thấy đường à?".

Lần sau, chị không la mắng, chỉ liếc háy, kéo bàn ghế cố ý cho đổ vào chân tôi... Tôi tự hỏi: chị bán hàng ở đây có được phép không? (nếu có cũng văn minh, lịch sự chút khi bến xe đông người và người đứng chờ xe trên vỉa hè không có gì sai phạm).

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán đã tồn tại nhiều năm, nhiều nơi, người buôn bán họ không hề lén lút. Cơ quan chức năng địa phương chắc hẳn đều biết nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Cách tốt nhất, ở những đoạn đường buôn bán kiểu này nhiều nên gắn camera, cứ xem hình ảnh mà xử lý. Tôi hy vọng xã phường mới với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn lớn hơn sẽ giải quyết tốt hơn việc này.

Vỉa hè là dành cho người đi bộ, ai lấn chiếm phải xử tới nơi tới chốn. Việc buôn bán phải có nơi có chỗ, có thu thuế và có kiểm soát. Nơi nào vỉa hè có cho thuê để kinh doanh cần có thông báo rõ và nhất định phải có lối cho người đi bộ.

Bị xua đuổi trên vỉa hè, hãy trình báo - Ảnh 2.Xử phạt người bán trà đá đuổi cô gái khỏi vỉa hè vì 'đứng vào chỗ bán hàng'

Bà L.T.K. được xác định có hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, vi phạm trật tự công cộng. Căn cứ vào vi phạm này, Công an phường Từ Liêm đã ra quyết định xử phạt với số tiền 2,5 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên