Khoa nội hô hấp luôn trong tình trạng quá tải - Ảnh: Đoàn Cường |
Công trình chậm vì… bom mìn
Tại công trình Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng), đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Tuấn Sơn - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng - cho biết công trình có giá trị đầu tư hơn 236 tỉ đồng với quy mô 9 tầng. Đến nay thực hiện được khoảng 65%, dự kiến cuối tháng 10-2017 sẽ hoàn thành.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Sơn cho rằng do công trình thi công trên mặt bằng chật hẹp, nằm trong khu dân cư đông đúc nên việc tập kết vật liệu chỉ thực hiện được vào ban đêm.
Đặc biệt, khi thi công phần móng thì gặp phải bom mìn nên phải dừng lại để lực lượng quân sự xử lý mất 2 tuần rà phá.
Vì những khó khăn này nên đáng lý công trình được bàn giao vào cuối tháng 2 đầu tháng 3-2017 nhưng nay xin được điều chỉnh tiến độ thi công hoàn thành công trình vào 30-10.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đề nghị sớm thu hồi bàn giao khu đất 138 Hải Phòng để bàn giao mặt bằng phục vụ việc thi công.
Sau khi nghe ý kiến của chủ đầu tư, ông Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo các sở, ngành phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
“Chủ đầu tư hết sức lưu ý việc thi công phải đảm bảo chất lượng, thiết kế. Đặc biệt là đối với ngành y tế, tránh như ở khoa hồi sức cấp cứu mới bàn giao đã hư hỏng.
Hay như Bệnh viện Phụ sản - nhi xuống cấp nghiêm trọng quá. Hội đồng nhân dân cũng giám sát chặt chẽ công trình” - ông Xuân Anh yêu cầu.
Ông Xuân Anh cũng đề nghị thi công sớm hoàn thành để giảm tải các khoa, phòng cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Ông Xuân Anh thị sát tại khoa nội hô hấp (Bệnh viện Đà Nẵng) - Ảnh: Đoàn Cường |
Không thể bình chân như vại
Đến thị sát tại khoa nội hô hấp miễn dịch, ông Xuân Anh cho biết: “Trên Facebook người dân viết gửi cho tôi rằng bệnh hô hấp, lây nhiễm mà 2 người nằm 1 giường thì chỉ có chết”.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết hiện hầu hết các khoa phòng đều quá tải, có khoa phải dành nửa sảnh cho khu điều trị, còn khoa nội hô hấp dành nguyên một sảnh nhưng vẫn quá tải.
Bệnh viện có chỉ tiêu 1.250 giường nhưng thực kê đến 2.320 giường, cao điểm đến 2.456 bệnh nhân/ngày. Còn khu vực ngoại trú mỗi ngày có 1.800-2.000 bệnh nhân. Có ngày cao điểm tiếp nhận cả nội, ngoại trú đến gần 5.000 người.
Riêng với khoa nội hô hấp có 100 giường nhưng bệnh nhân có lúc ở mức 190 nên quá tải trầm trọng, không còn chỗ kê thêm. Tất cả các phòng thiết bị, y tá, điều dưỡng hiện cũng đang phải dồn dành cho người bệnh.
Về giải pháp, bác sĩ Thạnh cho biết một trong những biện pháp bệnh viện đang áp dụng là giảm thời gian điều trị cho người bệnh, trước đây 9 ngày nay còn 7,5 ngày. Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm tuyến dưới.
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Đà Nẵng mà các bệnh viện quận, huyện cũng gặp phải tình trạng này.
“Chúng ta đi không thế này cũng ngộp thở, nóng nực huống gì người bệnh. Bệnh viện Đà Nẵng phải ưu tiên cho khoa này, tránh để bệnh nặng lây qua bệnh nhẹ” - ông Xuân Anh chỉ đạo.
Ông Xuân Anh yêu cầu sớm hoàn thành công trình Trung tâm tim mạch để giảm tải cho Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường |
Ông Xuân Anh đề nghị ngành y tế nên thành lập các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng tại các quận, huyện, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, nâng cấp. Vừa giảm tải, tránh kẹt xe ở khu vực trung tâm.
“Tư nhân làm tốt để họ làm. Như sân bay Đà Nẵng tư nhân làm có mười mấy tháng, vốn mấy ngàn tỉ. Vì thế, ngành y tế cứ đề xuất xã hội hóa. Bệnh viện quá tải mà cứ bình chân như vại sao được” - ông Xuân Anh lưu ý.
Với lĩnh vực y tế là phải làm nhanh, vì thủ tục rất lâu, từ khi có chủ trương đến khi khởi công có khi cả năm trời, nếu kéo dài thì lại quá tải nhanh. Về lâu dài phải tính toán lại Bệnh viện Đà Nẵng, vì không có cảnh quan, khuôn viên.
Bệnh viện đâu chỉ chữa bệnh tật mà còn cả tinh thần, tâm lý người bệnh sao cho thoải mái. Cũng theo ông Xuân Anh: “Vào tháng 6 tới đây, vấn đề này phải đưa vào nghị quyết Hội đồng nhân dân để thông qua về mặt chủ trương thực hiện”.
Trước đó, ngày 9-3, trên trang Facebook Hà Phi Bằng đã có một bức “tâm thư” gửi ông Xuân Anh phản ánh việc quá tải tại khoa nội hô hấp miễn dịch. Bức “tâm thư” này ngay sau đó đã nhận được hàng ngàn lượt like và chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận