Thứ 3, ngày 5 tháng 7 năm 2022
Bí quyết của 'thợ săn' học bổng
TTO - Nhận được 6 học bổng cho chương trình thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình trao đổi ngắn hạn, TS Trần Ánh Dương được bạn bè gọi là 'thợ săn' học bổng.

TS Trần Ánh Dương gặp gỡ, thảo luận với các đối tác quốc tế - Ảnh: BÌNH MINH
Mới nhất là học bổng Fulbright danh giá của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2021; trước đó anh nhận học bổng của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) và hoàng tử Monaco cho chương trình tiến sĩ.
Các học bổng khác anh Dương đã được nhận cho chương trình thạc sĩ, trao đổi như SIDA, DAAD, APEC, TUM graduate school, Scholarship Program for ASEAN Countries. Hiện TS Trần Ánh Dương đang làm việc tại Viện Khoa học ứng dụng - Trường đại học Công nghệ (HUTECH) sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường đại học Kỹ thuật Munich (Đức).
Khát khao và nỗ lực
Theo TS Trần Ánh Dương, để săn được học bổng, điều đầu tiên bạn phải khát khao và mong muốn được đi học. Chinh phục học bổng không dành cho người thiếu tự tin và nản chí, bởi vì thời gian chuẩn bị và chờ đợi đến ngày đi là khá lâu, gần 1 năm (có những học bổng khoảng 4 - 6 tháng là có kết quả).
Ngoài thành tích bảng điểm cao, những lá thư giới thiệu của giáo sư thì bạn cần viết một lý lịch (CV) khoa học thực sự chuyên nghiệp và gây ấn tượng. Bên cạnh đó, bạn cũng viết một thư ngỏ (motivation letter) thể hiện quan điểm, động cơ và mục tiêu học tập của bạn. Qua đó người xét học bổng sẽ nhìn thấy ý chí, nỗ lực và niềm đam mê của bạn cũng như triển vọng trong tương lai mà bạn có thể cống hiến.
"Nhớ là hồ sơ phải được chuẩn bị cẩn thận và không được sai chính tả hoặc ngữ pháp tiếng Anh, vì họ nhận khá nhiều hồ sơ nên sẽ loại những hồ sơ có nhiều sai sót. Để viết hay được, bạn có thể tham khảo rất nhiều nguồn trên Internet, có rất nhiều bài viết hay" - TS Dương lưu ý.
Giai đoạn cuối cùng là phỏng vấn. Hãy nói những gì mình biết và đừng ngại ngần hỏi lại họ nếu cần; hãy thể hiện sự chân thành và cầu thị của mình, đừng e dè và sợ; hãy luôn có một phong thái cởi mở nhưng học hỏi, họ sẽ gọi điện hoặc mời bạn đến phỏng vấn lần tiếp theo và thư chúc mừng sẽ đến.
Ý nguyện cống hiến
Từ khi còn học đại học, anh Trần Ánh Dương đã thích các vấn đề thời sự nóng bỏng như biến đổi khí hậu toàn cầu, an ninh lương thực, ứng phó và phòng tránh thiên tai. Do vậy, với anh, việc chọn ngành tài nguyên nước để học là niềm ước mong làm một điều gì đó cho môi trường sống.
Anh bộc bạch: "Sau này tôi đi chuyên sâu hơn về biến đổi khí hậu liên quan đến tài nguyên nước. Tôi thấy Việt Nam là nước nông nghiệp, nguồn nước là yếu tố quan trọng cho phát triển nông nghiệp, trước khi đi học tôi đã từng làm cho ban quản lý dự án để xây dựng các công trình hồ đập, trạm bơm, hệ thống kênh mương và tưới tiêu. Tôi nghĩ sau này sẽ giúp đỡ một phần rất nhỏ cho quê hương mình trong mảng này".
Hiện nay TS Trần Ánh Dương đang tham gia cộng tác cùng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện các dự án về bảo vệ bờ biển từ Tiền Giang đến Cà Mau nhằm chống xói lở dưới tác động của thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, anh đang nghiên cứu dự án đề xuất các giải pháp công nghệ về trí tuệ nhân tạo về dự báo, cảnh báo ngập lụt tại TP.HCM do mưa và triều cường.
Những dự án này kết hợp với Viện Thủy lực Đan Mạch và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ chủ trì.
* PGS.TS Thái Văn Nam (phó viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng HUTECH): Năng lực nghiên cứu tốt
Trần Ánh Dương là tiến sĩ trẻ, năng nổ và nhiệt huyết với khoa học, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại bộ môn môi trường của Viện Khoa học ứng dụng HUTECH. Cá nhân tôi và các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh của trường đánh giá TS Dương là người có năng lực nghiên cứu tốt.
Trong một năm qua, TS Dương nói riêng và nhóm nghiên cứu của mình có hơn 10 bài báo quốc tế ISI đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Riêng TS Dương đã xuất bản được 6 bài. Hiện tại Dương đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến dự báo, mô hình hóa trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.
M.GIẢNG ghi
TS Trần Ánh Dương có thành tích đáng nể. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, mẹ là cô giáo, các anh chị đều tốt nghiệp đại học, riêng anh tốt nghiệp Đại học Thủy lợi. Anh từng là cán bộ quản lý dự án thủy lợi từ năm 2005 - 2010, sau đó làm việc tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ trước khi đi học thạc sĩ kỹ thuật ngành tài nguyên nước tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT) - Thái Lan và tiến sĩ tại Trường đại học Kỹ thuật Munich, Đức (TUM).
-
TTO - Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa thông qua; Đưa mai vàng, cá cảnh... lên sàn thương mại; Hỗ trợ 48.000 tỉ đồng theo gói phục hồi và phát triển; Đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng, Nam Bộ nhiều mây, mưa rào... là một số tin đáng chú ý.
-
TTO - Bực tức vì bị người dân nhắc nhở sau khi hái trộm dưa hấu, nhóm thanh niên quay lại chặt phá ruộng dưa của lão nông ở huyện Diễn Châu, Nghệ An.
-
TTO - Xả súng làm 30 người thương vong ở Mỹ; Thái Lan muốn trở thành điểm đến giá cả hợp lý; Có trẻ em đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hà Lan là các tin đáng chú ý.
-
TTO - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ ở Việt Nam trong hai ngày 5 và 6-7, theo Bộ Ngoại giao tối 4-7.
-
TTO - Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, nguyên giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa được Bộ trưởng Bộ Công an điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận