23/10/2021 06:33 GMT+7

Bị Mỹ siết 'vòng kim cô', Huawei gượng dậy ra mắt Nova 9 ở châu Âu

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Bị dồn vào thế khó vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, Huawei vẫn ra sức gượng dậy bằng cách ra mắt mẫu smartphone tầm trung Nova 9 ở nước ngoài, cụ thể là tại châu Âu, vào ngày 21-10.

Bị Mỹ siết vòng kim cô, Huawei gượng dậy ra mắt  Nova 9 ở châu Âu - Ảnh 1.

Nhân viên chụp ảnh với khách hàng đầu tiên, khi Huawei khai trương một trong những cửa hàng lớn nhất của họ ở châu Âu tại Vienna (Áo) vào hôm 20-10 - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đây là một diễn biến đáng chú ý, sau khi Huawei rơi khỏi tốp 5 hãng dẫn đầu thị trường smartphone vào quý 4 năm 2020. 

Tuy nhiên, đằng sau bước tiến trên của hãng công nghệ Trung Quốc là "các hoạt động ngầm" khiến các chính trị gia Mỹ có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh cảm thấy khó chịu.

Chi bộn tiền vận động hành lang

Ngày 22-10, Hãng tin Reuters dẫn các tài liệu do Quốc hội Mỹ công bố cho thấy các nhà cung ứng cho Huawei và nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC đã nhận được những giấy phép trị giá hàng tỉ USD từ tháng 11-2020 tới tháng 4-2021 để bán hàng hóa và công nghệ cho Huawei và SMIC.

Đây là một tiết lộ đáng chú ý, bởi vì Huawei nằm trong "Danh sách thực thể" của Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ trong hơn 2 năm qua. 

Việc bị đưa vào danh sách đen thương mại này đã hạn chế khả năng Huawei mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ của các nhà cung ứng Mỹ.

Theo các tài liệu Reuters tiếp cận được, có 113 giấy phép xuất khẩu trị giá 61 tỉ USD đã được cấp cho các nhà cung ứng cho Huawei, và con số tương ứng với SMIC là 188 giấy phép trị giá gần 42 tỉ USD.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích lý do các công ty trên vẫn tiếp tục nhận được "sự miễn trừ". 

"Đây chỉ là một ví dụ nữa cho thấy Tổng thống Biden không đánh giá nghiêm túc mối đe dọa kinh tế và an ninh do Bắc Kinh đặt ra" - ông Rubio nêu quan điểm.

Huawei đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 5-2019 vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này buộc các nhà cung cấp ở Mỹ và các nhà cung cấp khác phải xin giấy phép đặc biệt để cung cấp hàng hóa cho Huawei. SMIC cũng bị đưa vào danh sách này.

Trong diễn biến liên quan, truyền thông Mỹ cũng tiết lộ Huawei đã trả cho nhà vận động hành lang kỳ cựu của Đảng Dân chủ Tony Podesta 500.000 USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay để vận động Nhà Trắng về "các vấn đề liên quan đến dịch vụ viễn thông và các vấn đề thương mại bị ảnh hưởng".

Truyền thông Mỹ cho biết Huawei đã tìm cách thúc đẩy Tổng thống Joe Biden hủy bỏ lệnh cấm của chính quyền cựu Tổng thống Trump, vốn đã cấm Huawei làm ăn với các công ty Mỹ như Google, Qualcomm, Intel... 

Việc vận động hành lang của Huawei cũng tập trung vào vấn đề trả tự do cho giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Huawei đã chi bộn tiền để vận động hành lang tại Mỹ trong 3 năm qua. Theo kênh CNBC, hãng công nghệ Trung Quốc đã chi hơn 2 triệu USD cho vận động hành lang vào năm 2019, 470.000 USD vào năm 2020, và từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 1 triệu USD.

Sức ép đổ lên ông Biden

Theo trang The Hill, Huawei từng hy vọng rằng việc ông Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ giúp công ty này thở phào nhẹ nhõm. 

Tuy nhiên, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gây sức ép lên chính quyền ông Biden nhằm giữ Huawei trong danh sách đen thương mại của Washington.

Ông Alan Estevez, cựu quan chức Lầu Năm Góc được ông Biden đề cử làm Thứ trưởng Thương mại phụ trách công nghiệp và an ninh, nói rằng ông coi Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ. 

Ông cho biết nếu ông được xác nhận đề cử, ông sẽ giữ Huawei trong danh sách đen trừ phi "mọi thứ thay đổi".

"Tổng thống Biden và chính quyền của ông tin rằng thiết bị hạ tầng kỹ thuật số sản xuất bởi các nhà cung cấp không đáng tin cậy như Huawei tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Washington. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Huawei vẫn được duy trì" - một quan chức Nhà Trắng nói với kênh CNBC.

Với sự kiên quyết của nhiều quan chức Mỹ, câu hỏi đặt ra là việc vận động hành lang của Huawei có tác dụng hay không. 

Nếu Mỹ không tháo bỏ chiếc "vòng kim cô", công ty này sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, trong đó có việc tiếp cận chip. Khi đó, việc Huawei có thể trở lại "ngai vàng" trên thị trường smartphone như chủ tịch Huawei Quách Bình từng kỳ vọng không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Bị Mỹ siết vòng kim cô, Huawei gượng dậy ra mắt  Nova 9 ở châu Âu - Ảnh 2.

Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Khiếu nại Huawei đạo nhái, Apple bị bác đơn

Theo báo South China Morning Post (SCMP), văn phòng thương hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (CNIPA) hôm 21-10 bác bỏ các lập luận của Apple liên quan thương hiệu MatePod mà Huawei đã đăng ký cho dòng sản phẩm tai nghe và đứng về tập đoàn của Trung Quốc.

Trong đơn khiếu nại, Apple cho rằng Huawei đã sao chép ác ý hậu tố "Pod" khiến người dùng dễ nhầm lẫn với các sản phẩm nổi tiếng khác của nhà "táo khuyết" như iPod, EarPods, AirPods.

Tuy nhiên, CNIPA đã bác khiếu nại của Apple và cho biết hai sản phẩm của Apple và Huawei hướng tới nhóm người dùng giống nhau nhưng cách viết tiếng Anh, phát âm là khác nhau và hình thức sản phẩm cũng hoàn toàn khác biệt.

BẢO DUY

Huawei chi bộn tiền để vận động hành lang ở Mỹ Huawei chi bộn tiền để vận động hành lang ở Mỹ

TTO - Ngày 21-10, kênh CNBC đưa tin Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ, đã trả cho nhà vận động hành lang kỳ cựu Tony Podesta 500.000 USD để vận động Nhà Trắng trong quý 3.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên