Băng nhóm liên quan vụ “khủng bố” phở Hòa - Ảnh: Công an cung cấp
Đề nghị này được đại diện PC02 nêu trong cuộc họp báo ngày 5-8, liên quan vụ quán phở Hòa (phường 8, quận 3) liên tục bị "khủng bố" thời gian qua.
"Khủng bố" để đòi nợ
Theo PC02, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tạm giữ Phạm Phong Phú (Phú "môtô", 48 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Khương Đình Đồng (28 tuổi, ngụ Thanh Hóa, tạm trú quận Bình Tân), Phạm Thành Đô (41 tuổi, ngụ quận Bình Tân), Nguyễn Xuân Tùng (28 tuổi, ngụ Hải Phòng, tạm trú quận Tân Bình), Lê Văn Công (27 tuổi, ngụ Thanh Hóa, tạm trú quận Tân Bình).
Trong quá trình bắt giữ, PC02 xác định nhiều đối tượng trong nhóm nghiện ma túy và có tiền án tiền sự. Ngoài ra, PC02 còn tạm giữ Kiều Hồng Sơn, Lương Văn Phúc (ngụ tỉnh Đồng Nai). Bước đầu xác định cả hai dương tính ma túy nên bàn giao cho địa phương, tiếp tục làm rõ có liên quan đến vụ "khủng bố" quán phở hay không.
Trước đó, gia đình ông Phạm Tùng Linh (51 tuổi, chủ quán phở Hòa) tố cáo trong tháng 7-2019, quán phở nhiều lần bị nhóm người tạt sơn, mắm tôm gây hư hại tài sản, ảnh hưởng đến kinh doanh. Nguyên nhân do nhóm người này làm ăn chung, phát sinh nợ nần với em rể ông Linh là Trần Anh Tuấn (còn gọi Phương, 43 tuổi).
Tuy nhiên ông Tuấn không trả tiền và mất liên lạc. Nhóm người này yêu cầu gia đình ông Linh đứng ra trả nợ thay, nếu không nghe theo thì quán phở "không yên ổn làm ăn". Do liên tục bị đe dọa, "khủng bố", quán phở buộc phải tạm đóng cửa.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC02 tiến hành bắt giữ 7 người liên quan và xác định Phú giữ vai trò cầm đầu. Theo đó, Tuấn có hùn hạp với Phú buôn bán điện thoại, ôtô, bất động sản và vay tiền Phú. Trong quá trình làm ăn đã xảy ra nợ nần, Tuấn không còn khả năng chi trả. Phú nhiều lần đứng ra trả nợ thay cho Tuấn và hai bên có hẹn đầu tháng 7 Tuấn phải trả nợ nhưng Tuấn bỏ trốn.
Sau đó, Phú chỉ đạo "đàn em" Đồng, Đô, Tùng, Công tạt sơn, mắm tôm nhà ông Tuấn nhưng không hiệu quả. Phú chuyển sang chỉ đạo đàn em đến quán phở Hòa tạt sơn, mắm tôm, bỏ gián vào tô phở làm mất uy tín, gây áp lực buộc gia đình phải trả nợ thay cho Tuấn.
Tang vật thu giữ gồm nước sơn, bình xịt hơi cay, kiếm, phương tiện, quần áo để đi tạt sơn, mắm tôm, còng, áo giáp... Mở rộng vụ án, bước đầu PC02 thu giữ một số giấy tờ, phương tiện liên quan đến hành vi lừa đảo, làm giả giấy tờ. Bước đầu PC02 đã mời ông Trần Anh Tuấn làm việc do có dấu hiệu liên quan làm giả giấy tờ, lừa đảo trong thời gian kinh doanh.
Phở Hòa, Q.3, TP.HCM hoạt động trở lại từ ngày 3-8 sau khi bị ném chất bẩn và bị tạt sơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đánh mạnh vào băng nhóm đòi nợ thuê
Lãnh đạo PC02 cho biết trong vụ "khủng bố" quán phở để đòi nợ, có sự tham gia của một công ty thu hồi nợ nhưng bước đầu cơ quan công an nhận định những người "khủng bố" bị tạm giữ không thuộc công ty đòi nợ này.
PC02 kêu gọi nạn nhân bị các đối tượng tạt sơn, mắm tôm khi vào ăn tại quán phở Hòa liên hệ hợp tác điều tra. Đồng thời đề nghị những đối tượng có liên quan đến băng nhóm trên ra trình diện để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Theo lãnh đạo PC02, việc khám phá nhanh vụ án là nhờ làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản. Thời gian tới sẽ tập trung các biện pháp nghiệp vụ để đánh mạnh vào các băng, ổ nhóm hoạt động đòi nợ thuê.
Đặc biệt là các công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ có biểu hiện "khủng bố", đe dọa nạn nhân, ném sơn, chất bẩn với mục đích yêu cầu đưa tiền trái ý muốn và có biểu hiện cưỡng đoạt tài sản. PC02 mong người dân nếu có bị "khủng bố" tương tự phở Hòa, đừng xóa dấu vết, phải giữ nguyên hiện trường, mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng xử lý.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):
Xử không nghiêm, còn "khủng bố"
Thực tiễn cho thấy thời gian qua có nhiều đối tượng ném chất bẩn như sơn, mắm tôm, chất thải... vào nhà dân nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Cách xử lý này không đủ sức răn đe các đối tượng khiến sự việc vẫn tiếp diễn.
Lý do, hiện nay chưa có nhiều chế độ hỗ trợ công an khu vực trong những vụ việc tương tự. Sự hỗ trợ ở đây là thu nhập, là cơ chế bảo vệ sự an toàn cho công an khu vực. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận cán bộ nhận thức máy móc rằng không có đâm chém, không có tổn hại sức khỏe nặng nề... nên không xử lý hình sự.
Tùy thuộc hành vi ném chất bẩn ở mức độ nào sẽ bị xử lý về tội danh khác nhau, cụ thể: trong trường hợp có dấu hiệu đe dọa giết người thì sẽ truy tố theo điều 133 Bộ luật hình sự về tội đe dọa giết người.
Trường hợp có dấu hiệu uy hiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản. Trường hợp có hành vi xua đuổi người khác ra khỏi nơi cư ngụ sẽ bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Nếu ném chất bẩn gây hư hỏng tài sản thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
TÂM LỤA ghi
Công an mạnh tay, ai dám lộng hành?
Một nạn nhân của nhóm “khủng bố” chất bẩn ở phường Tân Định, quận 1, TP.HCM - Ảnh: M.H.
Thời gian qua nhiều gia đình sống trong sợ hãi khi chịu cảnh nhiều lần bị kẻ lạ tạt sơn đỏ, mắm tôm, chất bẩn. Như trường hợp của chị N.T.T.N. (23 tuổi) có nhà trong hẻm số 4 Trần Khắc Chân (P.Tân Định, Q.1) nhiều lần bị kẻ lạ tạt sơn lúc 2-3h khuya mà báo Tuổi Trẻ phản ánh.
Chị N. cho biết nhà chị không ai thiếu nợ hay thù oán với bất kỳ ai mà các đối tượng liên tục ném chất bẩn vào nhà chị. Đặc biệt, các đối tượng này chọn những giờ gia đình đang ngủ say để "hành động" và không rõ với mục đích gì.
"Cho dù với mục đích gì đi chăng nữa, các đối tượng ngang nhiên, lộng hành liên tục tấn công chất bẩn vào nhà khiến các thành viên trong gia đình luôn sống trong lo sợ. Mỗi lần bị ném chất bẩn, tôi đều báo công an nhưng vẫn bị khủng bố nên gia đình rất bất an" - chị N. chia sẻ.
"Tôi mong muốn công an khi tiếp nhận thông tin phản ảnh cần tìm hiểu, tìm ra các đối tượng này để làm rõ nguyên nhân. Cũng cần có số điện thoại để người dân phản ảnh và ứng cứu kịp thời. Cũng có thể lắp camera để ghi lại vụ việc làm cơ sở truy tìm kẻ xấu. Cuối cùng, cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay hơn những kẻ có hành vi xem thường pháp luật để răn đe những kẻ khác có ý định tương tự" - chị N. bày tỏ.
Một trường hợp tương tự, gia đình bà K.H. (ngụ quận 3) cũng phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ về trường hợp bị kẻ lạ tạt sơn đỏ vào nhà. "Khi bị khủng bố, có báo và công an đến ghi nhận, lấy lời khai xong rồi về. Đến nay vẫn chưa có kết quả. Hai vợ chồng tôi lớn tuổi, không biết phải làm gì khi bị "tấn công". Tôi mong muốn công an phải làm ráo riết hơn, mạnh tay hơn để trả lại sự an lành cho cuộc sống người dân", bà H. chia sẻ.
MINH HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận