Để tạo niềm tin, H. gửi thêm đoạn clip quay hình củ sâm và khẳng định như đinh đóng cột là sâm tự nhiên với giá 37,5 triệu đồng.
Những ngày "dạo" trên những chợ rao bán sâm Ngọc Linh, chúng tôi cũng hoa mắt với đủ lời chào mời và những "chiêu" bán hàng thật - giả lẫn lộn của giới buôn sâm.
Lạc giữa "rừng" sâm online
Cụ thể, tài khoản H. đăng bán "siêu phẩm sâm Ngọc Linh có một không hai, dáng rồng bay, nặng 130g vừa xuống núi, đếm vội được 30 mắt. Bao kiểm định chuẩn sâm Ngọc Linh mọi viện". Khi chúng tôi nhắn hỏi "sâm trồng hay tự nhiên", H. nói đã bán rồi.
Sau đó, H. giới thiệu tiếp "củ sâm Ngọc Linh rừng đẹp, siêu già, 300g. Bao kiểm định chuẩn sâm từng cọng rễ. Giá 30,3 triệu đồng". Nam thanh niên cho biết sâm này "bao kiểm định" (gửi mẫu cho đơn vị kiểm định, xác định hợp chất đặc trưng của sâm) nhưng "chưa có giấy", muốn có thì người mua cọc 5 triệu đồng rồi H. sẽ đem kiểm định với mức phí 2 triệu đồng. Thấy chúng tôi băn khoăn nguồn gốc sâm, H. nhắn tiếp: "Khách buôn thì cần giấy kiểm định, khách lấy về dùng không có cũng được". Anh ta chốt hạ: "Sâm nào cũng là sâm, chất dinh dưỡng nó cũng vậy không khác gì".
Rồi H. tiếp tục gửi ảnh một thanh niên cầm sâm và khẳng định: "Đây là sâm trồng, còn sâm bên em là tự nhiên". Thấy ảnh sâm trồng H. gửi trùng với ảnh giới thiệu sâm tự nhiên của tài khoản H.H., chúng tôi liên hệ hỏi cho rõ. H.H. khẳng định đây là sâm Ngọc Linh vùi già "siêu khủng, giá siêu mềm, 530g" và giới thiệu một "cụ" sâm khác nặng 670g với giá... 8 triệu đồng; cặp sâm Ngọc Linh 1,05kg "bị gãy do vận chuyển" nên giá giảm còn 6 triệu đồng, không cần đặt cọc. Khi chúng tôi thắc mắc giá rẻ hơn nhiều so với những nơi khác, tài khoản H.H. cho biết do... lấy tại nguồn.
Không biết đâu mà lần
Dạo một vòng trên mạng xã hội, có hàng chục hội nhóm rao bán sâm Ngọc Linh xôm tụ ngày đêm. Điểm lại, cùng một nội dung và hình ảnh những củ sâm này nhưng có khoảng 6-7 tài khoản khác nhau đăng tải như "cò" nhà đất, nếu mua sẽ gửi máy bay "tối gửi sáng đến" hoặc xe khách. Khi có người hỏi, họ sẽ chào mời cùng một thông tin. Việc mua bán thường chốt hạ bằng cách gọi video để khách xem hàng. Khi chúng tôi mong muốn có đầu mối tại TP.HCM để xem trực tiếp, những nick này cho biết sâm vừa lấy về là không kịp bán, có đâu mà xem trực tiếp.
Điểm chung của những "nhà buôn" này là thường diễn tả lòng vòng để tránh sự chú ý về nguồn gốc sâm. Với những củ được giới thiệu sâm Ngọc Linh tự nhiên, chúng tôi hỏi lại nhiều lần thì có tài khoản khẳng định, nhưng có tài khoản lại cho biết là sâm vùng khác, sâm trồng.
Theo giới am hiểu, sâm Ngọc Linh thật có hai dạng: sâm trồng đại trà và sâm tự nhiên được khai thác tại "thánh địa" núi Ngọc Linh (Kon Tum, Quảng Nam). Sâm trồng trên 6-7 năm là có thể khai thác, giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng/kg tùy kích cỡ, độ nguyên vẹn, hình dáng... Còn sâm tự nhiên cực hiếm vì được săn tìm từ nhiều năm qua. Sâm được định giá chủ yếu dựa vào kích cỡ, năm tuổi, hình dáng... Chẳng hạn, loại tự nhiên 3-4 củ/kg và cỡ 20 - 30 năm tuổi hiện nay rất hiếm và có giá khoảng từ nửa tỉ đồng, kích cỡ khoảng 10 củ/kg có giá thấp hơn...
Sâm quý biến thành... củ tam thất
Nhiều người vì tin lời quảng cáo ngọt ngào trên mạng đã dính phải sâm dỏm. Anh Nguyễn Hữu Khôi (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể sau đợt dịch, sức khỏe anh suy kiệt. Nghe công dụng sâm Ngọc Linh, anh lên mạng tìm mua tẩm bổ. Dạo một "rừng" lời rao, cuối cùng anh "ẵm" hai củ gần 1,2kg với giá 180 triệu đồng về. Người bán khẳng định sâm Ngọc Linh tự nhiên với tuổi đời nửa thế kỷ.
"Một bữa có ông bạn rành về sâm Ngọc Linh ghé chơi. Ổng soi tới lui rồi cắt lát nhỏ nhăm nhăm trong miệng. Xong ổng phán củ tam thất! Chắc ăn hơn, ổng gọi một người bạn trong giới sưu tầm đến "kiểm định" lần nữa. Kết quả y vậy. Ông bạn nói nếu đúng sâm tự nhiên thì hai củ này không dưới 1 tỉ đồng. Tôi gọi cho người bán thì không liên lạc được...", anh kể câu chuyện sâm quý mà đắng nghét của mình.
Không riêng gì mua nhầm tam thất, việc mua sâm Ngọc Linh tự nhiên nhưng nhầm sâm trồng cũng là "niềm đau chôn giấu" của không ít người. Ông Chương, người có thâm niên săn sâm quý ở TP.HCM, lưu ý sâm trồng có giá rẻ hơn sâm tự nhiên nhiều lần. Mua hàng trôi nổi mà muốn mua đúng sâm Ngọc Linh rất khó. "Vì hàng bây giờ rất hiếm, giá rất cao, có được củ nào là dành cho khách quen chứ đâu dư dả mà ra thị trường", ông nói.
Đặc biệt, ngay cả người có tên tuổi trong giới mua bán, sưu tầm sâm Ngọc Linh cũng bị mua lầm hoặc hét giá. Có lần anh Cường (ngụ quận Tân Phú) được chào mời 1kg sâm 95 triệu đồng, giới thiệu là sâm tự nhiên 20 năm tuổi. Anh định "chốt" mua, nhưng kịp hỏi lại một "chuyên gia" săn sâm. "Người này cho biết với kích cỡ nhỏ xíu và hình dạng như trong nick Zalo đó cung cấp, chỉ là sâm trồng 5-6 năm và giá chừng 9 - 10 triệu đồng", anh nói.
Một "chuyên gia" săn sâm còn tiết lộ hiện nay sâm tự nhiên mua tươi nếu không có mối quen là "không bao giờ có", thường là hàng được "giăm lại", bón thuốc. "Tuy những củ này hình thù như sâm tự nhiên nhưng có thể phân biệt được. Sâm tự nhiên phần rễ sẽ thâm đen, đanh chắc. Còn sâm được kích thuốc thì rễ trắng, không chắc bằng", vị này nói.
Phân biệt "quốc bảo" sâm Ngọc Linh
Theo ông Nguyễn Tấn Việt, nhà sáng lập Bảo tàng sâm Ngọc Linh (TP.HCM), về cảm quan, có thể phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất dựa trên một số đặc điểm hình dáng, màu, mùi vị... Cụ thể, củ sâm Ngọc Linh có các đốt mọc so le, còn củ tam thất thì các đốt thường mọc thẳng hàng, ít so le nhau. Đốt củ sâm sâu, các bước đốt rõ ràng hơn. Bước đốt của củ tam thất thường cạn hơn, đôi khi chồng lên nhau. Một số loại tam thất có màu da giống sâm nhưng nhìn kỹ da của củ sâm mượt mà, da tam thất đôi khi nhợt nhạt. Tam thất khi cắn thử có vị đắng, chát, khé cổ, có loại cắn vào bị rát cổ, còn vị của sâm "tiền khổ hậu cam" - đắng rồi ngọt dần, lưu luyến ở cổ. Mùi sâm thơm phớt nhẹ nhàng, có mùi thơm đặc trưng.
Còn với sâm Ngọc Linh rừng và sâm trồng, thông thường sâm trồng được khai thác sau 5-6 năm nên số đốt trên thân củ từ 5-6 đốt. Sâm rừng nhiều đốt, nhiều u sần hơn. Màu da sâm trồng thường vàng phớt, hình dáng củ mập mạp, nhiều rễ. Da sâm rừng đậm hơn, có khi ngả màu xám nâu. Theo ông Việt, người mua nên đến các trung tâm kiểm định để xác định rõ ràng đối với những củ sâm kích cỡ lớn.
Còn theo dược sĩ Đào Kim Long, trưởng đoàn cán bộ đầu tiên tìm ra cây sâm Ngọc Linh tại vùng núi Ngọc Linh trên địa bàn Kon Tum - Quảng Nam, trước tình trạng sâm không rõ nguồn gốc nhưng được rao bán là sâm Ngọc Linh từ vùng núi Ngọc Linh, việc yêu cầu kết quả kiểm định khi mua là cần thiết. Hiện nay, Việt Nam có các đơn vị nhận kiểm định như Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận