Bà lão Millo Yaza với chiếc mũi kỳ dị đang uống rượu được ủ từ lúa rẫy - Ảnh: TRẦN MAI |
Chúng tôi không giống bất kỳ một bộ tộc nào. Người (phụ nữ) Apatani là số 1 |
Bà TIGAL, 80 tuổi |
Để có được những “nét đẹp” hoàn hảo ấy, những phụ nữ như bà Mi Llo Yanya hay Mi Hin Yapyang đã phải trải qua một quá trình đớn đau về thể xác.
Sau đau đớn là hạnh phúc
Khi nghe có tiếng gọi đúng tên mình, cả hai phụ nữ già nua ngừng tay không nhổ cỏ nữa, bà Yanya kéo tay người bạn cùng trang lứa là Yapyang tiến lên bờ ruộng.
Sau một hồi lắc đầu như không muốn nhắc đến những chuyện xưa cũ, cuối cùng bà Yanya cũng ngồi bệt xuống đất bắt đầu kể về hành trình làm nên chiếc mũi mà theo người làng Mudan Tage là “đẹp nhất vùng”.
Không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi, nhưng bà Yanya vẫn khẳng định chắc chắn rằng năm lên 8 tuổi, bà được gia đình tổ chức một nghi thức trang trọng: khoét mũi.
Kèm theo đó là một bữa tiệc với đầy đủ những món ăn truyền thống của người Apatani gồm rượu ủ bằng lúa rẫy, thịt heo hun khói gác bếp, măng rừng nướng và thịt gà nấu bằng ống tre.
Thầy phù thủy xuất hiện trong nghi lễ ấy, ông bắt đầu cúng tế thần linh và đưa cô bé Yanya ra giữa buổi lễ trước khi giao trả cho người mẹ để tự tay khoét mũi con mình.
“Khi ấy tôi chỉ biết đó là nghi thức mà bất kỳ đứa trẻ nào ở tuổi chúng tôi đều phải thực hiện. Chúng tôi đã lớn và biết là cần phải làm vậy” - bà Yanya nói.
Khung cảnh thơ mộng của thung lũng Ziro càng thêm thân thuộc khi vài cô bé có độ tuổi như bà ngày xưa đi qua nở nụ cười chào.
Bà Yapyang hiền từ cười đáp lại. “Cứ hình dung ngày đó chúng tôi có khuôn mặt y chang bọn trẻ bây giờ, trắng trẻo, không có lấy vết sẹo nào trên mặt.
Thế rồi mẹ chúng tôi dùng một thanh tre nhọn để khoét mũi chúng tôi. Tôi đã khóc rất nhiều vì đau, nhưng mẹ tôi khuyên đó là việc phải làm của phụ nữ Apatani, cho nên tôi phải để bà tiếp tục khoét mũi cho đến khi hoàn tất” - bà Yapyang nói.
Nhìn vào chiếc mũi to bè của hai bà lão cũng phần nào thấu hiểu được sự đau đớn của họ. Bà Yanya bảo bà không may mắn như người bạn của mình bởi sau một thời gian khoét mũi, mảnh tre nhỏ bằng hạt đậu dùng để gắn lên mũi (vào chỗ khoét) đã gây nhiễm trùng.
“Tôi đã có những trận sốt li bì kéo dài cả nửa tháng trời. Thậm chí khóe mũi của tôi cũng bị rách đi sau khi trải qua đợt nhiễm trùng nặng” - bà Yanya nhớ lại.
Và rồi cứ mỗi mùa lúa trôi qua, những thiếu nữ vùng Apatani lại được mẹ của mình thay cho một miếng tre lớn hơn vào chỗ bị khoét, khiến chiếc mũi xinh đẹp dần biến dạng.
Mãi đến khi miếng tre trên mũi to bằng ngón tay cái thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây để tồn tại cho đến cuối đời.
Cứ mỗi lần vào bếp, phụ nữ Apatani phải đưa tay quẹt nhọ nồi rồi thoa đều lên thớ gỗ mây để nó trở nên bóng nhẵn nổi bật trên chiếc mũi to bè.
Nhưng thiếu nữ Apatani không chỉ bị khoét mũi, họ còn phải tiếp tục trải qua thời khắc đau đớn khác là xăm mặt với 4-5 đường xăm dài từ trán xuống tận cằm.
Thuốc xăm được làm bằng cây rừng và dụng cụ xăm là một cây kim sắt được thợ rèn trong làng luyện nên. Bà Yanya bảo rằng “Khi trải qua hết những đau đớn ấy, chúng tôi mới thật sự hạnh phúc bởi chiếc mũi và hình xăm trên khuôn mặt mình”.
Một nhóm ba người phụ nữ Apatani thích thú khi thấy hình của mình được ghi lại trong máy ảnh của du khách - Ảnh: TRẦN MAI |
Không muốn mình giống người khác
Trong căn nhà ấm cúng của mình, Hage Ko Mo cùng vợ tất bật lo bữa ăn đãi khách. Theo lời Ko Mo, người Apatani có tục cứ hễ nhà có khách thì nhất định phải lấy thịt khô treo giàn bếp xuống thết đãi.
“Đây là thố thịt mà gia đình chúng tôi đã kỳ công cất giữ suốt 30 năm đấy. Nó chỉ được đem xuống khi làng có lễ hội và khách quý từ phương xa đến mà thôi” - vợ Ko Mo nói.
Và dẫu mới 35 tuổi nhưng với người Apatani, Hage Ko Mo được xem là “nhà văn hóa”, bởi đơn giản Ko Mo đã có trong tay rất nhiều bài hát viết về dân tộc mình.
Ngồi trầm ngâm bên ly rượu, “nhà văn hóa” Ko Mo bắt đầu hát những bài hát ca ngợi về bộ tộc Apatani với những lời điệu du dương, trầm bổng như thể anh đang thả hồn lang thang trên những thảo nguyên bao la xưa cổ của bộ tộc mình.
“Anh có biết vì sao người Apatani chúng tôi phải xăm mặt, khoét mũi không?” - Ko Mo bất chợt ngưng hát và hỏi. Rồi anh trả lời: “Chúng tôi không muốn mình giống với người Tây Tạng hay Trung Quốc. Đơn giản là vậy”.
“Vậy còn những cuộc chiến tranh giành phụ nữ?”, nghe hỏi, Ko Mo cho rằng đó cũng là một cách lý giải khác của người Apatani xưa cổ mà đến bây giờ chưa có sử sách nào ghi lại. Tất cả chỉ lưu truyền qua lời kể mà thôi.
Theo lời Ko Mo, ban đầu người Apatani xưa cổ vì quá mệt mỏi với những cuộc chiến tranh giành phụ nữ nên họ đành phải ngụy trang bằng cách tự làm xấu mình. Nhưng rồi chính sự xấu xí ấy lại tạo nên một bản sắc riêng biệt không một tộc người nào ở vùng Himalaya có được.
Dần dần nó trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Người Apatani từ đó thấy mình “đẹp hơn những bộ tộc khác” vì khoét mũi và xăm mặt.
Thậm chí cũng vì người Apatani không muốn mình giống người Tây Tạng hay Trung Quốc nên họ bắt phụ nữ của mình phải khác với người Trung Quốc hay Tây Tạng. Với quy chuẩn của họ, những phụ nữ có bộ ngực đẹp là những người phụ nữ xấu xí.
>> Kỳ 1: Đường đến thung lũng Ziro
>> Kỳ 2: Chiến tranh vì phụ nữ
Theo thống kê, hiện ở thung lũng Ziro còn khoảng 1.000 phụ nữ Apatani đang theo tục xăm mặt, khoét mũi. “Đây sẽ là những phụ nữ cuối cùng sở hữu những chiếc mũi kỳ dị trên thế giới” - “nhà văn hóa” Ko Mo xác nhận. |
_________
Kỳ tới: Những phụ nữ thời đại mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận