02/04/2006 00:28 GMT+7

Bí ẩn những cô gái cổ dài: Huyền thoại những chiếc vòng "kim cô"

VŨ BÌNH  - DUY BÌNH
VŨ BÌNH  - DUY BÌNH

TT - Ngay đêm đầu tiên sống trong “vương quốc cổ dài”, chúng tôi may mắn chứng kiến nghi lễ quan trọng nhất của người Kayan: lễ đeo vòng cổ cho các bé gái vừa tròn 5 tuổi và lễ thay vòng cho các thiếu nữ bước vào tuổi trưởng thành.

f3ksYhQD.jpgPhóng to
Những chiếc vòng đang được đeo vào cổ các cô gái Kayan
TT - Ngay đêm đầu tiên sống trong “vương quốc cổ dài”, chúng tôi may mắn chứng kiến nghi lễ quan trọng nhất của người Kayan: lễ đeo vòng cổ cho các bé gái vừa tròn 5 tuổi và lễ thay vòng cho các thiếu nữ bước vào tuổi trưởng thành.

Vào xứ sở "bóng hồng cao cổ"

Đêm định mệnh

Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi được mời ra chỗ bốn cây cột thiêng ở trung tâm làng Karen. Ánh trăng rừng đã bắt đầu nhô cao lên đỉnh núi, hàng trăm người tụ tập trước “khu đất thánh” để chuẩn bị cho lễ hội. Những thanh củi to được thanh niên trong làng khuân chất thành từng đống, nhóm lửa sáng rực cả một vùng.

Những chum rượu nấu bằng lúa mạch được phụ nữ và nam giới chuyền tay nhau chiếc cần cùng uống. Tiếng cười nói, chúc mừng cho các gia đình có con gái đến tuổi đeo vòng huyên náo cả núi rừng. Những phụ nữ Kayan với chiếc vòng đồng đeo cổ sáng lóa dưới ánh trăng và ánh lửa bập bùng khiến chúng tôi nhìn đâu cũng không thấy người mà chỉ là những cái cổ dài di động.

Đối với người Kayan, phụ nữ là người quan trọng trong gia đình nên theo thứ tự, cánh đàn ông như chúng tôi được xếp ngồi phía ngoài cùng theo hình vòng tròn. Các vòng kế tiếp được dành cho các bà, các chị phụ nữ theo lứa tuổi. Khu vực trung tâm dành cho những phụ nữ lớn tuổi nhất của làng - những người được vinh dự cầm những chiếc vòng đồng đeo vào cổ cô gái Kayan trong buổi lễ.

Nhạc guitar thùng trỗi lên, các phụ nữ Kayan từ già đến trẻ đồng loạt cất giọng hát một bài dân ca Kayan:

“Ôi đêm trăng huyền thoại, đêm trăng bí ẩnNhững chiếc vòng cổ này sẽ giúp em đẹp thêmNhững chiếc vòng sẽ giúp em vượt qua mọi trở ngạiLàm một người đàn bà tốt của làng, làm người vợ tốt của anh”.

Lửa bùng lên khắp nơi sáng rực cả vùng. Trước bốn cây cột thiêng tượng trưng cho bốn trụ chống trời giúp dân làng Kayan sinh sôi và phát triển, hai con trâu và hai con bò vừa bị giết được một nhóm thanh niên khuân ra cùng với những chum rượu cần to tướng để ngay dưới gốc cột. Bà Mabi - nữ già làng - đứng dậy rầm rì đọc lời khấn nguyện, chúc cho các bé gái được đeo vòng và những thiếu nữ đổi vòng được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống.

Sau lời khấn nguyện, bà Mabi cất cao giọng vang rền: “Cách nay hơn ngàn năm, chỉ có những phụ nữ sinh vào ngày thứ tư, lúc trăng tròn mới được quyền đeo vòng cổ. Những chiếc vòng cổ và cổ dài là tượng trưng cho sự danh giá, quí phái của người phụ nữ. Nếu các cô gái từ chối sẽ bị trục xuất ra khỏi làng và sống trong nỗi nhục nhã, cô đơn cho đến khi từ giã cõi đời.

Khoảng 800 năm trở lại đây, ông trời cho phép tất cả phụ nữ Kayan đều được phép đeo vòng để có được cái cổ dài như nhau, số vòng cổ càng nhiều chứng tỏ là những cô gái xinh đẹp, giàu có. Chiếc vòng cổ còn giúp các con giống với tổ tiên chúng ta là những vị thần rồng oai dũng. Hãy quì xuống trước cột thiêng để nhận được vinh dự đeo những chiếc vòng thiêng liêng vào cổ của mình”.

Sáu cô bé 5 tuổi được mẹ dẫn lên cùng 18 thiếu nữ đến tuổi thay vòng đồng loạt bước lên quì trước cột thiêng. Lễ đeo vòng bắt đầu. Những vòng đồng được bọc kín trong các tấm khăn thổ cẩm để trên bàn tế trời đất được bà Mabi mở ra. Những chuỗi vòng đầu tiên nặng 0,5kg được các nữ già làng đeo vào cổ cho các bé gái vừa tròn 5 tuổi.

Mới đeo vòng lần đầu, các bé cảm thấy vướng víu nên khóc sướt mướt, tay vân vê những chiếc vòng cứ đòi tháo chúng ra. Đây là chuỗi vòng đầu tiên gắn với cuộc đời các cô gái Kayan. Khi 8 tuổi, các bé sẽ phải đeo thêm chuỗi vòng thứ hai nặng 1kg và đến năm 12 tuổi sẽ được đeo chuỗi vòng thứ ba nặng 1,5kg...

Và cứ vậy bốn năm một lần, các cô sẽ được bổ sung số vòng cho đến khi nào cảm thấy cổ không còn dài thêm hơn được nữa. Việc thêm vòng sẽ chấm dứt khi người phụ nữ đến 45 tuổi. Và những chiếc vòng ấy sẽ theo họ đến khi từ giã cõi đời.

Bí mật ở “vùng đất thiêng”

Trong các lễ thay vòng bốn năm một lần này, lễ thay vòng vào tuổi trưởng thành là quan trọng nhất. Buổi lễ đánh giá sự trưởng thành, khả năng đeo vòng của các cô gái để cho phép các cô được “quyền” có người yêu và lấy chồng. Những chiếc vòng cũ được những người phụ nữ lớn tuổi tháo ra và chuyền tay nhau kiểm tra độ bền của nó rồi gắn lại vào cổ cho các cô sau khi bổ sung những chiếc vòng mới.

Lw9QcE2T.jpgPhóng to

Người mẹ với con gái vừa được đeo vòng lần đầu tiên trong đời - Ảnh: V.B.

Mati - hoa hậu xứ cổ dài - cũng thuộc số các thiếu nữ được thay vòng đợt này vì năm nay Mati vừa tròn 20 tuổi. Tranh thủ lúc mọi người đang rì rầm khấn nguyện, chúng tôi lẻn bước lên gần phía trên để nhìn Mati rõ hơn. Không đeo vòng trông Mati xinh xắn, dễ thương hơn nhiều. Cổ của cô không dài như khi đeo vòng. Có lẽ do đeo vòng lâu năm, xương cổ bị kéo xuống nên khi đeo vòng có cảm giác dài hơn nhiều so với những người bình thường. Trông thấy tôi nhìn mình, Mati thẹn thùng cúi mặt.

Lễ đeo vòng chấm dứt. Lửa gần tàn. Các thiếu nữ Kayan rủ nhau ra con suối Kaka phía sau bản tắm dưới trăng. Cánh đàn ông và những phụ nữ lớn tuổi ngồi chụm lại uống rượu cần, ăn thịt trâu, bò nướng. Bà Mabi tự hào nói với chúng tôi rằng năm nay bà 80 tuổi song đã có gần 50 năm được dân làng giao phó việc đeo và thay vòng cổ cho tất cả phụ nữ trong bản.

Mọi người tin tưởng vì bà có đôi tay khéo léo và đem lại điều may mắn khi đeo vòng cho các cô gái. Trên cổ bà Mabi đeo 24 chiếc vòng, nặng gần 14kg, hai chân cũng đeo 16 cái vòng, nặng gần 6kg.

Nhưng Mabi bảo bà không cảm thấy trở ngại gì trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Năm 1990, với những chiếc vòng nặng trịch như vậy, bà vẫn cùng gia đình đi bộ liên tục sáu ngày đêm về thăm mộ tổ tiên ở tận bang Karenni (Myanmar) mà không cảm thấy mệt mỏi chút nào.

Tục đeo vòng có từ bao giờ bà Mabi cũng không biết chính xác. Ông bà của bà kể lại rằng ngoài việc làm trang sức, giúp cổ dài ra, chiếc vòng cổ còn giúp các cô gái bảo vệ được mình trước sự tấn công của thú dữ. Ở bản Karen, mỗi khi có gia đình sinh con gái, tất cả người dân trong bản sẽ kéo đến chúc mừng và xem như điềm lành của cả bộ tộc.

Khi đứa bé gái tròn một tuổi, trong buổi lễ thôi nôi, người dân trong bản đều đem đến tặng bé những thỏi đồng óng ánh. Những thỏi đồng này sẽ được bỏ vào lò để nung chảy rồi đúc thành những chiếc vòng đồng và bí mật cất ở “vùng đất thiêng” cho đến khi cô bé đủ tuổi đeo vòng.

“Chiếc vòng cổ còn giúp phụ nữ chúng tôi không thể bỏ trốn khỏi làng!”, bà Mabi nói. Thiếu nữ Kayan nổi tiếng đẹp nhất vùng đông bắc Thái Lan và Myanmar nên từ xa xưa đã có nhiều đàn ông từ nơi khác đến muốn đưa về làm vợ. Người Karen không muốn con gái bộ tộc mình lấy người nơi khác nên nghĩ ra việc đeo vòng cổ để các thiếu nữ Kayan vì đeo vòng nặng nề mà không thể bỏ trốn theo tiếng gọi của tình yêu. Cuộc đời của người con gái Karen từ lúc sinh ra đến lúc nằm lại với đất đều gắn chặt với những chiếc vòng như định mệnh rủ bóng xuống đời mình…

Những lời nguyền truyền kiếp để lại những giọt nước mắt ngậm ngùi suốt đời cho các cô gái Kayan, làm tan đi bao giấc mơ giản dị của phụ nữ Kayan chỉ mong mỏi tìm được một người đàn ông thật lòng yêu thương mình. “Nếu yêu nhau hãy cùng đi thật xa. Cởi chiếc vòng ra em sẽ là của anh”, nhưng có mấy ai dám bước qua lời nguyền?

Và những người đàn ông ở “vương quốc phụ nữ” này cũng buồn bã...

-----------------------

Kỳ tới: Nước mắt của lời nguyền

VŨ BÌNH  - DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên