Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trưng ra tài liệu được cho là hợp đồng vụ xâm nhập bất thành diễn ra cuối tuần qua - Ảnh: REUTERS
Họ đã bị buộc tội, thú nhận, bị bắt quả tang và sẽ bị xét xử bởi tổng công tố, tòa án dân sự của Venezuela, và quá trình sẽ hoàn toàn đảm bảo và công bằng.
Hãng tin AFP ngày 7-5 dẫn lời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Chính quyền Mỹ đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, trong khi Nga, một đồng minh thân cận của Venezuela, cho rằng sự phủ nhận của Mỹ là "không thuyết phục".
Hợp đồng lính đánh thuê 202 triệu USD?
Theo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, hai công dân Mỹ là Luke Denman (34 tuổi) và Airan Berry (41 tuổi) bị bắt trong vụ việc hai nhóm lính đánh thuê tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Venezuela theo đường biển để thực hiện âm mưu phá hoại. Ngoài ra, 8 người đã thiệt mạng, 17 người bị Venezuela bắt giữ trong vụ xâm nhập bất thành ở bờ biển cách thủ đô Caracas không xa.
Ông Maduro khẳng định cả hai là nhân viên của Công ty an ninh SilverCorp USA, do cựu quân nhân Mỹ Jordan Goudreau điều hành.
Tổng công tố Venezuela Tarek William Saab trước đó, ngày 6-5, nói rằng thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, do Mỹ hậu thuẫn, đã ký thỏa thuận 212 triệu USD với lính đánh thuê. Goudreau cũng xác nhận với báo chí Mỹ rằng mình đã có giao kèo với phe đối lập Venezuela và đã thuê Denman cũng như Berry làm "giám sát".
Cùng ngày 6-5, Juan Rendon, thành viên ủy ban chiến lược của ông Guaido, xác nhận với CNN việc ông ký "thỏa thuận thăm dò" với SilverCorp để bắt thành viên trong chính quyền ông Maduro đưa ra trước công lý. Tuy nhiên, ông Rendon nói rằng thỏa thuận chưa được xác lập và ông tự ý triển khai chiến dịch "tự sát" nói trên.
Đài truyền hình quốc gia Venezuela tối 6-5 phát đoạn video ghi hình Luke Denman thừa nhận âm mưu "đảo chính". Denman cũng thừa nhận sự tồn tại của bản hợp đồng mà Goudreau đã ký với ông Guaido và một số nhân vật đối lập cộm cán khác ở Venezuela.
Trong đoạn băng mà truyền thông Mỹ mô tả là được biên tập kỹ càng, Denman xác nhận được yêu cầu chiếm quyền kiểm soát sân bay Caracas, nhằm mục đích bắt giữ ông Maduro và sau đó đưa ông đến Mỹ bằng máy bay.
Cựu quân nhân Mỹ cho biết mình đã bay đến Colombia từ tháng 1-2020 và tham gia huấn luyện các nhóm lính ở khu vực Riohacha của Colombia. Theo đó, có 3 nhóm lính đánh thuê với tổng cộng 60-70 tay súng sẵn sàng thực hiện các phi vụ tấn công vào Venezuela.
Ông Goudreau cung cấp thiết bị cho nhóm này. Denman cho biết nhiệm vụ của mình là đảm bảo an ninh ở sân bay, thiết lập an ninh vòng ngoài nhưng không nói rõ làm cách nào để đưa ông Maduro lên máy bay.
"Tôi đang giúp người Venezuela lấy lại quyền kiểm soát đất nước mình", cựu quân nhân Mỹ nói.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro cáo buộc đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump "đứng đầu chỉ đạo vụ xâm nhập này".
Nhà lãnh đạo Venezuela mô tả vụ xâm nhập như một phiên bản của vụ ở vịnh Con Heo 1961 nhằm lật đổ lãnh đạo Cuba Fidel Castro.
"Bọn họ đến Venezuela, nghĩ rằng người dân sẽ tung hô chào đón họ như những Rambo. Nhưng người Venezuela đã bắt trói họ", ông Maduro nói khi trưng ra tài liệu được cho là bản hợp đồng đánh thuê. Ông cho biết sẽ yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Goudreau đến Venezuela.
Mỹ - Nga căng thẳng
Đáp lại cáo buộc của ông Maduro, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump khẳng định Chính phủ Mỹ không dính líu đến vụ việc và mỉa mai rằng nếu Washington có liên quan thì "sự việc đã rất khác".
Ông Pompeo nhấn mạnh Washington làm mọi cách để phóng thích 2 công dân của mình. Một quan chức trong chính quyền ông Trump cũng phủ nhận cáo buộc của ông Maduro, nói rằng Washington vẫn tập trung vào "sự chuyển giao dân chủ, hòa bình ở Venezuela".
Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của Denman trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ không đưa ra thêm bình luận về hai công dân Mỹ bị bắt "do các cân nhắc về vấn đề riêng tư".
Trong khi đó, Nga ngày 6-7 phản bác lập luận của Mỹ. Phát ngôn về vụ việc, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ phủ nhận liên quan đến vụ xâm nhập Venezuela là "không thuyết phục", nhắc lại việc chính quyền ông Trump từng để ngỏ "tất cả lựa chọn" để lật đổ ông Maduro.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết "một số quốc gia" ám ảnh với việc lật đổ tổng thống Venezuela và lên án việc cử lính đánh thuê đến quốc gia này.
"Hành động này đáng bị lên án mạnh mẽ và vô điều kiện, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra đại dịch COVID-19" - Bộ Ngoại giao Nga gay gắt nói.
Theo Nga, Venezuela đang giải quyết các vấn đề của mình một cách hòa bình và độc lập thông qua đối thoại quốc gia.
15 triệu USD tiền thưởng vô chủ
Trước đó, hồi tháng 3-2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc ông Maduro và nhiều quan chức Venezuela tội "khủng bố ma túy" và treo thưởng 15 triệu USD cho việc cung cấp các thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông Maduro.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa ai nhận được khoản thưởng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận