22/06/2015 08:58 GMT+7

Bệnh viện từ thiện gặp khó

Đ.CƯỜNG - Đ.NAM
Đ.CƯỜNG - Đ.NAM

TT - Khi khánh thành, Bệnh viện Ung thư 
Đà Nẵng được coi là mô hình bệnh viện lý tưởng, nhất là với bệnh nhân nghèo nhưng sau hơn hai năm hoạt động, số bệnh nhân vào điều trị tại đây ngày một giảm.

Khám chữa bệnh tại BV Ung thư Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Cường
Khám chữa bệnh tại BV Ung thư Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Cường

Hiện số bệnh nhân của cả bệnh viện (BV) chỉ bằng đúng số người đang điều trị tại khoa ung bướu của BV Đà Nẵng.

Nhiều giường nhưng ít người bệnh

Tại BV Ung thư Đà Nẵng, lượng người bệnh đến nhập viện trong những ngày qua khá ít so với quy mô của BV. Tại bàn đón tiếp, thi thoảng mới có người bệnh tới khám.

Một điều dưỡng cho biết số lượng bệnh nhân đến khám “lai rai” chứ không đông như thời gian trước.

Bệnh nhân V.N. (trú Điện Bàn, Quảng Nam) nói trước đây ông thường phải vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) chữa trị nên rất tốn kém. Từ khi có BV Ung thư Đà Nẵng, ông N. chuyển hẳn về đây điều trị. “BV hiện đại, rộng rãi, lại miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân ít, ở đây thoải mái lắm” - ông N. nói.

Theo BV Ung thư, ngày cao điểm tại đây có khoảng 420 người nằm điều trị trong khi BV có đến 500 giường.

Vì sao BV có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên hùng hậu (480 người) nhưng số bệnh nhân nằm điều trị chỉ bằng đúng khoa ung bướu BV Đà Nẵng?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Vân Lan - phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng (đơn vị chủ quản BV Ung thư) - lý giải: nhiều người nghĩ đây là BV ngoài công lập nên họ ngại, sợ không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Bà Lan cho biết Luật BHYT vừa sửa đổi đã khiến lượng bệnh nhân ngoại trú của BV giảm hẳn, người bệnh sợ vượt tuyến sẽ không được thanh toán BHYT.

Khác hẳn với lo ngại của người dân mà bà Lan đưa ra, ông Đinh Văn Hiệp - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng - nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết định cho thanh toán hết, bất kể đó là bệnh nhân trái tuyến hay khác địa phương”.

Theo ông Hiệp, trong năm 2014 Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đã chi trả trên 71 tỉ đồng cho gần 24.000 lượt bệnh nhân, quý 1-2015 chi trả gần 22 tỉ đồng cho hơn 5.100 lượt điều trị nội, ngoại trú.

Trong khi đó, ghi nhận tại khoa ung bướu BV Đà Nẵng chiều 17-6 cho thấy hiện mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận không dưới 230 bệnh nhân làm thủ tục nhập viện, cao điểm có hôm lên đến 350 người.

Do năng lực tiếp nhận bệnh nhân của khoa là 170 giường nên hầu hết bệnh nhân đều phải nằm ghép 2 người/giường.

“Bệnh nhân ngày một nhiều, lãnh đạo BV phải quyết định mở rộng cơ sở, nâng tổng số giường tại đây lên 200” - một lãnh đạo khoa ung bướu cho biết.

Lý giải vì sao lại chọn khoa ung bướu chật chội thay vì vào BV Ung thư Đà Nẵng, anh H.T.Q. (bệnh nhân) nói: “Tôi được BV ở tuyến quận chuyển lên nên chữa bệnh tại khoa này luôn. Sợ lên BV Ung thư thì không được thanh toán BHYT”.

Một số bệnh nhân khác cho rằng chọn điều trị tại khoa ung bướu vì gần nhà, quen với bác sĩ tại đây...

Còn theo một bác sĩ của Trung tâm y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện BV tuyến quận chưa có khoa ung bướu, khi người dân có nhu cầu chuyển viện thì đúng tuyến phải là BV Đà Nẵng.

Tìm cơ chế để có kinh phí

Năm 2013, BV Ung thư Đà Nẵng đi vào hoạt động với mục đích tạo điều kiện cho người dân miền Trung có nơi tầm soát, điều trị ung thư với viện phí giống như BV công (dù đây là BV ngoài công lập).

Riêng với bệnh nhân nghèo sẽ được miễn, giảm hoàn toàn. Nhưng sau hơn hai năm đi vào hoạt động, mô hình này bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, BV Ung thư Đà Nẵng không phải BV công, cũng không phải BV tư. Đây là BV do một tổ chức xã hội từ thiện thành lập nhằm mục đích hoạt động nhân đạo. Lợi nhuận làm ra thì phục vụ lại mục đích nhân đạo đó, không chia cho ai. “Bộ Y tế cũng khẳng định đây là mô hình mới mà cả nước chưa có” - bà Lan nói.

Với mục tiêu đó, giá viện phí của BV này hiện chỉ thu đúng bằng giá của BV công, trong khi BV này phải tự cân đối tài chính.

Điều đáng nói là qua hơn hai năm đi vào hoạt động, số lượng bệnh nhân đến điều trị không nhiều dẫn đến thu không đủ chi.

Theo báo cáo, năm 2013 doanh thu của BV này chỉ đạt 69 tỉ đồng trong khi chi phí hoạt động trong năm 2013 lên hơn 95 tỉ đồng. Tương tự, năm 2014 doanh thu đạt 110 tỉ đồng, nhưng chi phí vọt lên 130 tỉ đồng.

Để bù vào khoản thâm hụt, năm 2014 TP Đà Nẵng đã trích ngân sách hỗ trợ BV này 20 tỉ đồng. Số tiền trên được chính quyền Đà Nẵng lý giải “hỗ trợ đặt hàng” (đặt hàng chỉ tiêu giường bệnh cho bệnh nhân ung thư, trong đó có người nghèo).

Bác sĩ Trịnh Lương Trân - giám đốc BV Ung thư Đà Nẵng - cho biết: “Hiện nhiều loại máy móc, thiết bị tại BV đã đến thời kỳ duy tu, bảo dưỡng nhưng không lấy đâu ra kinh phí. Trong khi số tiền 20 tỉ đồng TP chi hỗ trợ hằng năm chỉ đủ trả lương y, bác sĩ”.

Theo Bộ Tài chính, việc TP Đà Nẵng chi 20 tỉ đồng hỗ trợ hằng năm cho BV này là trái với Luật ngân sách.

Trong khi đó theo bà Sử Thị Ngân - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Ung thư: “Nếu không thay đổi giá viện phí thì không đủ chi phí. Còn nếu phải tăng thu dịch vụ để bù vào số tiền 20 tỉ đồng hỗ trợ thì đối tượng nào có thể thu dịch vụ? BV chủ yếu chữa trị cho bệnh nhân ung thư, hầu hết là người nghèo, thì làm sao có thể thu được”.

Để tìm cơ chế cho BV Ung thư hoạt động, đầu tháng 6-2015 Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng báo cáo lên Thành ủy Đà Nẵng về tình hình hoạt động của BV và đề xuất cơ chế hoạt động.

Theo bà Lan, đây là cơ sở y tế ngoài công lập do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP làm chủ sở hữu, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và mang tính nhân đạo phi lợi nhuận.

“BV Ung thư không thể trở thành BV công lập” bởi theo bà Lan, “nếu như vậy ngân sách nhà nước sẽ phải bao cấp hoàn toàn chứ không phải là 20 tỉ đồng/năm như hiện tại, vả lại mô hình đó cũng không phù hợp với xu thế xã hội hóa”.

Ngày 15-6, TP Đà Nẵng đã tổ chức một cuộc làm việc với sự có mặt của rất nhiều sở, ngành nhằm tìm ra cơ chế cho BV này hoạt động, thế nhưng theo người phát ngôn chính quyền TP Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh, cuộc họp bàn vẫn chưa đi đến một kết luận cụ thể nào.

Theo ông Quỳnh, hiện đã xây dựng ba cơ chế nhưng chưa có cơ chế nào được thông qua.

BV Ung thư Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng (vốn ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng, còn lại là nguồn vận động tài trợ).

Từ khi đi vào hoạt động, đến nay BV đã khám, chữa bệnh cho hơn 57.000 lượt bệnh nhân, thực hiện miễn giảm viện phí cho 4.222 lượt bệnh nhân nghèo với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, bếp ăn từ thiện của BV đã phát hơn 563.000 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân, bố trí nhà lưu trú miễn phí cho hơn 1.800 lượt người nhà bệnh nhân.

Đ.CƯỜNG - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên