Cơ quan chức năng phun thuốc khử trùng chuồng trại cho người dân - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Bình Định vào cuối tháng 4 vừa qua tại huyện Phù Cát, sau đó lây lan đến huyện Phù Mỹ, rồi lây lan thêm ở một số huyện khác.
Bà Dương Thị Bé (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) cho biết bệnh bắt đầu xuất hiện trên đàn trâu, bò của gia đình vào cuối tháng 4 vừa qua: "Lúc đầu tôi thấy bò nhà tôi chân đi cà nhắc, sau đó sưng lên và trên da bắt đầu nổi cục khắp nơi".
Một số người dân tại xã Cát Thành cho biết đây là lần đầu tiên xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, gia súc tại địa phương. Ngay sau khi phát hiện dịch, bà con đã báo cáo cơ quan chức năng.
"Ngay sau khi phát hiện bệnh, tôi đã mua chanh về vệ sinh cho trâu bò của mình và cho bò ăn thêm một số thức ăn như trứng gà, đậu xanh để giúp bò giảm nhiệt, nhưng tình trạng bệnh không suy giảm nên sau đó tôi và bà con đã thông báo với cơ quan chức năng", ông Võ Văn Trạng (thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) nói.
Đến nay, tổng số bò mắc bệnh trên địa bàn tỉnh là 349 con. Trong đó đã điều trị khỏi triệu chứng 128 con, rất may là chưa xảy ra tình trạng bò chết do dịch bệnh.
Trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định - Ảnh: LÂM THIÊN
Ông Nguyễn Văn Quốc, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định, cho biết sau khi phát hiện dịch bệnh, chi cục phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình trạng dịch bệnh, phát hiện kịp thời, cách ly gia súc bị bệnh, nghiêm cấm việc buôn bán trâu bò bị bệnh trong vùng có bệnh.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã hướng dẫn địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch bệnh viêm da nổi cục như: phun thuốc sát trùng khắp các chuồng nuôi, rắc vôi bột, Cloramin B dạng bột quanh chuồng và đặc biệt là không chăn nuôi thả rông giai đoạn này. Vận động người dân thực hiện tiêm phòng cho trâu bò.
Hiện tại, tỉnh Bình Định đã mua 10.000 liều vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục. Chi cục đang tiếp tục tham mưu và đề nghị mua thêm vắc xin để người dân có thể mua vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi, tránh việc trâu bò bị chết do dịch bệnh.
"Đây là loại dịch bệnh mới xâm nhập vào địa phương nên gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống vì dịch lây lan nhanh và nhiều, chủ yếu do côn trùng gây ra. Chi cục khuyến cáo người dân vệ sinh chuồng trại vật nuôi sạch sẽ và tiêm phòng cho gia súc, vật nuôi để đàn vật nuôi khỏe mạnh", ông Nguyễn Văn Quốc cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận