Tình trạng này có ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực khác như giao thông, công thương, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, thể thao có sử dụng vốn ngân sách, tài sản công. Có những dự án, công trình gần đến đích vẫn phải dừng dẫn đến công nghệ lạc hậu, thiết bị "đắp chiếu".
Vì vậy chi phí đầu tư phát triển không thu lại được giá trị tương xứng. Những dự án dân sinh cấp bách khác lại mất cơ hội vì thiếu vốn. Tăng nợ công với một tỉ lệ lớn chi phí phát sinh, trả lãi các khoản vay.
Chịu trách nhiệm về dự án, công trình trì trệ kéo dài được quy định cho các bên liên quan đối với công việc do mình phụ trách. Muốn xử lý trách nhiệm thì phải xác định được nguyên nhân, lỗi ở đâu? Thực tế rất hiếm tổ chức, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm, bởi lý do nêu ra là khách quan. Chưa thấy những trường hợp bồi thường thiệt hại cũng là nguyên nhân tái diễn trì trệ.
Mỗi dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách, tài sản công đều có cấp chủ quản phụ trách chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi. Sự thụ động hỏi ý kiến qua lại giữa các ban, ngành cũng khiến gián đoạn công việc xây dựng. Lắm khi nguyên nhân chậm trễ do công tác phối hợp chưa tốt, đùn đẩy công việc chứ chưa hẳn vướng luật.
Đây là nguyên nhân chủ quan, không phải do luật. Nếu không thay đổi cách làm, không thể thiết lập được cơ chế chịu trách nhiệm và khắc phục thiệt hại đối với dự án, công trình trì trệ kéo dài thì hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, tài sản công sẽ khó cải thiện.
Những vi phạm, trì trệ cần quy trách nhiệm cụ thể và buộc bồi thường thiệt hại. Vai trò quản lý cần có biện pháp kiểm soát chặt sự tuân thủ pháp luật và tiến độ dự án, công trình xây dựng.
Mỗi dự án có quy mô lớn một khi gắn trách nhiệm cá nhân, phân công nhiệm vụ cụ thể và ràng buộc lộ trình sẽ nâng cao tính tự giác. Cần "thuốc đặc trị" đủ mạnh trong xử lý trách nhiệm cá nhân trong các vụ đùn đẩy trong thực thi công vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận