03/10/2018 11:59 GMT+7

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh thành phía Nam

T.DƯƠNG - A LỘC  - T.LŨY - TR.TRUNG
T.DƯƠNG - A LỘC - T.LŨY - TR.TRUNG

TTO - Một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Nha Trang, Đà Nẵng... có số ca bệnh tăng đột biến trong 2 tháng gần đây.

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh thành phía Nam - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phun xịt hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn dân cư - Ảnh: BÌNH AN

Mọi người nên ngủ mùng và không nên tiếp tục nghĩ rằng khi ngủ trong phòng bật máy lạnh sẽ không bị bệnh sốt xuất huyết.

BS Đỗ Châu Việt

TP.HCM đã có 1 ca tử vong, Đồng Nai 2 ca, đồng bằng sông Cửu Long 3 ca...

Tăng đột ngột trong 2 tháng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện đang là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Trong khoảng 2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh tăng cao với gần 600-700 ca/tuần. Thời tiết mưa thường xuyên là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan, xuất hiện nhiều trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã có gần 13.000 ca sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có một ca tử vong.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng dần từ tháng 7 đến nay. Phần lớn trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 3-12 tuổi. Tuy nhiên cũng có những trẻ vài tháng tuổi, thậm chí trẻ sơ sinh vẫn mắc bệnh SXH. Trong số trẻ nhỏ tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết, có những trẻ mắc bệnh do mẹ lây sang con.

Tương tự, tại Đà Nẵng, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, trong ba tháng trở lại đây số ca bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến do đang vào mùa dịch. Cụ thể trung bình mỗi tháng có tới 400 ca.

Khác với các tỉnh, tại Đồng Nai số ca sốt xuất huyết xuất hiện nhiều ở các khu nhà trọ công nhân. Bác sĩ Bạch Thái Bình, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết số mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 27-9-2018, toàn tỉnh ghi nhận có 4.118 ca sốt xuất huyết, tử vong 2 người. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9-2018, số ca bệnh do bệnh SXH lại tăng cao khoảng 50% so với các tuần trước đó. Qua giám sát huyết thanh phát hiện 4 type virút gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành trên địa bàn, khả năng nhiễm bệnh cao hơn.

Ba ca tử vong

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tuy số ca bệnh chưa bùng phát mạnh so với cùng kỳ, nhưng đã có đến 3 ca sốt xuất huyết tử vong tại Cà Mau, An Giang và Trà Vinh.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn - trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văcxin sinh phẩm, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ - cho biết từ tháng 8 đến nay bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cao ở các quận huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Ninh Kiều.

Từ đầu năm đến nay TP Cần Thơ đã tổ chức 4 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng. Trong các đợt chiến dịch này, cán bộ y tế đến các khu vực hướng dẫn và vận động người dân vệ sinh môi trường, dọn dẹp vật phế thải nước đọng quanh nhà, diệt muỗi và lăng quăng trong nhà...

Cần Thơ có quy định xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, trong đó có 1 ca bệnh SXH thể nặng (độ C) hoặc 2 ca độ B cùng một địa điểm thì cán bộ y tế sẽ đến tận nhà yêu cầu xử lý vệ sinh, diệt lăng quăng, đồng thời phun thuốc diệt muỗi trong vòng bán kính 200m quanh khu vực.

Tại các địa phương có số ca bệnh SXH tập trung đông và gia tăng, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng hỗ trợ phường phun hóa chất diệt muỗi diện rộng trên địa bàn với máy phun công suất lớn.

Sau khi ra quân thực hiện chiến dịch, Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ tiếp tục cử cán bộ giám sát chỉ số muỗi, lăng quăng tại các khu vực và yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, nhằm tiếp tục duy trì việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lây lan, trong tháng 10 tới đây Cần Thơ sẽ tiếp tục tổ chức đợt chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trên diện rộng toàn TP.

Chống bệnh ra sao trước mùa mưa?

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành (thời gian nào cũng gặp) nên vào mùa cao điểm toàn thành phố lại tăng cường phòng chống dịch.

"Rút kinh nghiệm dịch sốt xuất huyết năm ngoái, năm nay Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm soát phòng tránh dịch này bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch và tổ chức các đợt phun thuốc. Đối với bệnh tay chân miệng thì chúng tôi đặc biệt tăng cường lực lượng y tế xuống các trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình để hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh" - bác sĩ Lãm nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn - Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, kinh nghiệm của cán bộ y tế dự phòng cho thấy địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền phòng dịch, xử lý tốt các ổ dịch nhỏ thì bệnh sẽ hạn chế lây lan và bùng phát.

Kinh nghiệm nhiều năm làm dịch tễ bệnh sốt xuất huyết cho thấy, trong phòng chống bệnh không có cách nào hiệu quả hơn việc thường xuyên dọn dẹp diệt lăng quăng trong nhà, xung quanh nhà, không cho muỗi có nơi đẻ trứng. Việc phun thuốc diệt muỗi diện rộng chỉ là biện pháp dập dịch ở thời điểm dịch bùng phát...

Trước tình hình bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, bác sĩ Bạch Thái Bình cho biết đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Theo bác sĩ Bình, đặc thù của Đồng Nai có rất nhiều khu nhà trọ, đông công nhân sinh sống như TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Các khu vực này có điều kiện vệ sinh, môi trường yếu kém, cùng việc công nhân sống không ổn định, làm việc nhiều nên không có thời gian quan tâm đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Đó là hai yếu tố chính khiến lượng bệnh tăng cao.

Vì vậy, với đặc thù đó, khi triển khai phòng chống dịch, trung tâm luôn quan tâm đến các khu vực trên và coi đây là khu trọng điểm cần chú trọng.

Trong đó, các giải pháp được đưa ra như ký cam kết với chủ trọ tổ chức phối hợp người thuê nhà vệ sinh môi trường, giao địa phương phối hợp ngành y tế điều tra các đối tượng chưa tiêm chủng trong nhóm nhà trọ để vận động đưa trẻ ra tiêm chủng. Tổ chức nhiều bàn tiêm, ngày tiêm, tiêm vào ngày thứ bảy, chủ nhật và tổ chức bàn tiêm di động đến trực tiếp khu vực đông công nhân khi cần. Ngoài việc thông báo trên đài, phát tờ rơi, gửi thông báo còn có thể kết hợp nhắn tin, điện thoại nhắc nhở cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng...

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, thời gian qua ngành y tế TP đã tăng cường các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý triệt để ổ dịch, áp dụng các kỹ thuật phun hóa chất khác nhau với tình hình thực tế nâng cao hiệu quả phòng chống dịch...

Trách nhiệm của cả cộng đồng

kt lu nuoc 2(read-only)

Cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng và hướng dẫn hộ dân đậy lu đựng nước không cho muỗi đẻ trứng - Ảnh: T. LŨY

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng TP - chia sẻ: "Tranh thủ những lúc thăm khám bệnh nhân, tôi nhiều lần trò chuyện với người nhà, được biết hầu hết họ không nắm rõ thông tin về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. Hoặc nếu biết thì họ không quan tâm, thậm chí không hợp tác như đóng cửa không cho đoàn người phun thuốc vào. Qua điều này chứng tỏ ý thức người dân đối với công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi chưa cao".

Một người mẹ (ngụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đang chăm con mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 lại chia sẻ: "Việc phun thuốc diệt muỗi tại địa phương chưa quyết liệt. Tôi chẳng nghe cán bộ hay loa phát thanh nào thông báo ngày giờ phun thuốc diệt muỗi tại khu phố.

Vào chiều tối cuối tuần trước, có một đoàn người đến dãy trọ thông báo phun thuốc diệt muỗi. Tôi vội vàng sắp xếp nhà cửa nhưng rồi họ chỉ quơ qua quơ lại vài cái trước nhà là xong".

Theo bác sĩ Nam, dịch sốt xuất huyết rất khó khoanh vùng phạm vi lây bệnh vì mức độ lây lan rất nhanh. Nếu một hộ dân, cơ quan, trường hợp, khu phố... nào không hợp tác thì nơi đó rất khó khống chế được dịch sốt xuất huyết.

Vì thế, người dân cần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời nên chủ động diệt bọ gậy, lăng quăng xung quanh khu vực ở bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước.

XUÂN MAI

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào chính hè... là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh.

T.DƯƠNG - A LỘC - T.LŨY - TR.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên