06/02/2014 08:26 GMT+7

Bệnh sởi "tái xuất" đáng ngại

Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

TT - Năm địa phương trên cả nước đã xuất hiện bệnh sởi trong thời gian từ tháng 1-2014 đến nay. Đáng chú ý bệnh xuất hiện trên cả nhóm trẻ đã tiêm ngừa và có hai ca tử vong.

Hai người tử vong do biến chứng sởiBùng phát dịch sởi, hơn 50 trẻ nhập việnSởi quay lại

GmJV0h8n.jpgPhóng to
Cán bộ y tế huyện Văn Chấn (Yên Bái) tiêm văcxin phòng bệnh sởi cho trẻ tại xã Nậm Mười - Ảnh: Thanh Sơn

Trao đổi ngày 5-2, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tính từ tháng 1-2014 đến nay, bệnh sởi đã xuất hiện rải rác tại Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, riêng tại Yên Bái đã có 99 ca bệnh, xuất hiện thành “chùm” tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn và một trẻ mắc bệnh đã tử vong.

5 ngày tết, 2 trẻ tử vong do sởi

"Cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban, kèm ho rũ rượi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo khác như viêm phổi, tiêu chảy... và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này"

Về các ca mắc bệnh, ông Phu thông tin: “Điều tra dịch tễ cho thấy có 20% trẻ đã tiêm ngừa, 20% tiêm ngừa một mũi, số còn lại chưa tiêm ngừa”.

Ở một địa bàn đồng bằng, nhiều năm không xuất hiện sởi nơi trẻ em thì những ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua đã có một bé 7 tháng tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội mắc sởi và tử vong do biến chứng của sởi. Trong khi đó tại tỉnh Yên Bái, bé T.A.C., 3 tuổi, là một trong ba học sinh mầm non mắc sởi có biến chứng nặng, đã tử vong hôm 30 tết. Tính chung trong những ngày vừa qua, riêng Lào Cai đã có 117 ca bệnh sởi, Yên Bái 99 ca, Sơn La 87 ca, Hà Nội một ca tử vong, TP.HCM khoảng 10 ca.

Trả lời về lý do trẻ đã được tiêm ngừa nhưng vẫn mắc sởi, ông Phu cho biết tiêm ngừa sởi có khả năng bảo vệ 80-90%, 10-20% còn lại vẫn còn khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, ông Phu đánh giá tại Hà Nội và TP.HCM mặc dù xuất hiện rải rác ca bệnh nhưng phần lớn trẻ đã được tiêm ngừa khá đầy đủ nên bệnh chưa lây lan mạnh, trong khi các tỉnh miền núi, vùng sâu thì lây lan nhanh hơn ngay khi xuất hiện mầm bệnh do chất lượng tiêm chủng. “Chất lượng tiêm chủng ở miền núi, vùng sâu còn có trục trặc, nhất là thời gian trước đây phải vận chuyển văcxin bằng ngựa thồ”- ông Phu thừa nhận.

Lo ngại bệnh lan rộng

Theo ông Trần Đắc Phu, thời gian qua nước láng giềng Trung Quốc cũng vừa bùng phát dịch sởi, nên những tỉnh miền núi phía Bắc VN giáp với Trung Quốc đang có nguy cơ bùng phát dịch này. Năm 2012 và 2013 VN đều không xuất hiện dịch sởi, một phần do chiến dịch tiêm ngừa sởi nhắc lại đã được triển khai tại các tỉnh miền núi, nhưng ông Phu cho rằng rất cần đề phòng vì một phần do chất lượng tiêm chủng, một phần do có mầm bệnh dịch từ biên giới.

Một trong những vấn đề khiến giới chức y tế lo lắng thời gian qua là thay vì xuất hiện đồng loạt ở trẻ em dưới 5 tuổi, thì dịch sởi lại có xuất hiện trên nhóm nam thanh thiếu niên. Khi mắc bệnh, nam thanh thiếu niên cũng sốt phát ban, ho nhiều và có biến chứng như sởi ở trẻ em. Ông Phu đánh giá đây là những trường hợp chưa mắc sởi khi còn nhỏ nên chưa có miễn dịch, chưa được tiêm ngừa hoặc chất lượng tiêm ngừa kém. “Thanh thiếu niên vẫn có thể đi chủng ngừa sởi và chủng ngừa ở tuổi này vẫn có hiệu quả bảo vệ, nhưng chương trình tiêm chủng mở rộng không đủ kinh phí để triển khai trên nhóm tuổi này. Chúng tôi chỉ tiêm chủng miễn phí bệnh sởi kể cả mũi đầu và mũi nhắc lại cho nhóm trẻ em, còn thanh thiếu niên muốn chủng ngừa nhắc lại để phòng bệnh sởi thì phải tiêm dịch vụ” - ông Phu cho biết.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vẫn tiếp tục điều tra căn nguyên dịch sởi xuất hiện tại Đông Anh, Hà Nội sau trường hợp trẻ 7 tháng tuổi tử vong do bệnh sởi. Tại TP.HCM, Bộ Y tế cho rằng trẻ mắc bệnh trong tháng 1 vừa qua đều là các bé chưa được tiêm ngừa do cha mẹ đi làm xa và cư trú tại nơi ở mới. Tuy nhiên, rõ ràng chiến dịch chủng ngừa bệnh sởi và tiêm nhắc lại để phòng sởi đã được tiến hành nhiều năm, VN lại đang tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 mà dịch sởi vẫn đang hoành hành và có trẻ tử vong do sởi là điều cần chú ý về chất lượng tiêm ngừa. Có bao nhiêu trẻ đã được tiêm ngừa mà không có hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh tật, trong khi tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay vẫn được ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế ưu ái?

Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên