28/06/2020 08:19 GMT+7

'Bệnh sao không gọi má về chăm cho hả con?'

ĐỨC PHƯƠNG
ĐỨC PHƯƠNG

TTO - "Má sắp 70 rồi, má còn bao nhiêu ngày tháng mà tôi cứ lần lữa, yên trí rằng má còn ở đó, còn mạnh giỏi. Rằng má ruột của mình, làm màu mè chi, cứ tự nhiên mà cư xử. Cách "tự nhiên" của tôi sao hờ hững như thể tôi là... con ghẻ của má.

Bệnh sao không gọi má về chăm cho hả con? - Ảnh 1.

Cả gia đình cùng chia sẻ những khoảnh khắc vui tươi bên nhau - Ảnh minh họa: Quang Định

Mỗi dịp hè hai đứa nhóc nhà tôi nghỉ học, tôi rước má lên chơi với lý do "quanh năm má bù đầu với vườn tược, gà qué và lũ con của thằng Út, đi chơi vài tháng cho thảnh thơi". Bạn rủ đi chơi, tôi không muốn đi, liền viện cớ "có bà già lên chơi, tao lu bu lắm". 

Thật ra có má lên, tôi càng khỏe thân. Đồ ăn mang về vất đó đã có má làm. Hai đứa nhỏ đã có bà ngoại đốc thúc ăn uống, tắm rửa. Tối, dĩ nhiên tụi nhỏ bám bà ngoại vì ngoại kể chuyện hay hơn mẹ nhiều.

Bạn bè tới chơi, nhìn chiếc tủ cạnh đầu giường của má tôi được "trang trí" bằng đủ thứ thuốc bổ, nhân sâm, tổ yến... bạn trầm trồ "bà nuôi má chu đáo ghê". Má tôi hãnh diện "than", "tối ngày bị con nhỏ ép ăn ép uống phát mệt với nó đó cô". Tôi yên tâm rằng tôi trả hiếu cho má trọn vẹn lắm rồi.

Má tôi, như mọi bà già khác, mắc bệnh hay nhắc chuyện xưa. Những chuyện xa lắc được má tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần, đến nỗi má vừa nói câu đầu tiên tôi đã biết đoạn sau. Tỉ như hồi đó bà nội dắt ba lén đi coi mắt má. Tỉ như hồi thím Út mới về làm dâu, được bà nội thương, má bị đì sát ván. Rồi chuyện hồi má sinh tôi, đau bụng suốt năm ngày. Nhất là chuyện hồi ba mất, má gian nan ra sao... 

Tôi vừa quẹt điện thoại vừa ừ hử chiếu lệ. Gặp lúc tôi không vui, má vừa mở miệng "hồi đó", tôi liền chặn ngang "biết rồi, biết rồi, má còn chuyện gì khác không?". Má ngẩn ra rồi cười xòa. Đôi lúc tôi thấy mình thật nhẫn tâm. Nhưng kệ đi. Má của mình, phải má chồng đâu mà giữ ý.

Chủ nhật tôi đưa má đi Vũng Tàu chơi, rủ luôn cả đám bạn bè (dĩ nhiên vì đi chơi với một bà già và lũ nhóc có gì mà vui). Nhóm có hai bà mẹ của bạn. Trong lúc chúng tôi xuống biển chụp ảnh tự sướng, bơi lội tung tăng, ba bà già người lo giữ đồ, người lo coi ngó đám nhỏ. Tối về nhà, má gọi điện khoe với dì Út "chị mới đi Vũng Tàu với sắp nhỏ". So với dì Út quanh năm không bước chân ra khỏi cổng làng, má tôi "sướng như tiên".

Một buổi sáng chồng tôi chở má sang nhà nội thăm sui gia. Tôi nằm tới trưa không dậy nổi vì bị trúng thực. Tiếng tivi và tiếng hai đứa nhóc tranh cãi ồn ào, cách một bức vách mà nghe như xa lắm. Lên tiếng gọi con mấy lần chẳng thấy tăm hơi. Gần trưa bọn trẻ đói bụng mới ào vào phòng, "Mẹ bệnh hả mẹ? Chừng nào mẹ hết bệnh? Tụi con ăn gì bây giờ?...". Câu này sao giống y câu tôi hỏi má mỗi lần má bệnh...

Nằm lịm một giấc tới chiều, mở mắt ra đã thấy má ngồi cạnh bên. Má sờ lên trán tôi, lo lắng: "Dậy húp miếng cháo rồi chồng bây chở đi bác sĩ. Bệnh sao không gọi má về hả con?". Tôi ào vào lòng má, bật khóc ngon lành, nghe đất trời bình yên và lòng nhẹ nhõm quá chừng...

Phải chăng khi người ta yếu đuối, vấp ngã mới nảy lòng thấu cảm, hiểu những được mất trong đời và biết trân trọng những gì đang có? Mà má nào cũng vậy, có bao giờ trách con, yêu cầu này khác. Nghĩ tới thấy thương quá chừng là thương.

Tóc bạc mẹ tôi, từng sợi nhớ, sợi thương Tóc bạc mẹ tôi, từng sợi nhớ, sợi thương

TTO - Có một buổi chiều vô tình nhìn thấy trên facebook của một người bạn tấm ảnh bạn đang nhổ tóc bạc cho mẹ. Tấm ảnh kỷ niệm của bạn khiến tôi vụt nhớ những ngày ở quê. Tóc bạn của mẹ, đều là những sợi nhớ, sợi thương.

ĐỨC PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên