Triệu chứng của bệnh quai bị. Ảnh: wellbeingmag.com
Quai bị là một bệnh nhiễm trùng do vi rút. Bệnh còn được biết đến như một bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt mang tai. Khi vi rút quai bị lan xuống tinh hoàn, bệnh được gọi là bệnh viêm tinh hoàn do quai bị. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi từ 5-9 tuổi. Vi rút quai bị cũng có thể gây bệnh ở người lớn, trong trường hợp này bệnh có khả năng gây những biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh quai bị lây truyền trong không khí qua những giọt nước bọt nhỏ thoát ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Người bệnh quai bị có khả năng lây truyền sang người khác trong khoảng thời gian từ 6 ngày trước khi có biểu hiện nhiễm trùng tuyến nước bọt và kéo dài tới 9 ngày sau đó.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Khoảng 33% bệnh nhân nhiễm vi rút quai bị không biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng. Trong trường hợp có triệu chứng thì thường bắt đầu sau khoảng 14-21 ngày sau khi nhiễm vi rút. Các triệu chứng bao gồm đau khi nhai hoặc nuốt; sốt hoặc mệt mỏi có thể xảy ra; sưng tuyến nước bọt phía dưới hoặc phía trước của tai là dấu hiệu nổi bật nhất, có thể xảy ra ở 1 bên hoặc cả 2 bên. Trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị thì tinh hoàn thường có biểu hiện to và mềm.
Biến chứng của bệnh
Biến chứng của quai bị thường ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng. Ở nam giới và trẻ trai ở tuổi vị thành niên, viêm tinh hoàn do quai bị có thể gây biến chứng vô sinh; viêm não (nhiễm trùng não); viêm màng não (viêm lớp màng bao phủ não và tủy sống); giảm thính lực là biến chứng hiếm gặp nhưng có thể thể xảy ra ở người nhiễm quai bị ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Điều trị bệnh quai bị
Bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu, kháng sinh điều trị không có hiệu quả đối với vi rút. Điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Phòng bệnh quai bị
Tiêm chủng vắc xin phòng quai bị là biện pháp được khuyến cáo tại những nước đã triển khai và duy trì được tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi và rubella ở mức trên 80%. Bệnh sởi và hội chứng rubella bẩm sinh được coi là ưu tiên vì có gánh nặng tử vong và bệnh tật lớn hơn. Giống như bệnh rubella, bệnh quai bị có thể để lại những gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng hơn ở nhóm tuổi lớn chưa có miễn dịch phòng bệnh. Để kiểm soát bệnh quai bị cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng 2 liều vắc xin quai bị ở mức cao. Các quốc gia trên thế giới phải quyết định việc bổ sung vắc xin có chứa thành phần quai bị dựa trên những gánh nặng bệnh tật của bệnh và chính sách ưu tiên về y tế.
Vắc xin phòng quai bị là rất an toàn. Tùy thuộc vào chủng vi rút được sử dụng trong vắc xin, các dấu hiệu bệnh viêm não vô khuẩn được báo cáo ở mức độ khác nhau, nhưng đều hồi phục mà không để lại biến chứng. Các dấu hiệu nhẹ như đau tại chỗ tiêm trong khoảng 24 giờ (khoảng 17-30%), sưng tuyến mang tai (khoảng 1-2%); sốt nhẹ, có khi bị phát ban…
Thông thường cứ khoảng 4 đứa trẻ thì có 1 trẻ sẽ gặp triệu chứng này. Tác dụng phụ trên là hết sức bình thường và sẽ biến mất trong 1-2 ngày, trong trường hợp tình trạng này kéo dài đến 1 tuần hoặc lâu hơn bình thường, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được theo dõi.
Để có miễn dịch bảo vệ lâu dài, cần tiêm 2 liều vắc xin phòng quai bị. Liều đầu tiên nên tiêm ở độ tuổi từ 12-18 tháng. Liều thứ 2 tiêm trước tuổi đi học khoảng 1 tháng (khoảng từ 2-6 tuổi). Lịch tiêm chủng tối ưu trong chương trình được quy định ở mỗi nước khác nhau nhằm đạt độ bao phủ tối đa vắc xin có thành phần quai bị. Khoảng thời gian tối ưu giữa các mũi tiêm là 1 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận