23/09/2012 12:06 GMT+7

Bệnh nhân rên xiết trên "cung đường đau khổ"

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - 19g, trời đổ mưa xối xả, qua tấm kính xe lòa nhòa, mặt đường quốc lộ 14 tràn đặc màu nước đục. Chiếc xe bỗng chồm lên khi vấp phải hố sâu. Phía sau thùng xe, bệnh nhân nữ lại rên xiết vì đau đớn.

jg1dDufF.jpgPhóng to
Xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông mò mẫm qua một bãi sình trên quốc lộ 14 - Ảnh: Thái Bá Dũng

Vài năm gần đây, người dân đi lại trên quốc lộ 14 thường gọi đây là “cung đường tử thần” hay “cung đường tai nạn” bởi tuyến đường này đã trở thành bãi sình lầy. Vậy mà, vì sự sống của người bệnh, những chuyến xe cấp cứu từ các tỉnh Tây nguyên vẫn bì bõm lết qua những đoạn đường lầy lội để đưa người bệnh về TP.HCM giành lại sự sống.

Hành trình khổ ải tìm sự sống

Hết bệnh nhờ... đường xấu

Nhiều lái xe và bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông khi nhắc lại chuyến cấp cứu của một bệnh nhân bị sa ruột, sa bẹn vào giữa năm 2011 đều không nhịn được cười và xem đó là câu chuyện “cấp cứu thần kỳ”. Giữa năm 2011, một bệnh nhân nam là cán bộ bưu điện tại thị xã Gia Nghĩa bị mắc chứng bệnh sa bẹn, ruột bị trễ ra ngoài nên được các bác sĩ yêu cầu phải chuyển về TP.HCM càng nhanh càng tốt, nếu không sẽ có nguy cơ tử vong.

Anh Thắng, người lái chuyến xe này, kể: “Bệnh nhân vừa la đau đớn, bác sĩ lại hối nên tôi hú còi chạy như bay. Đang cho xe nhảy xồm qua đoạn đường xấu trên quốc lộ 14 thì bỗng bẹn của bệnh nhân... tụt vào phía trên đúng vị trí. Lúc đó bác sĩ trực trên xe vui mừng thông báo là do nhồi xóc quá nên bẹn “đã trở về vị trí”, không cần phải đi bệnh viện nữa. Cả người nhà lẫn bệnh nhân ôm nhau mừng đến nỗi nhảy cả trên xe, sau đó họ đề nghị tôi cứ chạy thẳng về TP.HCM để... ăn mừng”.

13g45 một chiều tháng 9, đội trưởng đội xe Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trọng Vượng báo tin phải chuyển một ca lưu thai, mắc chứng máu khó đông về Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu. Gần 15 phút sau khi làm công lệnh, chiếc xe cứu thương bật còi hụ trực chỉ về TP.HCM. Đang bon bon trên quốc lộ 14 thì bỗng “két...”, bánh xe rít lên chà xát trên mặt đường nhựa, đồ đạc và hai người nhà phía sau thùng xe bị mất thăng bằng nên chồm lên phía trước, đập mạnh vào tấm kính chắn. Sản phụ dường như quá đau đớn bỗng hét thật to rồi nằm im sau khi níu được vào thành sắt băng ca.

Anh Vượng cho biết nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất đối với lái xe trên quốc lộ 14 là đoạn đường từ thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) về đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước). Toàn bộ mặt đường ở đây gần như bị mục, ổ voi xuất hiện liên tục. Đây là đoạn đường mà xe cứu thương hay xe tải đều... chạy như nhau bởi lái xe không thể chạy tốc độ vượt quá 50km/giờ vì ổ gà quá nhiều. “Ngày nào tôi cũng chạy xe trên tuyến đường này đến nỗi quen từng ổ voi, hố sâu nhưng nay thì không thể canh ổ gà để chạy được nữa, mỗi ngày lại có thêm những hố sâu mới xuất hiện. Mặt đường như tấm vải mục, chỉ cần một lỗ thủng thì sau một ngày đã “loét” thành ổ voi” - anh Vượng ta thán.

Sau gần bốn giờ “bì bõm”, chiếc xe đến địa phận huyện Bù Đăng (Bình Phước). Trời bỗng đổ mưa lớn, trong màn đêm dày đặc, tuyến đường phía trước đặc biệt nguy hiểm với chi chít các vũng nước sâu, có những chỗ nước chảy tràn qua cả mặt đường, chiếc xe phải đánh sang trái, sang phải, đâm thẳng xuống hố nước rồi lại trồi lên.

Phía sau thùng xe, cả người nhà lẫn bệnh nhân sau khi bị đảo liên tục đã không thể trụ được nữa, sản phụ sụp đầu xuống chiếc xô nhựa và nôn ói. Mãi đến 20g30, sau sáu tiếng rưỡi vật lộn với “cung đường đau khổ”, chiếc xe cứu thương mới chạy vào đến khu vực cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Sản phụ tái xanh, thiếp đi không chỉ vì vật lộn với cơn đau bụng mà còn vì kiệt sức với những cú nhồi liên tục trên xe. Lúc này anh Vượng mới thở ra nhẹ nhõm vì cũng hoàn thành nhiệm vụ rồi quay xe chạy thẳng về hướng Bình Dương. Giữa cơn mưa tầm tã, anh Vượng cho chiếc xe cứu thương tấp vào một khu rừng cao su, tranh thủ chợp mắt sau khi đuối sức đánh vật với quốc lộ 14.

Trong một chuyến đi khác, chúng tôi theo một ca cấp cứu sản phụ vừa mới sinh nhưng mắc bệnh u máu. Từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) về đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục là hành trình khổ ải khi chiếc xe phải trải qua gần tám giờ đánh vật với đường xấu. Rồi phải dừng lại giữa chừng để điều dưỡng viên đo mạch, cầm máu cho bệnh nhân. Từ thị xã Gia Nghĩa về đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), từng đoàn xe tải nối đuôi nhau trồi sụp trên những ổ gà, ổ voi. Có những đoạn đường xe cứu thương bật còi ưu tiên để lách từng mét đường vì quốc lộ kẹt cứng sau tai nạn. Điều dưỡng viên Nguyễn Văn Hào mệt mỏi than: “Mỗi tuần trung bình mỗi bác sĩ - điều dưỡng phải một vài lần theo bệnh nhân về TP.HCM như thế. Mỗi chuyến đi là một cực hình khi phải đối diện với sự nguy cấp của người bệnh, vừa phải đảm bảo an toàn trên đường. Nhiều người sau khi đi cứu thương về đã phải nằm liệt giường vì ốm”.

Bệnh nặng hơn vì đường xấu

Nhiều lái xe tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông cho biết với tốc độ của xe cứu thương thì quãng đường 270km từ Đắk Nông về TP.HCM chỉ mất hơn ba giờ, nhưng đến nay lái xe nào chạy được hơn bốn giờ được coi là “kỳ tích”. Và người giữ kỳ tích này suốt hai năm nay chính là anh Vượng.

Tháng 5-2011, một cán bộ kiểm lâm và một giáo viên cùng đi trên một xe máy tại huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) đã tông thẳng vào chiếc ôtô đậu trên đường. Vị cán bộ kiểm lâm được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng gãy hai chân, gãy hai tay và gãy cổ. Anh Vượng nhớ lại: “Lúc đó người nhà nhìn tôi như van xin: chỉ cần chở vào được đến TP.HCM thì bệnh nhân có chết người nhà cũng không ân hận. Trước thỉnh cầu này, tôi làm lệnh rồi nhảy lên xe phóng thẳng về TP.HCM trong vòng bốn giờ. Đường quá xấu, nhiều chỗ xe như bay chứ không phải đi nữa, nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Nhưng ca cấp cứu này cũng chỉ giúp bệnh nhân duy trì sự sống được thêm hai tuần”.

Theo anh Vượng, nỗi khổ lớn nhất của lái xe cứu thương trên quốc lộ 14 là giữa đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình và phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh. Nhiều ca cấp cứu bệnh nhân bị gãy cột sống, gãy cổ nằm trên băng ca, chỉ cần xe va phải ổ gà là người bệnh lại rên xiết lên trong nỗi đau đớn. Những lúc đó bàn chân nhấn ga của tài xế lại “nhờn nhợn” vì sợ tác động xấu lên bệnh nhân. “Có những ca chúng tôi cố chạy hết sức, vừa chạy bác sĩ trực phía sau vừa hồi sức cấp cứu nhưng đường xấu quá, phải trải qua nhiều giờ để về đến TP.HCM rồi bị nhồi xóc, va đập nên không qua khỏi”.

Anh Vượng chùng giọng khi nhớ lại ca cấp cứu cho một thanh niên bị tai nạn giao thông tại thị xã Gia Nghĩa vào cuối năm 2010: “Bệnh nhân xuất huyết rất nhiều và gần như không còn hi vọng nhưng chúng tôi vẫn cố đưa về TP.HCM. Cứ đi được một đoạn là mạch lại không bắt được, bác sĩ phải cho xe dừng lại để cấp cứu rồi lại lên đường. Cứ thế về đến huyện Bù Đăng (Bình Phước) qua đến bốn lần cấp cứu giữa đường thì bệnh nhân tắt thở. Lúc đó cả người nhà, bác sĩ lẫn tôi nhìn nhau trong đêm mà buồn vô tận. Đành phải đưa xe chở bệnh nhân quay về”.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông - cho biết do là bệnh viện tuyến tỉnh nên lượng bệnh nhân cấp cứu phải đi trên quốc lộ 14 về TP.HCM rất lớn. Tuy nhiên, việc đường sá xuống cấp đã gián tiếp cướp mất sự sống nhiều người bệnh. “Có những ca chúng tôi tin là nếu đưa xuống kịp thời và không bị nhồi xóc thì sẽ cứu được, nhưng nhiều người vẫn phải ra đi vì đường quá xấu” - ông Cường nuối tiếc.

lqK9ZFAG.jpgPhóng to
Bác sĩ và người nhà vất vả chăm sóc người bệnh khi xe qua đường xấu - Ảnh: Thái Bá Dũng

Xem xét lại việc thu phí trên quốc lộ 14

Ngày 22-9, ông Hồ Văn Hữu, giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Phước, cho biết thời gian qua không chỉ người dân các tỉnh Tây nguyên mà đông đảo người dân tỉnh Bình Phước luôn đề nghị cơ quan chức năng ngừng thu phí ở trạm thu phí số 2 - quốc lộ 14 (đoạn thị xã Đồng Xoài - Cây Chanh). Người dân cho rằng tuyến quốc lộ này đang trong quá trình nâng cấp, mở rộng nhưng thi công rất chậm, gây thiệt hại về kinh tế, làm ô nhiễm môi trường và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, kẹt xe.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, cuối tháng 9-2009 tỉnh đã bàn giao trạm thu phí số 2 - quốc lộ 14 cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai thực hiện việc thu phí. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc sử dụng nguồn thu từ trạm thu phí đã thấy nhà đầu tư quản lý thiếu chặt chẽ và “có vấn đề”. Vì vậy tỉnh Bình Phước cũng đang yêu cầu các ngành liên quan xem xét lại hợp đồng BOT để quyết định có giao tiếp cho nhà đầu tư đang trong quá trình mở rộng, nâng cấp thu phí ở trạm số 2 - quốc lộ 14 hay không.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên