Bệnh nhi bị tay chân miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - Ảnh: Bình An
Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết bệnh hô hấp bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 9, dự đoán sẽ kéo dài đến tháng 11.
Hiện có 350 trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong đó có khoảng 200 trẻ nhiễm virút hợp bào hô hấp.
Bùng phát ở nhiều loại bệnh
Về số trẻ nhiễm virút hợp bào hô hấp, theo bác sĩ Anh Tuấn, tại Việt Nam ít người dân quan tâm đến bệnh này chứ trên thế giới lại rất quan tâm vì bệnh này lây lan không thua gì bệnh cúm.
Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh cúm nhập viện không nhiều bằng bệnh nhân nhiễm virút hợp bào hô hấp.
Người lớn hay trẻ em đều có thể bị nhiễm virút hợp bào hô hấp nhưng khi người lớn nhiễm thường có những biểu hiện nhẹ nên chủ quan, không biết rằng mình có thể lây bệnh cho các trẻ em khác. Còn trẻ em khi bị nhiễm virút hợp bào hô hấp thường nặng, tuổi càng nhỏ càng nặng.
90% trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm virút này có biểu hiện ho, khò khè, khó thở. Để chẩn đoán phải xét nghiệm virút. Tuy nhiên, trẻ nhập viện vào mùa này mà có những triệu chứng như đã kể trên thì 80-90% là nhiễm virút hợp bào hô hấp.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cao điểm. Trong khoảng 2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao với 600-700 ca/tuần.
Thời tiết mưa mỗi chiều như những ngày gần đây cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết có thể lây lan, xuất hiện nhiều trong thời gian tới.
Bệnh sởi cũng tăng từ cuối tháng 8 ở TP.HCM. Từ đầu năm đến nay TP có 96 ca sởi nhập viện điều trị. Phần lớn những ca mắc sởi đều không được chích vắcxin ngừa sởi trước đó.
Ngoài ra, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện có khuynh hướng tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Tuần gần nhất số trẻ nhập viện lên tới 286 ca, trong khi trước đó chỉ dao động từ 170-180 ca/tuần.
So với các tuần cùng kỳ năm trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng hiện đã tăng cao hơn.
Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh ở Đồng Nai
Đồng Nai hiện là nơi cao điểm có số người mắc bệnh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, hiện các loại bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang tăng nhanh trên địa bàn, trong đó có nhiều trường hợp trở nặng ở mức nguy hiểm.
Cụ thể, tính đến ngày 20-9, toàn tỉnh ghi nhận gần 4.000 ca sốt xuất huyết (2 ca tử vong), có trên 6.000 ca bệnh tay chân miệng (1 ca tử vong) và hơn 115 ca bệnh sởi. Đáng lưu ý, bệnh tay chân miệng có nhiều ca rất nặng, phải thở máy.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ đầu năm đến nay bệnh viện ghi nhận hơn 1.300 ca bị tay chân miệng.
Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, số ca bị tay chân miệng tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 45 ca bị nặng phải thở máy, lọc máu. Một trong những khó khăn là việc cách ly vất vả do lượng bệnh quá đông.
Trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế Đồng Nai đã triển khai các giải pháp, kế hoạch phòng chống dịch bệnh với các điểm nhấn theo từng khu vực. Bên cạnh đó, ngành y tế Đồng Nai cũng đã đề nghị Viện Pasteur TP.HCM đến hỗ trợ tỉnh phòng chống dịch bệnh.
Nhiều nơi thiếu văcxin trầm trọng
Ngày 27-9, ông Bùi Ngọc Lân - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định - cho biết văcxin 5 trong 1 Quinvaxem (Hàn Quốc) ở tỉnh này đã cạn kiệt, trẻ đúng độ tuổi đang cần tiêm văcxin phòng ngừa 5 loại bệnh nhưng văcxin mới do Ấn Độ sản xuất vẫn chưa có.
"Tuyến tỉnh đã hết văcxin Quinvaxem từ tháng 9-2018, ở tuyến huyện thì còn một ít nhưng không đủ để tiêm cho các bé 2, 3, 4 tháng tuổi" - ông Lân cho biết.
Bác sĩ Lê Thái Bình - giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn (Bình Định) - nói rằng điều khiến ông và các đồng nghiệp băn khoăn là đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn nào về phương án xử trí trong khi chờ văcxin mới thay thế Quinvaxem.
Tương tự, tại Cần Thơ, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ - cho biết: "Hiện tại nguồn dự trữ văcxin 5 trong 1 Quinvaxem của địa phương đã cạn. Nếu trong đợt tiêm chủng mở rộng vào tháng 10 sắp tới mà không có nguồn cung cấp văcxin mới từ chương trình quốc gia thì chúng tôi sẽ không có thuốc tiêm cho các em.
Trong đợt tiêm chủng mở rộng tháng 9 vừa qua, nguồn văcxin 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng dự trữ của địa phương chỉ đáp ứng được 1/10 số liều tiêm, chỉ còn đủ cung cấp 500 liều/ tổng số 5.000 liều theo nhu cầu tại các trạm y tế".
Tình trạng thiếu văcxin còn diễn ra ở rất nhiều nơi khác.
Tháng 10 sẽ chuyển đổi văcxin 5 trong 1
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-9 về nguy cơ thiếu văcxin, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết mỗi tháng Hà Nội cần 22.000-25.000 liều văcxin 5 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib), Hà Nội còn đủ văcxin trong tháng 9 và có thể đủ cho tuần đầu tháng 10, nhưng nếu văcxin chưa về trong tháng 10 thì sẽ khó khăn.
Theo đại diện của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện tất cả các khâu chuẩn bị để đưa văcxin 5 trong 1 ComBe Five vào sử dụng chính thức, thay thế văcxin Quinvaxem đã gần hoàn tất, chương trình đang thúc đẩy để đảm bảo tháng 10 tới có thể đưa văcxin này vào sử dụng chính thức.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận