18/03/2021 10:04 GMT+7

Bến xe Miền Đông mới: Trong vắng ngoài đông

HẰNG NGA
HẰNG NGA

TTO - Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM) sau 5 tháng khánh thành vẫn vắng vẻ. Sau khi 22 tuyến xe thôi đón trả khách ở bến cũ chuyển hẳn sang bến mới, bến vẫn thưa người trong khi bên ngoài nhộn nhịp đón khách dọc đường.

Bến xe Miền Đông mới: Trong vắng ngoài đông - Ảnh 1.

Xe khách vẫn dừng giữa đường đón khách, vận chuyển hàng hóa ở khu vực Suối Tiên, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN

Bến xe rộng lớn, hiện đại này chỉ đón một số ít người về quê.

Trong vắng, ngoài đông

Trái ngược với bức tranh ảm đạm trong bến xe là cảnh đông đúc, nhộn nhịp người dân đón xe ở nhiều "bến cóc" bên ngoài. Cổng khu du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP.HCM) luôn đông người đứng chờ xe. 

Những chiếc xe giường nằm tấp vào, phụ xe nhanh nhảu đỡ hành lý và hành khách chỉ việc lên xe. Nơi này chỉ cách bến xe mới chưa đầy 1km.

Không xa điểm này là điểm đón khách trước cổng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Các quán giải khát bên đường không còn chỗ trống. Đây cũng là nơi đón xe đò quen thuộc của các bạn sinh viên đang ở trọ cạnh nhà tôi mỗi lần về quê. 

Họ thường đặt vé xe khách giường nằm của người cùng huyện từ trước (xe quen), đến giờ hẹn chỉ việc đi xe ôm công nghệ ra điểm đón.

Lý do khiến nhiều người chọn các xe này là tiện lợi, giá vé ngày thường luôn thấp hơn vé mua tại bến. 

Nhà xe còn chiều khách đến mức 15 phút trước khi khởi hành từ nội thành, họ gọi điện nhắc khách ra điểm hẹn lên xe dọc đường. Chỉ cần gọi điện thoại đặt trước là yên tâm có chỗ nằm trên xe, tiền vé thì xe chạy mới trả. Khách thông báo "hủy" chuyến cũng không phải bồi thường.

Về hành lý, chỉ có dịp lễ, tết mới phải đóng cước vận chuyển, còn lại thì hầu như miễn phí vào ngày thường mà không phân biệt trọng lượng, kích thước kiện hàng. Cháu tôi từng mang cả xe gắn máy vào TP.HCM nhưng chỉ đóng mức phí tượng trưng.

Giải pháp nào hút khách?

Những người xung quanh tôi, ở trọ rất gần bến xe cũng không mặn mà với việc vào bến mua vé. Cơ sở vật chất khang trang mới chỉ là một vế, rất cần những yếu tố quan trọng tạo sức hấp dẫn từ chất lượng phục vụ, các dịch vụ kèm theo. Thiếu nó thì tình trạng bến xe vắng khách vẫn chưa thể cải thiện.

Còn hành khách ở xa có thể đến bến xe Miền Đông mới bằng phương tiện gì? Tiết kiệm nhất là xe buýt. Hiện nay có rất nhiều tuyến xe buýt đi ngang qua bến xe, gồm xe số: 33, 76, 93, 150, 601, 602... và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, nhất là có thêm sự hiện diện của tuyến metro số 1. Song dường như vẫn chưa đủ để cạnh tranh với "bến cóc, xe dù".

Thực tế cho thấy rất ít hành khách chọn xe buýt đến bến xe vì xe buýt chỉ phù hợp với người có hành lý gọn nhẹ, đơn giản. Đi xe buýt nhiều chặng sẽ phải khởi hành sớm hơn, mất nhiều thời gian.

Nên chăng các nhà xe "thường trú" tại bến xe Miền Đông mới cần hợp tác phát triển loại hình xe trung chuyển như một số hãng xe lớn đang áp dụng. Những chiếc xe từ 16 chỗ ngồi trở xuống đưa đón khách tận nơi sẽ giúp người dân hài lòng và lựa chọn "điểm đến" là bến xe Miền Đông mới.

Để bến xe Miền Đông mới cùng những bến xe khác hoạt động hiệu quả và "sống" được, cần phải giải quyết dứt điểm nạn "bến cóc, xe dù". Những "chiến dịch" ra quân của ngành chức năng dù quyết liệt song lại thiếu thường xuyên. 

Rất dễ nhận thấy vào các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng đậu xe dưới lòng đường, đón khách không đúng nơi quy định giúp đường phố khá thông thoáng. Vậy nhưng, sau đó thì đâu lại vào đấy, thậm chí mức độ còn trầm trọng hơn. 

Dẹp được "xe dù, bến cóc" còn góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh vận tải khách. Tránh tình trạng những xe vào bến đón trả khách đúng quy định lại thiệt thòi, thất thu so với xe chạy bát nháo, giành giật khách ngoài bến.

3 điều bất tiện

Ngày 14-3, tôi theo dõi thông tin và được biết 22 tuyến xe từ Quảng Trị trở ra Bắc chấm dứt đón trả khách ở bến nội thành, di dời sang bến xe Miền Đông mới. Tôi rất phấn khởi đến bến mới để mua vé cho người thân.

10h sáng, bến vắng vẻ, chỉ có nhân viên quầy vé, bảo vệ... Ngoài quầy vé, bãi chờ chỉ có mình tôi là hành khách. Tôi đi một vòng bến xe, ra phía sau bãi đậu xe thấy 4 chiếc xe đậu đó, không có hành khách lên xe.

ha_bxmdmoi_04 1(read-only)

Bến xe Miền Đông mới vắng khách sau gần 5 tháng đi vào hoạt động (ảnh chụp sáng 17-3) - Ảnh: HOÀNG AN

Tôi từng kỳ vọng khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) kết nối vào bến xe, cộng thêm hệ thống xe buýt đến TP mới Thủ Đức, người dân sẽ thuận lợi đến bến xe mới. Tuy nhiên, đó là ở một tương lai xa. Hiện tại bến xe này vẫn còn đìu hiu dù đã khánh thành từ tháng 10-2020.

Theo tôi, cần có giải pháp kịp thời khắc phục hạn chế để khai thác hiệu quả các dịch vụ bến xe mới.

Thứ nhất, tăng cường các tuyến xe buýt kết nối vào bến mới. Hiện tại có 3 tuyến là tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9), tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng) và tuyến 93 (Bến Thành - Đại học Quốc gia) vào bến. Các khu vực khác, hành khách muốn vào bến phải dừng trạm ngoài quốc lộ 1, đi nối tuyến hoặc đi bộ hơn 2km để vào được bến xe.

Thứ hai, đường sá quanh đây còn ngổn ngang, chưa thuận tiện. Mặt tiền bến xe giáp quốc lộ 1, đường cho xe vào bến đã được trải nhựa nhưng chưa có bảng chỉ dẫn từng hướng đi cho hành khách.

Xe khách khi rời bến xe sẽ rẽ phải đi theo quốc lộ 1 ra phía Bắc, nhưng hướng đi cho xe muốn vòng lại vào nội thành TP.HCM theo tuyến Hoàng Hữu Nam và số 13 phải băng qua các bãi đất trống (vì chưa có đường). Các tuyến đường từ bến xe dẫn ra quốc lộ 1 (để về nội thành) hiện vẫn còn quá nhỏ hẹp...

Thứ ba, tôi kiến nghị ban quản lý bến phát thông báo, quảng cáo rộng rãi hơn các thông tin liên quan đến việc di dời 22 tuyến về hẳn bến mới, việc bán vé sẽ thuận tiện hơn.

Cần phát triển hạ tầng quanh bến xe

Ông Nguyễn Hoàng Huy - tổng giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết bến xe đang đề xuất Sở GTVT TP mở thêm kết nối các tuyến xe buýt tại bến xe mới để thuận tiện cho hành khách. Chủ đầu tư bến xe cần sớm cung cấp các dịch vụ tiện ích tại bến như phục vụ ăn uống, kho bãi, cây xăng...

Theo ông Huy, cần nhanh chóng mở rộng các tuyến đường kết nối vào bến, quy hoạch giao thông ở bến mới phải đồng bộ về hạ tầng xung quanh. Sau khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ chuyển hết các tuyến từ bến cũ ra bến mới.

THU DUNG ghi

Vì sao bến xe Miền Đông mới vắng khách? Vì sao bến xe Miền Đông mới vắng khách?

TTO - Những ngày cuối năm, bến xe Miền Đông mới (Q.9, TP.HCM) có ít khách trong khi bến xe cũ - là bến xe hiện hữu (Q.Bình Thạnh) - vẫn nhộn nhịp, dù đã có 22 tuyến được dời qua bến xe mới.

HẰNG NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên