25/07/2015 15:42 GMT+7

​Bên trong tội ác

TRỊNH NAM TIẾN
TRỊNH NAM TIẾN

TTO - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên".

Đó là câu nói thể hiện tầm nhìn văn hóa - đạo đức đầy uyên thâm và vượt thời gian của Người, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Nhìn vào những tội ác xảy ra gần đây trong xã hội mà mới nhất là vụ giết hại dã man 6 người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước ngày 7-7, chúng ta liên tưởng đến câu nói của Người để phân tích xem, bên trong tội ác của hai kẻ giết người kia nói riêng cũng như trong các tội ác khác là gì, vai trò của việc giáo dục văn hóa, đạo đức, nhân cách khi để xảy ra những tội ác đó đến đâu?

Chúng ta có thể nói rằng một cá nhân nếu được giáo dục ngay từ nhỏ về đạo đức, nhân cách và văn hóa (đương nhiên văn hóa được nói đến ở đây là văn hóa lối sống, văn hóa làm người) và sự giáo dục ấy được liên tục, trong tất cả phạm vi, môi trường sống thì khả năng cá nhân đó gây ra tội ác đến vô cùng tận là rất ít nếu không nói là khó xảy ra.

Chính nền tảng văn hóa, đạo đức, nhân cách luôn thôi thúc họ hướng hành vi của mình đến những gì tốt đẹp nhất, luôn kiếm tìm và tạo ra những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống của mình. Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia, nhiều danh nhân nêu khái niệm về văn hóa, nhưng chung quy văn hóa là những cái đẹp, những gì tốt đẹp.

Vậy ai sẽ đảm nhận vai trò giáo dục để tạo lập tính "hiền", rời xa tính "dữ" của mỗi cá nhân như vừa nêu ở trên?

Trước tiên, là gia đình.

Gia đình là nơi mỗi cá nhân trải qua những bài học đầu tiên về làm người. Tính gương mẫu, tình yêu thương, sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của ông bà cha mẹ góp phần định hình những giá trị đầu tiên về tâm hồn, về đạo đức, về nhân cách cho con cháu mình.

Kế đến, là nhà trường.

Không chỉ đóng vai trò trang bị tri thức, nhà trường giữ vai trò quan trọng để phát triển những giá trị nhân cách, đạo đức và tâm hồn của mỗi cá nhân; cùng với gia đình giáo dục mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện.

Điều này cũng đòi hỏi phương pháp, sự nêu gương và tính trách nhiệm của những bậc làm thầy. Nhà trường đóng vai trò cầu nối giữa gia đình và xã hội trong quá trình tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân. Và đương nhiên, giáo dục trong nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Sau đó, là xã hội.

Khi gia đình và nhà trường làm tốt vai trò giáo dục từ đầu sẽ tạo ra cho xã hội những lớp công dân tốt, hoàn thiện về nhận thức, nhân cách và đạo đức. Từ đó, chính sự lan tỏa của những cái tốt, những giá trị chân - thiện - mỹ của các thế  hệ công dân cộng với sự nêu gương, tính khoa học và tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác điều hành, quản lý xã hội sẽ góp phần hình thành, thúc đẩy sự tự giáo dục của mỗi cá nhân, giúp họ trở nên hoàn thiện thật sự.

Nói như vậy, không có nghĩa là khi tội ác xảy ra, chúng ta đổ lỗi hoàn toàn do nhà trường chưa làm tốt vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong giáo dục văn hóa, đạo đức, nhân cách của người đã gây ra tội ác đối với xã hội.

Nhưng, liệu có hay chăng biểu hiện ngày càng rõ sự bình đẳng trong phạm vi nhà trường giữa thầy cô giáo, người làm công tác quản lý giáo dục với người học; cũng như xu hướng thương mại hóa trong giáo dục, đào tạo - khi người học cũng đồng thời là khách hàng đang tạo ra nguy cơ việc định hình những giá trị văn hóa, đạo đức, nhân cách trở nên lỏng lẻo? Câu hỏi này đang là sự trăn trở lớn của toàn xã hội cần một cái nhìn thẳng thắn để có được câu trả lời.

Giáo dục phải đi kèm với răn đe. Cả hai đều quan trọng và cần thiết. Nhưng giáo dục tốt, không đợi đến răn đe vẫn là giải pháp tốt nhất để tạo ra sự ổn định, bình yên cho xã hội.

Và sau những tội ác được lột trần, được pháp luật răn đe, xử lý nghiêm minh liệu điều chúng ta nhận thấy bên trong mỗi tội ác có phải là sự hẫng hụt của các giá trị văn hóa, đạo đức, nhân cách; sự thiếu vắng giá trị chân - thiện - mỹ mà lẽ ra trong mỗi cá nhân được xác lập ngay từ đầu?

TRỊNH NAM TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên