24/10/2020 12:48 GMT+7

'Bến đợi' của phụ nữ Việt

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Là một nữ điêu khắc gia nổi danh hiếm hoi của nghệ thuật Việt Nam, thế nhưng 60 năm bước vào nghề, Phùng Chý Thu mới có một triển lãm cá nhân cho riêng mình.

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 1.

Nhà điêu khắc Phùng Chý Thu bên tác phẩm Chị Võ Thị Sáu - Ảnh: MAI THỤY

Ở tuổi 80, nhà điêu khắc vẫn hừng hực với nghề, giọng hứng khởi khi nói về tác phẩm và đôi mắt sáng lên lúc nhắc đến loạt sáng tác mới sẽ thực hiện ngay sau triển lãm.

Họa sĩ Huỳnh Thảo chia sẻ có một khoảng thời gian trước đây, mỗi ngày nhà điêu khắc Phùng Chý Thu vẫn đi về hơn 40 cây số đến xưởng vẽ. Khó khăn về tuổi tác hay sức khỏe không nới được khoảng cách tình yêu giữa bà và nghệ thuật.

“Không có đặc trưng nào của người phụ nữ Việt rõ rệt hơn cái bến đợi.

Nhà điêu khắc Phùng Chý Thu

"I...êu" - cái tên bà đặt cho buổi trưng bày gói ghém cả sự ngọng nghịu, nũng nịu trong tình cảm lẫn thái độ của bà đối với chuyện lứa đôi. Tình yêu sóng sánh đầy nơi phù điêu của tác giả, từ cách đôi nam nữ âu yếm nhìn nhau trong phiên chợ tình cho đến ánh mắt say mê điên dại của Chí Phèo - Thị Nở.

Đến triển lãm "I...êu", giới mỹ thuật đã bất ngờ trước tác phẩm Chị Võ Thị Sáu - bức phù điêu miêu tả người nữ chiến sĩ anh hùng có gương mặt trái xoan, bờ môi cong và một đôi mắt long lên trước kẻ thù đã cuốn hút người xem.

Đối với nhà điêu khắc Phùng Chý Thu, đôi mắt ấy là ánh nhìn của người biết mình sống cho ai và vì điều gì, một tình yêu nước sáng quắc chất vấn vào tâm địa kẻ thù. Tác phẩm hiện đã được trao cho Bảo tàng Côn Đảo.

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 3.

Những buổi hát xẩm, múa đèn như thể một điệu vũ của gỗ, đồng đang hòa chung vào nhịp văn hóa 4.000 năm của dân tộc - Ảnh: M.THỤY

Họa sĩ Nguyễn Lâm nhận định đỉnh cao trong kỹ thuật sáng tác của Phùng Chý Thu là cách bà tìm tòi nghiên cứu, biểu lộ được gương mặt đặc thù của người phụ nữ Việt nơi gò má, khung hàm và đưa hồn cốt văn hóa vào bên trong chân dung.

Tuy nhiên, khi được hỏi đâu là đặc trưng quan trọng nhất của người phụ nữ Việt Nam, nhà điêu khắc lại khẳng định: "Bến đợi. Không có đặc trưng nào của người phụ nữ Việt rõ rệt hơn cái bến đợi. Tôi đã dành

30 năm để suy nghĩ suốt về nó, về cái bến đò đã hòa làm một với thân phận bấp bênh, sự đợi chờ đến héo úa của người phụ nữ qua bao năm chiến tranh".

Gương mặt phụ nữ trong tác phẩm của Phùng Chý Thu là hình ảnh của người cuồng nhiệt vì yêu nhưng cũng đau đớn vì yêu, chịu đựng hậu quả chiến tranh và số phận.

Hầu hết sáng tác của nhà điêu khắc đều đã được sưu tập, để tổ chức triển lãm cá nhân, bà phải mượn lại tác phẩm để trưng bày. Triển lãm sẽ diễn ra từ nay đến ngày 28-10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 4.

Tác phẩm Cửa thiền - Ảnh: MAI THỤY

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 5.

Tác phẩm Chợ tình 1 - Ảnh: MAI THỤY

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 6.

Tác phẩm Bến đợi 2 - Ảnh: MAI THỤY

Bến đợi của phụ nữ Việt - Ảnh 7.

Tác phẩm Xứng - Ảnh: MAI THỤY

Nhà điêu khắc Tô Sanh đã có hậu duệ Nhà điêu khắc Tô Sanh đã có hậu duệ

TTO - Đó là hai đệ tử Kim Thanh và Nguyễn Sang. Đôi vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc này vừa tổ chức một triển lãm khá ấn tượng với 120 tượng chân dung, bút tích và tiểu sử của những người nổi tiếng có đóng góp cho đất nước, cho nhân loại trên nhiều lĩnh vực.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên